Y tế Nghệ An 'khát' từ nhân lực đến hạ tầng

Ngành y tế Nghệ An đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như bác sĩ, điều dưỡng nghỉ việc, nhiều cơ sở vật chất bị xuống cấp, bệnh viện gặp khó về tuyển dụng nhân sự, tự chủ tài chính…

Thiếu hụt về nhân lực y tế

HĐND tỉnh Nghệ An vừa có cuộc làm việc với ngành khối văn hóa - xã hội theo kế hoạch giám sát của HĐND tỉnh về về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Theo báo cáo của Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Nguyễn Thị Hồng Hoa, nhân lực tại các trạm y tế là khó khăn chung của ngành hiện tại. Việc giải quyết vấn đề nguồn nhân lực y tế đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là việc thực hiện tinh giản biên chế, nhất là tại tuyến y tế cơ sở. Trong khi đó, số người đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập ngày càng tăng, gây quá tải và áp lực cho nhiều đơn vị y tế trong việc đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh.

Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Sản nhi Nghệ An.

Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Sản nhi Nghệ An.

Cũng theo Giám đốc Sở Y tế, số lượng nhân lực y tế toàn tỉnh hiện còn thiếu so với mức tối thiểu cần đạt được vào năm 2025 theo Thông tư số 03/2023 của Bộ Y tế. Cụ thể, Nghệ An cần 13.000 nhân viên y tế, trong đó tuyến y tế cơ sở cần tối thiểu 7.037 người. Tuy nhiên, hiện chỉ có 5.749 chỉ tiêu, thiếu 1.288 chỉ tiêu so với quy định. Một số đơn vị như Trung tâm Y tế Tân Kỳ, Trung tâm Y tế Anh Sơn, và Trung tâm Huyết học Truyền máu mới đạt khoảng 70% yêu cầu.

Tính đến 31/3, hệ thống y tế công lập của Nghệ An có tổng cộng 3.529 bác sĩ, 873 dược sĩ, 4.913 điều dưỡng viên, 928 hộ sinh, 621 kỹ thuật viên y tế và 3.056 nhân lực khác. Trong số này, 1.980 bác sĩ làm việc tại các bệnh viện tuyến tỉnh, 1.179 bác sĩ làm việc tại y tế tuyến huyện và 370 bác sĩ làm việc tại trạm y tế tuyến xã.

Sở Y tế Nghệ An

Không chỉ các cơ sở y tế tuyến cơ sở gặp khó khăn, các đơn vị y tế tuyến cuối của tỉnh như Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Sản Nhi cũng chưa đảm bảo đầy đủ các vị trí việc làm cần thiết.

Ngoài vấn đề thiếu nhân lực, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An nêu thực trạng, phân bổ bác sĩ giữa các khu vực và đơn vị y tế không đồng đều. Đa số bác sĩ tập trung ở các đơn vị y tế ở mức tỉnh hoặc khu vực thành thị có điều kiện kinh tế - xã hội tốt.

Đơn cử, TP Vinh tập trung nhiều cơ sở y tế nhất, hiện có 60 bác sĩ/1 vạn dân. Tuy nhiên tại các huyện chỉ có 8-12 bác sĩ, cá biệt một số huyện miền núi chỉ có 5-6 bác sĩ/1 vạn dân như Quế phong chỉ có 5,7 bác sĩ/1 vạn dân, Anh Sơn chỉ có 5,5 bác sĩ/1 vạn dân…

Khăn trong đảm bảo nguồn nhân lực y tế

Theo đại diện Sở Y tế Nghệ An, tình trạng không đủ chỉ tiêu trong việc tuyển dụng hàng năm của các cơ sở y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến xã. Cụ thể, trong năm 2023, việc tuyển dụng của các đơn vị tự chủ chỉ đạt 74,7% so với nhu cầu, các trung tâm y tế, trạm y tế chỉ đạt 46%. Việc tuyển dụng bác sĩ tại trạm y tế xã vùng đồng bằng, thành phố và tại các trung tâm y tế có hai chức năng là dự phòng và dân số cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Nguyên nhân được ngành y tế chỉ ra do sinh viên y khoa, đặc biệt là bác sĩ mới ra trường, không muốn về công tác tại tuyến huyện, nhất là ở các huyện lân cận TP Vinh và tại một số đơn vị như pháp y, giám định y khoa, và trạm y tế xã, phường, thị trấn do môi trường làm việc thiếu tính thu hút và thu nhập thấp.

Trung tâm Huyết học Truyền máu tỉnh Nghệ An mới đạt khoảng 70% yêu cầu về số lượng bác sĩ.

Trung tâm Huyết học Truyền máu tỉnh Nghệ An mới đạt khoảng 70% yêu cầu về số lượng bác sĩ.

Đơn cử, tại Bệnh viện đa khoa huyện Diễn Châu hiện có 57 bác sĩ trên thực tế cần tới 80-90 bác sĩ, trong năm 2023 nhu cầu tuyển 20 bác sĩ nhưng chỉ tuyển dụng được 5 người. Là đơn vị tự chủ nhóm 2 từ năm 2018, bệnh viện không được hưởng chính sách thu hút nhân lực. Để thu hút bác sĩ, bệnh viện hỗ trợ thêm ngoài lương mỗi bác sĩ hợp đồng 5 triệu/tháng, bác sĩ sau đại học tối đa 4 triệu/tháng, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề tối đa 3 triệu/tháng, bác sĩ chưa có chứng chỉ tối đa 2 triệu/tháng. Tuy nhiên, việc hỗ trợ này phụ thuộc vào nguồn thu của bệnh viện, hiện đang rất khó khăn.

