Y tế - Sức khỏe Tin tức y tế Lan tỏa giá trị bác sĩ Huế
Trong đám đông có mặt đưa tiễn 92 y, bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Trung ương Huế vào Sài Gòn làm việc tại Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 sáng 12/8, có ông Trần Trung Hòa (60 tuổi). Ông Hòa xuất hiện để động viên con trai là bác sĩ Trần Quốc Bảo (Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế). Trong giờ phút chia tay, ông Hòa đã ôm con thật chặt và luôn miệng nói rằng: “Ba tự hào về con”. Ông Hòa tự hào bởi con trai ông là một bác sĩ và hơn thế là một người cha, ông hiểu việc làm và trọng trách “cứu người” của con trong giờ phút khó khăn này của đất nước.
Tôi lật tìm những trang báo... Cho đến giữa tháng 8 này, chuyến đi có con trai của ông Hòa đã là lần thứ 4, Bệnh viện Trung ương Huế triển khai các đoàn công tác vào Nam phòng, chống dịch. Còn từ khi có dịch COVID-19 xuất hiện tới nay, lực lượng y tế, như một biểu tượng của văn hóa và trí thức Huế, đã ngay lập tức có mặt trên mọi miền đất nước, từ Bắc Giang (miền Bắc), Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên (miền Trung) đến TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Tháp (miền Nam).
Vào Sài Gòn chống dịch, bác sĩ Nguyễn Gia Bình (Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế) đều đặn chia sẻ những dòng nhật ký đằm thắm và ngập tràn yêu thương trên facebook cá nhân. Bình bảo, người Sài Gòn rất dễ thương. Rồi cho hay, có những ngày thấy nhóm lấy mẫu giữa trời nắng, bà con bê nguyên cái rạp ra che. Có người khệ nệ bưng bình nước đá ra mời rồi chép miệng thương khi họ không thể cởi bỏ lớp bảo hộ để uống nước. Bình còn bảo, mình giọng Huế nói nặng và đặc trưng nên có lúc bà con không hiểu, nhưng không một ai tỏ ra khó chịu, ngược lại họ lại rất vui vẻ và còn khen giọng Huế dễ thương nữa chứ (!)
Chia sẻ của Bình khiến tôi nhớ đến Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân khi trong một lần trò chuyện thân mật đã bảo rằng, Huế mình có đặc sản là 4 “ông thầy” có thể xuất khẩu, đó là thầy giáo, thầy địa, thầy tu và thầy thuốc. Con số khoảng 20 nghìn bác sĩ, dược sĩ, cử nhân trình làng từ lò Huế trong hơn 60 năm qua cùng với Bệnh viện Trung ương Huế là một trong 5 bệnh viện xếp hạng đặc biệt của quốc gia cho thấy vị thế và giá trị văn hóa của nghề y Huế. Danh xưng “Bác sĩ Huế” được nhắc đến trong cả nước với sự gần gũi, yêu thương và kính trọng. Nó vừa có nét chung của những “lương y như từ mẫu” lại vừa có nét riêng rất Huế, đằm thắm và tài năng.
Trở lại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 của Bệnh viện Trung ương Huế được thiết lập ở Sài Gòn trong những ngày dịch bệnh căng thẳng này, có quy mô 500 giường bệnh, đặt tại số 2 đường Trường Chinh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú. Đó là một trong 3 trung tâm hồi sức tích cực ra đời theo sự chỉ đạo khẩn cấp của Bộ Y tế. Hai trung tâm còn lại, một của Bệnh viện Việt Đức và một của Bệnh viện Bạch Mai, đều là những bệnh viện tuyến cuối hạng đặc biệt. Đích thân Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế Phạm Như Hiệp cùng với những cộng sự đã họp bàn thiết kế, lên phương án và trực tiếp điều hành trung tâm hoạt động một cách hiệu quả nhất.
Câu chuyện buổi sáng với người bạn mới quen là một chuyên gia tư vấn du lịch. Loanh quanh về những khốn khổ của mùa dịch bệnh tai ương kéo dài, anh bạn khiến tôi bất ngờ khi nhắc đến Trung tâm Hồi sức tích cực của Bệnh viện Trung ương Huế được thành lập ở Sài Gòn với cả niềm tự hào. Anh bảo, không chỉ góp sức chống dịch cho Sài Gòn đang gặp khó, hoạt động của trung tâm còn là cơ hội để lan tỏa giá trị của “bác sĩ Huế” và qua đó tạo dựng hình ảnh Huế xứng tầm trung tâm y tế chuyên sâu của quốc gia và của cả khu vực Đông Nam Á.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/lan-toa-gia-tri-bac-si-hue-a103539.html