Y tế Cần Thơ tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng
Từ tháng 4 đến nay, số ca bệnh tay chân miệng ở trẻ em khu vực ĐBSCL có xu hướng tăng mạnh, nhiều ca nhập viện ở mức độ nặng, phải hội chẩn với tuyến trên hoặc chuyển viện. Tại Cần Thơ, theo ngành chức năng, số ca bệnh tay chân miệng giảm so với cùng kỳ nhưng ca nặng lại tăng hơn kèm theo tình trạng thiếu thuốc chữa trị.
Thống kê từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Cần Thơ, 6 tháng đầu năm nay, thành phố có 402 ca mắc tay chân miệng, giảm 52,7% so với cùng kỳ (850 ca), nhưng số ca nặng tăng cao hơn là 12 ca (trong đó có 8 ca độ 2b, 4 bệnh ca độ 3 và 4) so với năm 2022.
BS.CKII Ông Huy Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ cho biết, số ca nặng tăng cao nên trong tháng 6 này, bệnh tay chân miệng nhập viện tại Bệnh viện tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2022, tăng gấp 10 lần so với tháng 5 vừa qua. Hiện bệnh viện đang điều trị 12 ca bệnh nặng tay chân miệng.
BS Thanh nhận định, nếu trong 1 - 2 tuần nữa, lượng bệnh nhân tiếp tục gia tăng mà không có nguồn thuốc mới bổ sung sẽ rất khó khăn cho công tác điều trị. Đặc biệt, tình trạng xuất hiện nhiều ca nặng với xét nghiệm EV71 dương tính - là type virus gây ra các trường hợp nặng và các biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm phổi cấp tính, viêm cơ tim - thì thuốc điều trị đặc hiệu cần sử dụng là IVIG (Globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch) sẽ tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Song lượng thuốc IVIG dự trữ tại bệnh viện còn rất ít, nguồn cung lại tạm thời ngừng cấp, dẫn đến việc không đáp ứng nhu cầu điều trị tại Bệnh viện trong giai đoạn hiện nay.
Tháo gỡ bước đầu tình trạng thiếu thuốc điều trị tay chân miệng, bà Nguyễn Ngọc Việt Nga, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Cần Thơ cho biết, Sở chỉ đạo không chỉ riêng Bệnh viện Nhi đồng mà các đơn vị khám, chữa bệnh công lập và ngoài công lập sẵn sàng hỗ trợ tư vấn, hội chẩn, thu dung, điều trị bệnh nhân tay chân miệng từ tuyến dưới chuyển lên theo đúng các hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, cần tuyên truyền cho người dân tình trạng thiếu thuốc tạm thời không phải do công tác đấu thầu khó khăn.
"Tình hình đấu thầu thuốc của Cần Thơ vẫn đáp ứng được nếu đúng theo tiến độ đấu thầu vì gói đầu thầu cũ vẫn còn. Tuy nhiên, thuốc này khan hiếm vì hiện tại các công ty không nhập vào Việt Nam được, nguồn cung khan hiếm từ nước ngoài. Vấn đề thiếu thuốc này Bộ Y tế cũng đã biết vì Sở Y tế Cần Thơ đã làm văn bản gửi lên Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM cũng đã gửi lên Bộ Y tế, nghĩa là thiếu thuốc không chỉ ở Cần Thơ, cả khu vực ĐBSCL và giờ đến TP.HCM, tất cả do nguồn cung từ nước ngoài về", bà Nga nói.
Tình hình bệnh tay chân miệng diễn biến khó lường, trong khi chờ sự chỉ đạo từ Bộ Y tế, Sở Y tế TP. Cần Thơ đã đề nghị đơn vị trúng thầu (Công ty cổ phần dược liệu Trung Ương 2) cung ứng đầy đủ, kịp thời số lượng thuốc đã trúng thầu tại đơn vị; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ kết quả thầu thuốc tập trung tại địa phương (dự kiến có kết quả trong tháng 7 tới).