Y tế Thái Nguyên đẩy mạnh số hóa
Sau khi Thái Nguyên và Bắc Kạn chính thức sáp nhập, công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế - đặc biệt là triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử và bệnh án điện tử - bộc lộ không ít khó khăn. Từ thiếu đồng bộ hạ tầng công nghệ, tỷ lệ tích hợp hồ sơ của người dân Bắc Kạn (cũ) còn thấp, đến bất cập trong tra cứu bảo hiểm y tế qua căn cước công dân…, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi khám chữa bệnh của người dân. Để hiểu hơn về về thực trạng và những giải pháp trọng tâm thời gian tới, phóng viên Báo và Phát thanh, truyền hình Thái Nguyên trao đổi với ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế.

Sau sáp nhập, Thái Nguyên có 9 cơ sở y tế chưa hoàn thành việc thẩm định hồ sơ bệnh án điện tử.
Trước khi thực hiện sáp nhập, 100% bệnh viện công và tư nhân của Thái Nguyên đã hoàn thành triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, trong khi tại Bắc Kạn mới có 1/9 bệnh viện hoàn thành, các cơ sở còn lại dự kiến hoàn tất trong tháng 8-2025.
Về kết nối Hệ thống G-Medical, Thái Nguyên đã đạt tỷ lệ 100% cơ sở y tế tham gia, còn Bắc Kạn chưa triển khai nội dung này. Đối với Kiosk y tế thông minh, 100% cơ sở y tế Thái Nguyên đã lắp đặt và đưa vào sử dụng, trong khi Bắc Kạn mới hoàn tất thủ tục ký hợp đồng nhưng chưa được bàn giao thiết bị.
P.V: Sau sáp nhập, việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử và bệnh án điện tử gặp những khó khăn cụ thể nào, thưa ông?
Ông Đặng Ngọc Huy: Thái Nguyên và Bắc Kạn trước đây có điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội, hạ tầng công nghệ khác nhau, nên khi hợp nhất, công tác chuyển đổi số tất yếu phát sinh nhiều khó khăn.
Thứ nhất, Thái Nguyên đã có Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số, triển khai Đề án phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh, nên được đầu tư khá đồng bộ. Trong khi đó, Bắc Kạn là địa bàn còn nhiều khó khăn, nguồn lực hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu hạ tầng công nghệ hiện đại. Ở nhiều cơ sở y tế vùng sâu, vùng xa, điều kiện máy móc, đường truyền Internet còn thiếu, cán bộ y tế chưa được đào tạo bài bản về kỹ năng vận hành phần mềm quản lý.
Thứ hai, dữ liệu đầu vào của hai địa phương trước đây chưa chuẩn hóa thống nhất, dẫn đến sai lệch, thiếu đồng nhất. Việc đồng bộ hồ sơ bệnh án, sổ sức khỏe điện tử, dữ liệu bảo hiểm y tế đòi hỏi thời gian và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp.
Thứ ba, quá trình sắp xếp, đổi tên, đổi mã hành chính tại các cơ sở y tế đã gây khó khăn trong khớp nối thông tin, tra cứu dữ liệu, dẫn đến phát sinh lỗi xác thực thông tin người bệnh.
Dù nhiều thách thức, nhưng ngành Y tế Thái Nguyên quyết tâm chỉ đạo, từng bước khắc phục để hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
P.V: Việc đồng bộ dữ liệu hồ sơ sức khỏe của người dân Bắc Kạn lên hệ thống VNeID còn chậm, tỷ lệ tích hợp thấp. Nguyên nhân chính là gì, thưa ông?
Ông Đặng Ngọc Huy: Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ. Nhiều trạm y tế xã thiếu thiết bị quét căn cước, đường truyền Internet chưa ổn định.
Ngoài ra, dữ liệu thu thập ban đầu còn thiếu hoặc chưa chuẩn hóa. Đơn cử như thông tin căn cước sai, địa chỉ không khớp với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, nên không đủ điều kiện tích hợp tự động. Việc tuyên truyền, hỗ trợ người dân cài đặt, nâng mức định danh VNeID cũng còn hạn chế.
