Y tế tư nhân sát cánh chống COVID, cứu bệnh nhân trước tiền bạc tính sau

Sự quá tải của hệ thống điều trị công lập đang là nguyên nhân trực tiếp khiến nhiều trường hợp mắc COVID-19 không được điều trị kịp thời. Trước tình hình dịch còn diễn biến rất phức tạp, nhiều bệnh viện tư nhân đã quyết định tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19, cuộc chiến chống dịch đang được tiếp thêm những nguồn lực quan trọng để tạo bước ngoặt tới thành công.

Các bệnh viện tư nhân đang vào cuộc “chia lửa” chống dịch ảnh: Vân Sơn

Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, tập trung triển khai hàng loạt giải pháp chống dịch nhưng COVID-19 vẫn diễn biến rất phức tạp trên địa bàn TPHCM. Tính đến ngày 27/7 toàn thành phố đã có gần 70.000 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố, trong đó gần 38.000 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện.

Trong thời gian rất ngắn, số ca bệnh tăng dồn dập khiến công tác chuẩn bị cho hoạt động điều trị của thành phố rơi vào thế bị động. Hiện tại đã có 698 bệnh nhân tử vong, 696 bệnh nhân nặng đang thở máy và 13 bệnh nhân rất nặng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (mặc áo đen) trao đổi chuyên môn với các bác sĩ tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (mặc áo đen) trao đổi chuyên môn với các bác sĩ tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19

Trước tình hình trên, chia sẻ với phóng viên báo Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Chúng tôi đã lên kế hoạch điều động nguồn nhân lực từ Sở Y tế của các địa phương chưa có dịch nặng hỗ trợ chi viện cho TPHCM.

Bên cạnh đó, các bệnh viện trung ương trên cả nước đang hỗ trợ nguồn nhân lực chi viện cho hệ thống y tế TPHCM. Tôi đã đại diện Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế và đại diện Sở Y tế có thư ngỏ (ngày 24/7) gửi đến hệ thống y tế tư nhân cùng tất cả các đồng nghiệp, lương y, nhân viên y tế, các em sinh viên với mong muốn cùng nhau đoàn kết xây dựng và cống hiến, tham gia hỗ trợ hệ thống điều trị COVID-19 để người bệnh không may mắc COVID-19 được điều trị kịp thời”.

Đến ngày 27/7, đã có hơn 2.500 y bác sĩ đang làm việc trong hệ thống y tế tư nhân và cả những người đã về hưu, các em sinh viên đã đăng ký tình nguyện tham gia hoạt động chống dịch. Đặc biệt hơn, nhiều bệnh viện tư nhân đã tham gia hệ thống tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 để chia sẻ gánh nặng với hệ thống y tế công lập.

Thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết, 4 bệnh viện thuộc hệ thống y tế tư nhân đăng ký tham gia điều trị COVID-19 gồm: Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức, Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn, Bệnh viện Triều An. Cả 4 bệnh viện trên đều đủ khả năng tiếp nhận điều trị nhóm các trường hợp F0 có triệu chứng ở mức độ trung bình và nặng. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á sẽ xây dựng mới khu dã chiến quy mô 125 giường, Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức chuyển đổi công năng 100 giường, Bệnh viện Triều An hoạt động theo mô hình tách đôi với 100 giường COVID-19, Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn cũng sẽ tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 sau thời gian tạm ngừng hoạt động vì có nhân viên dương tính.

Cứu bệnh nhân trước, tiền bạc tính sau

Nhiều hệ thống y tế tư nhân trên địa bàn TPHCM được triển khai đồng bộ về hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, trình độ chuyên môn của bác sĩ và nguồn nhân lực y tế đều có chất lượng cao, cuộc chiến chống dịch COVID-19 sẽ được tiếp thêm nguồn lực quan trọng góp phần ngăn chặn tiến tới đẩy lùi dịch bệnh.

Mặt khác, hệ thống y tế tư nhân cũng đang là chỗ dựa cho cộng đồng khi mắc các bệnh lý thông thường hoặc những trường hợp cần cấp cứu, can thiệp ngoại khoa trong bối cảnh các bệnh viện công lập đã phải chuyển công năng sang điều trị COVID-19.

BS Nguyễn Văn Châu, Tổng Giám đốc hệ thống bệnh viện Xuyên Á cho biết: “Hiện nay, nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố đã chuyển công năng sang điều trị COVID-19. Xuyên Á đang tiếp nhận một lượng rất lớn bệnh nhân toàn khu vực phía Bắc và Tây Bắc của TPHCM với rất đông bệnh nhân nặng bị nhồi máu cơ tim, can thiệp mạch, mổ sọ não, chấn thương…”.

Theo bác sĩ Châu, bệnh viện đang phải nỗ lực điều trị cho khoảng 800 bệnh nhân nội trú mỗi ngày, đồng thời đang sát cánh cùng hệ thống bệnh viện công lập điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.

Đề cập vấn đề chi phí điều trị cho bệnh nhân COVID-19, BS Nguyễn Văn Châu cho biết: “Thời điểm này, sinh mạng của người bệnh là quan trọng nhất, mọi chi phí tiền bạc tính sau. Nguồn tài chính để xây dựng, nguồn nhân lực và trang thiết bị phục vụ điều trị bệnh viện sẽ chủ động mua sắm hoặc điều phối từ kho vật tư hiện có. Dự kiến, khu điều trị sẽ đưa vào hoạt động trong 2 tuần tới để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19”.

BS Nguyễn Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức cho biết: “Dịch COVID-19 bùng phát gây khó khăn cho các bệnh viện và cả người bệnh. Để chung tay cùng thành phố và cả nước, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ quyết định chuyển đổi công năng Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức sang điều trị COVID-19. Ở giai đoạn 1 chúng tôi sẽ vận hành 100 giường trong đó có 10 giường hồi sức, giai đoạn 2 sẽ nâng công suất lên 200 giường”.

Để đáp ứng tốt nhất cho việc điều trị COVID-19 bệnh viện đang xúc tiến nhanh việc lắp đặt bồn ô xy lỏng với dung tích 5 mét khối, hệ thống máy thở, trang thiết bị đã sẵn sàng để tiếp nhận bệnh nhân trong tuần tới. Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức đã huy động 40 bác sĩ, 120 điều dưỡng và các lực lượng hỗ trợ khác.

BS Nguyễn Tuấn chia sẻ: “Chúng tôi tự nguyện tham gia điều trị nên tất cả các vấn đề liên quan đến tài chính hoặc chi phí khác chúng tôi không đòi hỏi mà thực hiện theo chủ trương của thành phố”.

Vân Sơn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/y-te-tu-nhan-sat-canh-chong-covid-cuu-benh-nhan-truoc-tien-bac-tinh-sau-post1359945.tpo