Y tế - Sức khỏe Tin tức y tế Y tế thông minh trong tầm tay - Kỳ 1: Quản lý sức khỏe toàn dân
Bộ Y tế đang xây dựng chiến lược, xem như một 'đề án' y tế thông minh giai đoạn 2018 - 2025 (định hướng đến năm 2030), nhằm hướng tới y tế điện tử trong tương lai. Song hành những bước đi này, ngành y tế Thừa Thiên Huế có bước đột phá ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý, khám chữa bệnh, dịch vụ... trên địa bàn.
Với những bước đi sớm trong việc tiếp cận "đề án" y tế thông minh của Bộ Y tế, Thừa Thiên Huế là địa phương nằm trong "top" đầu của cả nước thực hiện hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân (HSSKĐTTD) để quản lý, chăm sóc sức khỏe cộng đồng thông minh.
Hào hứng vào cuộc
Phú Vang là địa phương mạnh dạn triển khai quản lý HSSKĐTTD sau khi được UBND tỉnh chọn làm điểm vào đầu năm 2018. Khái niệm HSSKĐTTD còn lạ lẫm. Thế nên, Phú Vang mở rộng chiến dịch tập huấn, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa, lợi ích việc tạo lập hồ sơ; phân công cán bộ y tế tổ chức các đợt khám tại trạm y tế (TYT) và chọn xã, khu dân cư khám lưu động ngoài giờ, kể cả dịp cuối để cập nhật thông tin. Ngoài ra, rà soát, thẩm định các thông tin y tế đang được quản lý tại TYT từ các năm trước vào HSSKĐTTD, thông qua chương trình tiêm chủng mở rộng, suy dinh dưỡng, dân số - KHHGĐ, sức khỏe người cao tuổi... Chỉ sau một tháng triển khai, những khó khăn ban đầu được tháo gỡ. Giữa năm 2018, tỷ lệ hoàn thiện HSSKĐTTD đạt gần 70%. Sau đó, tiếp tục bổ sung, cập nhật và đến thời điểm này, toàn huyện đã tạo lập hơn 244.000 HSSKĐTTD, đạt gần 99%.
Theo bác sĩ CK II Trương Như Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Phú Vang, thành công của quản lý HSSKĐTTD là nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ y tế địa phương nhiệt tình. Địa bàn rộng, dân lại đông, thường biến động nhưng với phương châm "giúp dân hiểu, không bỏ sót" nên quá trình triển khai không gián đoạn, kể cả những người làm ăn xa, khi trở về quê đều đến TYT để lập hồ sơ sức khỏe.
Nắm bắt chủ trương của ngành, thị xã Hương Thủy cũng tích cực triển khai quản lý HSSKĐTTD. Hiện, địa phương này đã triển khai quản lý hơn 114.000 HSSKĐTTD, chiếm gần 100% dân số trên địa bàn.
Ở A Lưới, dù địa bàn vùng núi, đi lại cách trở nhưng TTYT huyện mở chiến dịch tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi sau khi đón "lệnh" trên đưa về. Toàn huyện huy động cán bộ y tế làm thêm giờ để rà soát, cập nhật thông tin của người dân, đến nay cơ bản đạt gần 100%, với hơn 51.000 dân ở 21 xã, thị trấn đưa thông tin vào HSSKĐTTD.
"Kích chuột" là biết hết
Về công tác ở huyện Phú Vang mới đây chúng tôi được bà Nguyễn Thị Tám (78 tuổi, ở tổ dân phố Hải Tiến, thị trấn Thuận An), người thường đến TYT để thăm khám, điều trị bệnh cao huyết áp. Bà Tám kể, bây giờ hễ đau ốm đến TYT là các y, bác sĩ đều biết tên tuổi, bệnh tình nên khám, cho thuốc nhanh. "Tôi thấy cách làm của y, bác sĩ hiện nay thuận tiện hơn trước nhiều". Bà Tám nói
Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2017, trung bình mỗi người Việt Nam chi 56 USD (tương 1,2 triệu đồng) tiền thuốc và chữa bệnh. Con số này dự kiến lên đến 85 USD (tương đương 1,7 triệu đồng) vào năm 2020. Nếu thực hiện y tế thông minh, trong đó lập HSSKĐTTD sẽ giúp tiết kiệm được 2% GDP quốc gia, kéo dài tuổi thọ thêm 20 năm và giảm được 50% ca khám tại BV.
Ông Nguyễn Văn Lân, người sống cùng tổ dân phố với bà Tám chia sẻ, sau khi khai báo thông tin cá nhân tạo lập HSSKĐTTD ở TYT ông thấy tiện lợi vì mỗi khi đến khám không còn khai báo, trả lời tiền sử của bản thân. Ông Lân còn được giải thích, sắp đến thông qua HSSKĐTTD, ông có thể đến khám ở các bệnh viện thành phố, tỉnh, Trung ương mà không phải mất thời gian khai báo thông tin cá nhân...
Đối với người thầy thuốc, thông qua HSSKĐTTD sẽ nắm rõ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Từ đó, có thể kết hợp với thăm khám hiện tại để nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn, chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác để đưa cách điều trị kịp thời, hiệu quả trong thời gian sớm hơn. Hơn nữa, khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn...
Hiện nay, một trong những yếu tố rất được người dân quan tâm là có mã ID của HSSKĐTTD để phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe bản thân cũng như giúp cán bộ y tế có thể tra cứu được ngay những thông tin cần thiết phục vụ KCB kịp thời. Đây chính là điều mà hiện nay lãnh đạo Sở Y tế và tỉnh nhà quan tâm, mong muốn bộ, ngành liên quan cấp cho mỗi người dân địa phương mã định danh ID để vào truy cập, kiểm tra mọi lúc mọi nơi về tình hình sức khỏe của bản thân.
HSSKĐTTD gồm 2 nhóm thông tin chính:nhóm thông tin định danh, như tên tuổi, giới tính, địa chỉ, mã định danh, nhóm máu... và nhóm thông tin tiền sử và các yếu tố liên quan đến sức khỏe, như các dị tật bẩm sinh, các yếu tố nguy cơ, hoạt động thể lực, yếu tố bệnh nghề nghiệp, tiền sử bệnh liên quan với những người thân trong gia đình và những thông tin về sức khỏe sinh sản (số lần đẻ, các biện pháp tránh thai...). Với một hồ sơ đầy đủ thông tin sẽ phục vụ tốt cho công tác phòng, khám chữa bệnh.
Bài, ảnh: Minh Văn
(còn tiếp)