Y tế Ninh Bình, phát triển mạnh mẽ sau 30 năm tái lập tỉnh
Hơn 2 năm chứng kiến dịch bệnh COVID-19 bùng phát, tôi mới có dịp được chứng kiến những vất vả, nỗ lực của đội ngũ các y, bác sỹ Ninh Bình. Không chỉ đối phó với dịch bệnh, họ còn đảm nhiệm việc chăm sóc, điều trị cho nhiều người bệnh ở các lĩnh vực bệnh tật khác nhau. Những thầy thuốc Ninh Bình đã từng bước nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân ngày một chất lượng, hiệu quả…
Thỉnh thoảng lúc rỗi rãi, bà nội tôi vẫn kể chuyện ngày xửa, ngày xưa cho chị em tôi nghe. Trong câu chuyện của bà, tôi hình dung ra được trạm y tế thời xa xưa của các bà, các mẹ hay đi khám sức khỏe là những căn nhà mái ngói lụp xụp, người đến khám bệnh chủ yếu là được nghe ống nghe như trên phim bây giờ rồi kê đơn thuốc là những thứ thuốc đơn giản như: cảm cúm, đau bụng, ho… Đến giờ tôi vẫn ấn tượng với hình ảnh bà kể về những bệnh nhân không may mắc bệnh hiểm nghèo, con đường chữa bệnh dường như rất xa xôi khi phải lặn lội về thủ đô, vừa tốn kém tiền bạc lại mất nhiều thời gian…
Bà tôi vẫn kể, thời đó vì kinh tế khó khăn, lại càng khó hơn nếu mắc bệnh phải tìm đến bệnh viện nên nhiều người còn tin vào bói toán, vào chữa bệnh lang y… có khi "tiền mất tật mang"… Nghe những câu chuyện của bà, tôi dù cố gắng hình dung nhưng vẫn cảm thấy những chuyện đó quá xa lạ với chúng tôi.
Chẳng biết các tỉnh thế nào, nhưng tại Ninh Bình, chỉ cần vào bệnh viện đa khoa tỉnh cũng thấy nhiều điều "xịn sò". Bệnh viện 700 giường khang trang, hiện đại, đi mỏi chân mới tìm đến đúng khoa. Nhiều người đi viện điều trị, nhất là các cô, các chị đi sinh ở Bệnh viện Sản- nhi về còn "review" phòng bệnh sang chảng như ở khách sạn.
Cũng chính bà tôi, trong một lần gần đây đi khám bệnh, được chứng kiến sự đón tiếp chu đáo của bác sỹ, được khám cận lâm sàng bằng những thiết bị máy móc hiện đại đã phải thốt lên: không ngờ Y tế Ninh Bình lại đổi mới đến thế.
Theo tôi được biết, nếu như năm 1992, các phương tiện, máy móc, trang thiết bị y tế phục vụ yêu cầu khám, chữa bệnh của người dân rất hạn chế, thì đến nay, ngành Y tế đã được trang bị nhiều máy móc và thiết bị hiện đại, như máy chụp cắt lớp vi tính 64 dãy, hệ thống máy xét nghiệm đo tải lượng virus Cobas 6000, Cobas TaqMan, máy siêu âm mầu 4D, bộ phẫu thuật nội soi, tán sỏi...
Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật mũi nhọn được triển khai tại các bệnh viện tuyến tỉnh như: Chụp và điều trị phình động mạch não bằng thay đổi dòng chảy; đặt catheter tĩnh mạch trung tâm ba nòng dưới hướng dẫn của siêu âm; phẫu thuật bắt vít qua cuống cột sống thắt lưng qua da; xạ trị bằng máy gia tốc; phẫu thuật, dẫn lưu màng phổi, ổ áp xe phổi dưới hướng dẫn của siêu âm... đã giúp cho nhiều người bệnh được điều trị khỏi bệnh, không phải lên các bệnh viện tuyến trên. Năm 1992, cứ 100 người bệnh đến khám và điều trị thì có xấp xỉ 20% số người bệnh phải chuyển tuyến trên, đến nay, số lượng người bệnh phải chuyển tuyến giảm hẳn, chỉ chiếm dưới 10%.
Đặc biệt, đợt dịch COVID 2 năm qua, tôi theo dõi được biết, nhiều ca bệnh mắc COVID đã được các bác sỹ Ninh Bình điều trị thành công đã góp phần hạn chế thấp nhất số ca bệnh chuyển biến nặng và tử vong.
Bây giờ về quê mà đến các trạm y tế thăm quan mới thấy hệ thống y tế cơ sở đã khác "một trời một vực" so với ngày xưa. Trạm Y tế tuyến xã giờ khang trang, rộng rãi, các trạm đã có bác sỹ công tác nên nhiều loại bệnh thông thường đều được khám, điều trị tại trạm, người dân không phải lên huyện, lên tỉnh.
Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn có trạm y tế; 100% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc; 142/143, chiếm 99,3% số xã đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế... Đội ngũ cán bộ y tế không ngừng lớn mạnh về mọi mặt. Năm 1992 chỉ có xấp xỉ 4 bác sỹ/vạn dân, đến cuối năm 2021 tăng lên 12,2 bác sỹ/ vạn dân…
Y tế Ninh Bình quê tôi là thế đó. Phát triển vượt bậc không ngừng để làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đó cũng là kết quả góp phần vào sự trưởng thành, lớn mạnh của tỉnh Ninh Bình sau 30 năm tái lập tỉnh.
Hoàng Thu Trà
(Tác phẩm tham dự cuộc thi viết, sáng tác nhân kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh)