Tập huấn kỹ năng tác nghiệp an toàn trong thiên tai
Chiều 10/7, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức chương trình tập huấn dành cho đội ngũ phóng viên chuyên trách, nhằm nâng cao kỹ năng tác nghiệp an toàn trong bối cảnh thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường.
Phát biểu tại chương trình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh, công tác phòng, chống thiên tai đang chuyển dịch từ “bị động ứng phó” sang “chủ động phòng ngừa”.
Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đang tập trung xây dựng mô hình “Cộng đồng bền vững, thích ứng thiên tai”, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến phát biểu tại chương trình
Theo ông Tiến, trong bối cảnh thời tiết cực đoan gia tăng, việc trang bị kỹ năng tác nghiệp an toàn cho đội ngũ phóng viên là hết sức cần thiết. Các buổi tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn sẽ giúp phóng viên xử lý tình huống hiệu quả hơn khi đưa tin tại hiện trường thiên tai.
Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Đặng Khắc Lợi cho rằng, báo chí là cầu nối quan trọng giữa người dân với cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai, đồng thời giữ vai trò định hướng dư luận và nâng cao nhận thức cộng đồng.

Phó Cục trưởng Cục Báo chí Đặng Khắc Lợi phát biểu tại chương trình
Ông Lợi đề nghị các cơ quan báo chí chủ động đẩy mạnh chuyển đổi số trong tuyên truyền, khai thác nền tảng số như website, mạng xã hội, ứng dụng AI, chatbot… Tuy nhiên, quá trình này còn gặp khó khăn do hạn chế về hạ tầng, kinh phí và nhân lực.
Về truyền thông trong phòng, chống thiên tai, bà Nguyễn Thị Thúy Ái – Phó Trưởng phòng Quản lý rủi ro thiên tai cộng đồng và truyền thông – cho rằng cần chuyển hướng truyền thông từ phản ánh thiệt hại sang nâng cao nhận thức phòng ngừa. Nội dung tuyên truyền nên tập trung vào cảnh báo sớm, hướng dẫn hành động cụ thể theo từng loại hình thiên tai, chia sẻ các mô hình chuyển đổi sinh kế thành công và phương châm “4 tại chỗ”.
Các cơ quan báo chí cũng được đề nghị phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai để đấu tranh với thông tin giả mạo, sai lệch trong bối cảnh thiên tai, góp phần bảo vệ thông tin chính thống và ổn định dư luận xã hội.
Về mặt pháp lý, Trưởng phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai Nguyễn Văn Hải lưu ý việc triển khai Nghị định 200/2025/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Phòng thủ dân sự. Nghị định này làm rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống thiên tai, đặc biệt trong mô hình chính quyền hai cấp.



Các nhà báo, phóng viên tham gia Hội nghị tập huấn
Chia sẻ kinh nghiệm thực tế, nhà báo Tùng Thư (Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam) nhấn mạnh: “An toàn là trách nhiệm, không phải lựa chọn”. Nhà báo Tùng Thư lưu ý phóng viên cần đảm bảo hệ thống liên lạc, xác định rõ phạm vi tác nghiệp an toàn, phối hợp nhịp nhàng và luôn giữ bình tĩnh trong quá trình tác nghiệp.
Nhà báo Trung Kiên (CLB Phóng viên phòng, chống thiên tai) nêu rõ các kỹ năng cần có khi tác nghiệp trong bão, lũ như bão Yagi, bao gồm thể lực, kiến thức về thiên tai, hiểu biết văn hóa địa phương, chuẩn bị vật dụng cần thiết và khả năng thích ứng nhanh.
Nhà báo Kiên Trung (Báo Nông nghiệp và Môi trường) cũng lưu ý phóng viên phải cập nhật thông tin dự báo liên tục, tuân thủ hướng dẫn của lực lượng chức năng và tận dụng công nghệ trong tác nghiệp.
Tại chương trình, các đại biểu cũng nghe đại diện Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hướng dẫn kỹ năng sơ cấp cứu trong các tình huống khẩn cấp.

Các đại biểu được tập huấn và thực hành kỹ năng sơ cấp cứu trong tình huống khẩn cấp
Cũng trong khuôn khổ chương trình, phóng viên và các đại biểu đã được đi thực địa tại hai điểm là khu tái định cư ổn định dân cư khu vực sạt lở xóm Rài, xã Mường Vang (tỉnh Phú Thọ) và các một số công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn.
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/tap-huan-ky-nang-tac-nghiep-an-toan-trong-thien-tai-485379.html