Y tế Phú Riềng: Khó chồng khó

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, lĩnh vực y tế được xác định là một trong tuyến đầu cần được đầu tư, trang bị đầy đủ để phục vụ chăm sóc, điều trị bệnh cho người dân. Thế nhưng, tại huyện Phú Riềng, lĩnh vực này còn nhiều khó khăn, thiếu thốn và được xem là điểm yếu trong hệ thống phòng, chống dịch nơi đây.

Những điểm yếu làm giảm sức mạnh ở tuyến đầu

Thành lập năm 2015, đến nay huyện Phú Riềng đã chuyển mình phát triển trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển, đời sống được nâng lên, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân vì thế càng cao hơn. Hiện trên địa bàn huyện có 10/10 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, 100% trạm y tế xã có bác sĩ trực tại trạm. Tổng số giường bệnh tại các trạm y tế xã là 50 giường, số giường bệnh tại Bệnh viện đa khoa cao su Phú Riềng là 100 giường, đạt tỷ lệ 10 giường/vạn dân và 4 bác sĩ/vạn dân.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Huế, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa cao su Phú Riềng khám chữa bệnh cho người nhân

Ngoài những kết quả tích cực đạt được thì hệ thống y tế của huyện Phú Riềng vẫn còn một số khó khăn. Trung tâm Y tế huyện hoạt động trong tình trạng thiếu cơ sở vật chất, thiết bị y tế nên chỉ đảm nhiệm chức năng y tế dự phòng.

Về việc tiếp nhận và điều trị F0, đơn vị đang phối hợp với Bệnh viện đa khoa cao su Phú Riềng để thực hiện. Tuy nhiên, do thiếu cơ sở vật chất, nhân lực nên khu cách ly điều trị chỉ có quy mô 10 giường, điều trị các trường hợp F0 không triệu chứng và thể nhẹ. Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, UBND tỉnh và Sở Y tế đã đưa ra phương án hỗ trợ huyện trong trường hợp số ca F0 vượt mức 10 giường thì sẽ chuyển về Bệnh viện dã chiến TP. Đồng Xoài để điều trị. Thế nhưng, với lực lượng mỏng, cơ sở vật chất thiếu thốn, cùng một lúc phải thực hiện nhiều nhiệm vụ gây khó khăn, áp lực cho huyện.

“Một vai hai gánh”

Bệnh viện đa khoa cao su Phú Riềng có khoảng 50 người làm công tác chuyên môn, việc cân đối nguồn nhân lực thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng một lúc là điều rất khó khăn. Thậm chí đơn vị đã tạm ngưng một số chức năng chuyên môn để ưu tiên phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19.

Tính đến chiều 4-10, toàn huyện ghi nhận 12 ca mắc Covid-19, trong đó 9 ca đã được điều trị khỏi, 3 ca đang điều trị tại khu cách ly điều trị Bệnh viện đa khoa cao su Phú Riềng. Thực tế có thời điểm, số ca nhập viện điều trị chạm mốc quy mô 10 giường. Đây là trăn trở, lo lắng của đội ngũ y, bác sĩ nói riêng và chính quyền địa phương nói chung.

Bác sĩ NGUYỄN THANH HUẾ, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa cao su Phú Riềng

Bác sĩ Nguyễn Thanh Huế, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa cao su Phú Riềng cho biết: Với đội ngũ y, bác sĩ mỏng nhưng vừa đảm bảo công tác lấy mẫu xét nghiệm cho cán bộ, công nhân viên, người lao động công ty và các đơn vị trực thuộc, vừa làm nhiệm vụ khám chữa bệnh cho người dân và điều trị bệnh nhân Covid-19 là rất khó. Từ khi đảm nhận thêm chức năng điều trị F0, đơn vị đã căng mình để hoàn thành nhiệm vụ. Đến nay, Trung tâm Y tế huyện và Bệnh viện đa khoa cao su Phú Riềng đã phối hợp xây dựng được 4 ê-kíp gồm 10 người (4 bác sĩ, 4 điều dưỡng và 2 hộ lý) chia làm 4 kíp trực phục vụ trong khu cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19. Mỗi kíp trực làm nhiệm vụ 2 tuần.

Việc thành lập khu cách ly điều trị F0 trong khuôn viên Bệnh viện đa khoa cao su Phú Riềng khiến một số người dân đến khám, chữa bệnh lo lắng. Trong khi mỗi ngày Bệnh viện đa khoa cao su Phú Riềng tiếp nhận trên 200 lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Chị Viên Thị Hằng ở xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú cho biết: “Mặc dù khu điều trị F0 được thiết kế đảm bảo các tiêu chuẩn y tế, tuy nhiên, do là dịch bệnh lây nhiễm trong không khí nên nhiều người dân vẫn e ngại khi đến khám và điều trị bệnh tại đây”.

Chưa có trụ sở để hoạt động nên Trung tâm Y tế huyện Phú Riềng không đủ điều kiện thành lập khu tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19, chỉ làm chức năng y tế dự phòng. Điều này khiến lĩnh vực y tế của huyện giảm một phần sức mạnh trên tuyến đầu phòng, chống dịch. Mặc dù những khó khăn cơ bản đã được địa phương và lãnh đạo tỉnh tháo gỡ kịp thời, tuy nhiên những điểm yếu nêu trên cần có phương án giải quyết tận gốc để xóa đi nỗi lo của chính quyền cũng như người dân trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Hiện trung tâm đang mượn trụ sở Trạm Y tế xã Bù Nho để làm nơi hoạt động. Đội ngũ y, bác sĩ nơi đây làm việc trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiệp vụ cũng như chuyên môn. Đơn vị hiện có 30 nhân sự, trong đó 25 người làm công tác chuyên môn và 5 người làm công tác dân số. Vì cơ sở vật chất không đảm bảo, nhân sự thiếu nên đơn vị không đáp ứng điều kiện để thành lập khu điều trị F0 trên địa bàn.

Ông HOÀNG HỮU TUẤN TRUNG, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Riềng

Ngọc Bích

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/127442/y-te-phu-rieng-kho-chong-kho