Thêm vào đó, quá trình vận hành còn có lỗi kỹ thuật mà cán bộ địa phương khó tự khắc phục. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường đào tạo, phối hợp chặt chẽ với các ngành để nâng tỷ lệ tích hợp hồ sơ. Đồng thời sẽ đề nghị UBND tỉnh cấp kinh phí để nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, đào tạo nhân lực vận hành phần mềm quản lý bệnh viện, hồ sơ sức khỏe điện tử, phối hợp với các sở ngành xử lý dứt điểm vướng mắc tra cứu BHYT, liên thông dữ liệu…
P.V: Nhiều người dân và cơ sở y tế phản ánh tình trạng tra cứu BHYT qua căn cước công dân bị lỗi, ảnh hưởng quyền lợi người bệnh. Ông đánh giá thực trạng này ra sao?
Ông Đặng Ngọc Huy: Đây là vấn đề cần được quan tâm. Trong lộ trình chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ vào quản lý khám chữa bệnh là xu thế tất yếu, nhưng giai đoạn đầu khó tránh khỏi vướng mắc kỹ thuật và sự chưa đồng bộ dữ liệu.
Nguyên nhân chủ yếu là cơ sở dữ liệu ban đầu chưa chính xác, hạ tầng phần mềm còn khác biệt giữa các tuyến, dẫn đến tra cứu bảo hiểm y tế hoặc hồ sơ sức khỏe điện tử bị lỗi, sai thông tin. Chúng tôi đang phối hợp cơ quan bảo hiểm, công an, các đơn vị công nghệ để khắc phục dần, đồng thời khuyến khích người dân chủ động kiểm tra, cập nhật thông tin qua các ứng dụng chính thức như VNeID, VssID.

Tính đến đầu tháng 7, toàn tỉnh có gần 552 nghìn người đã tích hợp sổ sức khỏe điện tử, chiếm gần 30,3% dân số toàn tỉnh. Việc tích hợp này giúp việc quản lý, khai thác và sử dụng thông tin sức khỏe cá nhân được đầy đủ, chính xác, liên tục và thuận tiện.
P.V: Với đặc thù nhiều người dân vùng núi, cao tuổi, hạn chế điều kiện công nghệ, ngành Y tế sẽ có giải pháp gì để hỗ trợ họ tiếp cận dịch vụ số thuận tiện hơn, thưa ông?
Ông Đặng Ngọc Huy: Với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, trước hết, các trạm y tế xã/phường sẽ là “trợ lý công nghệ tại chỗ”, nơi người dân được hướng dẫn cài đặt, sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử, tra cứu BHYT bằng căn cước công dân.
Đối với những cơ sở đã triển khai Kiosk tra cứu sức khỏe tự động, người dân chỉ cần mang theo căn cước quét mã là tra cứu thông tin mà không cần điện thoại thông minh hay Internet.
Ngoài ra, ngành Y tế phối hợp tổ công nghệ số cộng đồng đến tận hộ dân hướng dẫn, truyền thông lợi ích của dịch vụ số. Với phương châm gần dân, sát dân, các giải pháp này sẽ nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ số, nhất là ở địa bàn khó khăn.
P.V: Thời gian tới, ngành Y tế sẽ tập trung triển khai các giải pháp trọng tâm như thế nào để khắc phục vướng mắc, hoàn thiện chuyển đổi số và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thưa ông?
Ông Đặng Ngọc Huy: Chúng tôi sẽ ưu tiên chuẩn hóa, cập nhật thông tin hành chính y tế theo mã vùng mới, thống nhất định danh y tế người dân.
Tiếp đó, Ngành sẽ đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, đào tạo nhân lực vận hành phần mềm quản lý bệnh viện, hồ sơ sức khỏe điện tử, phối hợp với các sở ngành xử lý dứt điểm vướng mắc tra cứu BHYT, liên thông dữ liệu.
Nhiệm vụ quan trọng khác là hoàn thiện hồ sơ bệnh án điện tử tại các đơn vị còn lại. Hiện gần 80% cơ sở đã triển khai, riêng 8 trung tâm y tế thuộc địa bàn Bắc Kạn cũ đang được hỗ trợ kỹ thuật để hoàn thành trước 30/9/2025.
P.V:Xin cảm ơn ông!
Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/y-te/202507/y-te-thai-nguyen-day-manh-so-hoa-dbc08a0/