Y tế cơ sở 'than thở' vì khó khăn
Y tế cơ sở góp phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay các trạm y tế lại khá khó khăn khi cơ sở vật chất không đầy đủ, nhân lực quá mỏng.
Đề cập đến chất lượng y tế cơ sở, bà Đào Thị My Thư - Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp (TPHCM) cho biết, cơ sở vật chất của y tế cơ sở trên địa bàn chưa đáp ứng với điều kiện chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh. Cần đảm bảo để y tế cơ sở hoạt động hiệu quả, người dân yên tâm đến khám, chữa bệnh.
Theo bà Thư, quận Gò Vấp với 16/16 phường đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Tuy nhiên, tại một số phường 3, 7, 15 trạm y tế còn nhỏ, chưa đảm bảo theo quy định, gây khó khăn cho công tác khám, chữa bệnh. Thậm chí, Trung tâm y tế quận cũng đã xuống cấp. Cụ thể, khu C là dãy nhà cấp 4, có tuổi đời gần 50 năm, hiện tại phần mái đã bị sập hoàn toàn. Trong khi đó, các trạm y tế đang quản lý trên 56.300 người cao tuổi, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho hơn 4.200 người có bệnh nền.
Cũng trong tình trạng khó khăn chung, ông Đỗ Thanh Tuấn – Giám đốc Bệnh viện quận 4 (TPHCM) cho hay, cơ sở vật chất của bệnh viện xuống cấp trầm trọng, trang thiết bị được đầu tư trên 20 năm hư hỏng thường xuyên. Cụ thể, phòng ốc thấm dột nhiều, hệ thống các phòng bệnh nhỏ, không đạt chuẩn... Đặc biệt, bệnh viện chưa có các hệ thống đi kèm để đáp ứng về chất lượng và an toàn như các hệ thống khí, hệ thống gọi, camera giám sát, phòng cháy, chữa cháy… Trong khi đó, kinh phí bệnh viện chỉ đủ sửa chữa vật chất nhỏ, cấp bách.
Nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân càng tăng cả về số lượng và chất lượng, để đáp ứng nhu cầu này các quận, huyện kiến nghị TPHCM cần có những giải pháp căn cơ, thiết thực. Bà Đỗ Thị Trúc Mai - Phó Chủ tịch UBND quận 4 kiến nghị, có thể cho quận xây dựng 3 phòng khám hay còn gọi là “bệnh viện vệ tinh”, nhằm đáp ứng được công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn. Do tất cả các phường đều có trạm y tế nhưng không phát huy được hiệu quả hoạt động rất lãng phí.
“TPHCM nên nghiên cứu tập trung đầu tư “bệnh viện vệ tinh” giảm áp lực cho các tuyến bệnh viện và người dân sẽ tin tưởng khi đến những trạm y tế khá khang trang” - bà Mai nói.
Huyện Bình Chánh (TPHCM) có 16 trạm y tế phục vụ chăm sóc y tế tuyến cơ sở cho hơn 800.000 dân. Thế nhưng, về nhân sự, tính theo quy định thì số lượng y, bác sĩ tại các trạm mới chỉ đạt 50% yêu cầu. Ông Phạm Văn Tuấn - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Bình Chánh cho rằng, cần thay đổi tư duy trong thực hiện chính sách đãi ngộ bác sĩ. Theo đó, nếu bác sĩ trẻ muốn đi học nâng cao thì phải tạo điều kiện cho họ học tập nâng cao tay nghề. Có những đơn vị cho rằng, cho bác sĩ đi học thêm sau đó sẽ không quay trở lại làm việc. Việc này sẽ tạo khó khăn, vô hình chung càng đẩy bác sĩ đi xa hơn với cơ sở.
Mới đây, TPHCM tổ chức chương trình Ngày hội việc làm dành cho các bác sĩ vừa nhận chứng chỉ hành nghề tại thành phố. Tại Ngày hội việc làm, nhiều trung tâm y tế quận, huyện tham gia để tuyển nhân sự. Có hơn 500 vị trí việc làm nhưng chỉ có khoảng 270 bác sĩ nên nhiều đơn vị không tuyển dụng được. Trong đó, có 40 bác sĩ chọn về bệnh viện quận, huyện và 18 bác sĩ về các trung tâm y tế.
Liên quan đến nhân lực cho trạm y tế, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, thành phố có chương trình thực hành 18 tháng tại bệnh viện gắn liền với trạm y tế cho các bác sĩ mới tốt nghiệp khóa I/2023. Qua 18 tháng thực hiện chương trình thí điểm có 270 bác sĩ tham gia toàn bộ chương trình.
Tại Kỳ họp lần thứ XI của HĐND TPHCM, ngày 19/9, nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng và trang thiết bị của ngành y tế thành phố chính thức được bổ sung vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Đặc biệt, lần đầu tiên HĐND TPHCM đã chấp thuận thông qua tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực y tế là 30 tỷ đồng.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/y-te-co-so-than-tho-vi-kho-khan-5743144.html