Ngoài câu chuyện khó tuyển dụng bác sĩ, việc tuyển dụng điều dưỡng cũng khó khăn không kém. Hiện các bệnh viện tuyến tỉnh như Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình, với nhu cầu 11 chỉ tiêu nhưng chỉ có 4 hồ sơ đăng ký, Bệnh viện Phổi có 26 chỉ tiêu nhưng chỉ có 11 hồ sơ đăng ký, Bệnh viện Sản - Nhi cần 70 chỉ tiêu nhưng chỉ có 28 hồ sơ đăng ký…

Ngành y tế đặc biệt lo ngại trước tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc ngày càng tăng, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ. Từ năm 2020 đến nay, khoảng 400 cán bộ y tế nghỉ việc, trong đó có 159 bác sĩ thuộc hệ thống y tế công lập. Riêng năm 2023, có 22 bác sĩ nghỉ việc, những tháng đầu năm 2024 có 4 bác sĩ chuyển công tác.

Lãnh đạo Sở Y tế chỉ ra nguyên nhân chính của tình trạng này là nhân lực y tế công lập "nhảy" sang cơ sở y tế tư nhân do hệ thống bệnh viện và phòng khám tư nhân ngày càng phát triển, thu hút nhân lực bằng mức thu nhập cao. Áp lực công việc tại các cơ sở y tế công lập tăng cao trong khi chế độ đãi ngộ thấp khiến nhân viên phải gánh thêm việc. Lương và phụ cấp của viên chức y tế trong hệ thống công lập còn thấp, chưa được điều chỉnh kịp thời, đặc biệt tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở. Thiếu kinh phí hỗ trợ đào tạo và chế độ thu hút chưa đủ mạnh cũng góp phần vào tình trạng này.

Người dân lấy thuốc tại Trung tâm y tế xã Nga My, huyện Con Cuông.

Người dân lấy thuốc tại Trung tâm y tế xã Nga My, huyện Con Cuông.

Ngoài các nguyên nhân trên, bất cập trong việc thực hiện cơ chế tự chủ cũng ảnh hưởng lớn. Hiện tại, giá dịch vụ y tế chưa tính đúng và đủ các yếu tố cấu thành, bao gồm lương và phụ cấp, khiến các đơn vị tự chủ gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn kinh phí chi trả. Trên 85% nguồn thu của các cơ sở y tế đến từ bảo hiểm y tế, thu từ dịch vụ rất ít, dẫn đến kinh phí tái đầu tư cho con người hạn chế, gây khó khăn cho việc chi trả lương, phụ cấp, và đào tạo.

Các đơn vị y tế tuyến huyện không có hoặc có rất ít nguồn thu, không ổn định, việc tự đảm bảo kinh phí chi trả lương cho cán bộ gặp nhiều khó khăn. Thực hiện chính sách tinh giản biên chế và tăng số lượng nhân lực hưởng lương từ nguồn thu sẽ dẫn đến thiếu kinh phí chi trả lương và khó tuyển dụng đủ nhân lực để thực hiện nhiệm vụ.

Trước những khó khăn của ngành y tế, ông Trần Đình Toàn, Phó Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Nghệ An cho rằng, tỉnh đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho y tế, trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, với nguồn kinh phí hơn 1.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc đầu tư này chủ yếu tập trung vào cơ sở vật chất mà chưa chú trọng đầu tư cho con người, cho đội ngũ nhân lực y tế.

"Nguồn nhân lực y tế mới là yếu tố quyết định trong việc cung cấp dịch vụ y tế chất lượng, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến sức khỏe. Vì vậy, cần có chính sách đủ mạnh để thu hút, giữ chân và đảm bảo nguồn nhân lực y tế", ông Trần Đình Toàn nói.

Mạnh dạn đề xuất để tháo gỡ khó khăn

Để giải quyết bài toán nguồn nhân lực y tế đạt được chỉ tiêu đề ra của giai đoạn 2021 - 2025, hướng đến xây dựng tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về y tế. Sở Y tế đề nghị không thực hiện tinh giản biên chế đối với các đơn vị trong ngành y tế theo quy định.

Đồng thời, khi đơn vị sự nghiệp công lập chuyển sang cơ chế tự chủ, tự đảm bảo nguồn chi trả lương thì không thực hiện cắt giảm số biên chế của các đơn vị này khỏi tổng biên chế của cả ngành mà cho phép giữ lại để ngành y tế điều chuyển cho các đơn vị khác đang có nhu cầu.

Cùng với đó cần có chính sách đủ mạnh cho nguồn nhân lực y tế nhằm hỗ trợ cán bộ hoạt động trong ngành y, để hỗ trợ đào tạo, thu hút y, bác sĩ về công tác ở tuyến cơ sở và phát triển y tế chuyên sâu.

Hoàng Trinh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/y-te-nghe-an-khat-tu-nhan-luc-den-ha-tang-169240613084133719.htm