Y tế cơ sở, nỗ lực lớn trong 'cuộc chiến' phòng dịch COVID-19

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 đang cận kề, nhưng với những cán bộ y tế nói chung, y tế ở các Trạm y tế xã, phường nói riêng vẫn đang tất bật với công tác phòng, chống dịch COVID-19. Kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp, với những cán bộ y tế, những bó hoa, lời chúc mừng, buổi liên hoan đơn sơ… trong ngày lễ của ngành đã trở thành một kỷ niệm đẹp.

Cán bộ y tế phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình) hướng dẫn người dân thực hiện khai báo y tế. Ảnh: Minh Quang

Cán bộ y tế phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình) hướng dẫn người dân thực hiện khai báo y tế. Ảnh: Minh Quang

Chủ tịch UBND xã Cúc Phương Đinh Văn Xuân đón chúng tôi bằng một thông tin không vui: Hai ngày qua (23-24/2), số ca dương tính với SAR-COV-2 ở xã tăng đột biến, có ngày ghi nhận tới 30 ca. Tổng số ca bệnh toàn xã hiện nay là hơn 100 ca.

"Trạm Y tế xã chỉ có 5 cán bộ, nhân viên. Trong đó, có tới 4/5 người là nữ giới. Thêm nhiều ca bệnh đồng nghĩa với nhiệm vụ của các cán bộ y tế xã thêm nặng nề, vất vả. Từ Tết Nguyên đán tới giờ, họ làm việc không có ngày nghỉ. Cần mẫn sớm hôm, hi sinh cả những giây phút đoàn tụ gia đình trong những ngày đầu năm mới..."- ông Đinh Văn Xuân xúc động chia sẻ.

Đưa chúng tôi đi thăm những cán bộ, nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ tại Trạm Y tế xã, ông Đinh Văn Xuân cho biết thêm: Khi chưa có dịch COVID-19, nhiệm vụ của các cán bộ y tế xã vốn đã khá vất vả. Bởi lẽ, người dân ở Cúc Phương sinh sống trên địa bàn rộng, xa xôi. Ở một số nơi vùng xa, đồng bào còn giữ những hủ tục trong sinh hoạt, ăn uống, vệ sinh môi trường… ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của chính người dân.

Vì vậy, cán bộ y tế xã chính là kênh tuyên truyền tích cực nhất nhằm thay đổi nhận thức, cung cấp kiến thức, giúp bà con xây dựng lối sống vệ sinh, lành mạnh và văn minh như hiện nay. Nhờ đó, nhiều năm liền trên địa bàn xã Cúc Phương không có dịch bệnh lớn xảy ra, người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt.

Từ khi tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, một ngày làm việc của Trạm trưởng Đinh Thị Thảo luôn bắt đầu từ rất sớm. Có mặt tại Trạm Y tế xã, chị Thảo vừa cùng với các cán bộ, nhân viên hướng dẫn người dân tới khai báo y tế, test nhanh vừa khẩn trương thực hiện khám bệnh ban đầu cho nhân dân để người dân không phải đợi lâu.

"Dịch COVID-19 ở địa phương ngày càng diễn biến phức tạp với các ca mắc cộng đồng ngày càng nhiều. Trong khi đó, vẫn còn một số người dân vẫn chủ quan, nhận thức chưa đầy đủ về dịch. Sau khi hỗ trợ người dân làm các xét nghiệm sàng lọc, đối với những người cho kết quả dương tính, chúng tôi dành thời gian tư vấn để họ yên tâm điều trị nhưng cũng không được chủ quan, lơ là. Khối lượng công việc rất lớn, chị em ở Trạm luôn trong tình trạng quá tải. Nhưng vì sức khỏe nhân dân, chúng tôi phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba"- Trạm trưởng y tế xã Cúc Phương Đinh Thị Thảo mở đầu câu chuyện.

Vừa trao đổi với chúng tôi, chị Thảo liên tục gọi điện dặn dò các F0 đang thực hiện điều trị tại nhà: Khi nào người bệnh có biểu hiện mệt mỏi thì gọi ngay theo số điện thoại này nhé, Trạm Y tế sẽ hướng dẫn điều trị cụ thể. Mỗi ngày, chị Thảo thực hiện hàng chục cuộc điện thoại như thế.

Phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình) là địa phương có diễn biến dịch bệnh COVID-19 khá phức tạp. Hiện nay, phường Tân Thành có trên 200 ca dương tính với SAR-COV-2. Từ khi dịch bùng phát mạnh, các cán bộ, nhân viên của Trạm y tế phường rất vất vả. Trong điều kiện nhân lực có hạn, các nhân viên y tế phải cùng lúc xử lý nhiều phần việc, từ tiếp nhận thông tin khai báo, phân loại cách ly điều trị, hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm…

Mỗi ngày, Trạm Y tế phường tiếp nhận khai báo cho hàng chục ca F0, có ngày cao điểm lên tới 60 ca. Ngoài ra, các nhân viên y tế còn hỗ trợ xét nghiệm cho hàng chục ca có biểu hiện nghi ngờ, có lịch sử tiếp xúc với F0. Ngoài ra, họ còn phải làm nhiều công việc chuyên môn, như: tiêm chủng mở rộng; truyền thông, quản lý các bệnh không lây nhiễm; phòng, chống HIV, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm….

Bác sĩ Ninh Thị Hạnh, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình) chia sẻ: Phường Tân Thành có trên 11 nghìn dân. Thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân của phường chỉ có 4 cán bộ, nhân viên Trạm Y tế. Bởi vậy, công việc vốn dĩ đã rất bận rộn. Khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công việc lại càng thêm nặng nề.

Từ sáng sớm, khi đến Trạm, chúng tôi phân công nhau lo công tác ghi nhận thông tin ca nhiễm, liên lạc nắm bắt tình hình sức khỏe của các bệnh nhân đang điều trị tại nhà xem có cần hỗ trợ gì không; tư vấn cho các F0 về tâm lý, cách xử lý rác thải, cách sử dụng thuốc…

Hiện nay, các bệnh nhân khi biết mình mắc COVID-19 không còn quá lo lắng như trước nữa. Tuy nhiên, nhiều người lại có tâm lý chủ quan, hoặc sử dụng thuốc theo cách truyền tai nhau. Vì vậy, khi các F0 ra Trạm thực hiện khai báo, chúng tôi tranh thủ tuyên truyền để nâng cao nhận thức, kiến thức phòng chống dịch trong giai đoạn mới… Ai cũng phải làm việc liên tục nên không tránh khỏi sự căng thẳng, mệt mỏi. Tuy nhiên, chúng tôi đều xác định đây là trách nhiệm của người cán bộ y tế ở tuyến đầu chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho người dân nên luôn động viên, hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ.

Bác sĩ Ninh Thị Hạnh cho biết: Cả Trạm y tế phường chỉ có 4 cán bộ, nhân viên, trong đó toàn bộ là nữ giới. Ngoài trách nhiệm của người thầy thuốc, chúng tôi còn gánh trên vai trách nhiệm của người vợ, người mẹ trong gia đình. Từ Tết Nguyên đán tới giờ, để thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch, chúng tôi đều "lấy Trạm làm nhà". Một ngày làm việc của chúng tôi chưa bao giờ kết thúc trước 7 giờ tối. Cá nhân tôi, chồng tôi hiện đang công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Cả hai vợ chồng làm cùng ngành, lịch trực dày đặc nên thời gian dành cho con cái rất hiếm hoi. Trong khi đó, con trai lớn của tôi mới học lớp 3, hiện đang học trực tuyến, không có sự giám sát thường xuyên của mẹ, nên cũng tội lắm.

"Nói lên những vất vả ấy để thấy rằng, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của mỗi chúng ta. Mọi điều ước lúc này, chúng tôi mong muốn rằng mỗi người dân sẽ nêu cao ý thức, thực hiện thật tốt các quy định trong phòng dịch; trong cách ly và điều trị để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, cho gia đình và cộng đồng.

Với sự nỗ lực của chính quyền, sự chung sức của mỗi người dân, tôi tin rằng dịch bệnh rồi sẽ đi qua, cuộc sống của chúng ta sẽ ổn định và bình yên trở lại. Đó chính là động lực để "tiếp sức" cho lực lượng y tế cơ sở trong giai đoạn nhiều thử thách này" - bác sĩ Hạnh chia sẻ thêm.

Bài, ảnh: Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/y-te-co-so-no-luc-lon-trong-cuoc-chien-phong-dich-covid-19/d20220225095643680.htm