Ý thức hội nhập

Trung tâm WTO và hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa công bố kết quả khảo sát, đánh giá nhận thức của doanh nghiệp đối với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

Theo đó, có tới gần 94% doanh nghiệp từng nghe hoặc biết về hiệp định, tỷ lệ cao nhất trong số các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia. Cứ 10 doanh nghiệp được khảo sát có 3 doanh nghiệp biết khá rõ, 1 doanh nghiệp biết rất rõ về các cam kết EVFTA liên quan đến sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, các doanh nghiệp đang tận dụng tương đối hiệu quả EVFTA khi 4/10 đơn vị cho biết thu được lợi ích từ hiệp định này, phổ biến nhất là các ưu đãi về thuế quan với hàng xuất, nhập khẩu.

Kết quả khảo sát này cho thấy, động lực lợi ích từ EVFTA đủ lớn để thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp. Với từng doanh nghiệp, mối quan tâm có thể khác nhau nhưng về tổng thể EVFTA là hiệp định mang lại lợi ích kinh tế đáng kể nhất. Số lượng lớn doanh nghiệp đang được hưởng các cơ hội mới từ EVFTA khi liên kết, liên doanh với các đối tác Liên minh châu Âu (EU) cũng như có thêm đơn hàng, doanh thu, lợi nhuận từ việc tham gia chuỗi cung ứng để phục vụ cho hoạt động xuất, nhập khẩu với thị trường EU. Thực tế, trong 2 năm thực thi EVFTA (tháng 8-2020 đến tháng 7-2022), tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 83,4 tỷ USD, cao hơn 24% so với kim ngạch xuất khẩu trung bình giai đoạn 2016-2019. Tỷ lệ hàng xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA từ 14,8% năm 2020 tăng lên 24,5% trong 6 tháng đầu năm 2022. Đáng nói hơn, 2 năm qua cũng là thời gian kinh tế thế giới và Việt Nam đối mặt với những biến động chưa từng có do dịch Covid-19, đứt gãy chuỗi cung ứng, khủng hoảng năng lượng… EVFTA đã góp phần làm giảm nhẹ tác động bất lợi đối với nền kinh tế Việt Nam, mang lại kết quả khả quan cho thương mại nói chung.

Nói cách khác, EVFTA và các hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam tham gia được coi là “chìa khóa” giúp doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, phát triển. Để tận dụng tối đa cơ hội, ưu đãi, trước hết, cơ quan quản lý cần nhanh chóng cụ thể hóa các cam kết, nội dung EVFTA cũng như các hiệp định thương mại tự do khác bằng văn bản pháp lý, giúp doanh nghiệp dễ hiểu, dễ vận dụng. Nội dung các văn bản bám sát các hiệp định thương mại, không phát sinh thêm điều kiện cản trở cơ hội của doanh nghiệp.

Để nâng tỷ lệ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, việc tuyên truyền, phổ biến nội dung các hiệp định cần tiếp tục được tăng cường, thông qua hội thảo, hội nghị giao ban giữa cơ quan quản lý với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp. Đồng thời, cơ quan quản lý cần tiếp tục mở rộng các kênh trao đổi, giải đáp, tiếp nhận ý kiến từ phía cộng đồng doanh nghiệp, vừa cung cấp thông tin thị trường vừa nắm bắt vướng mắc trong quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do để kịp thời tháo gỡ.

Song song với đó, bản thân mỗi doanh nghiệp cũng phải chủ động tìm hiểu nội dung các hiệp định thương mại tự do, tự tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát triển sản xuất, kinh doanh; chủ động đầu tư để đáp ứng các điều kiện, cam kết. Việc đầu tư, nhất là về công nghệ, quản trị không chỉ để tận dụng hiệu quả cơ hội, ưu đãi mà còn vì sự phát triển lâu dài, bền vững. EVFTA và các hiệp định thương mại tự do sẽ tác động tới triển vọng kinh doanh trong 3 năm tới theo hướng tích cực. Vì thế, khi có ý thức chủ động hội nhập, doanh nghiệp sẽ nắm bắt được cơ hội để phát triển.

Gia Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/1047598/y-thuc-hoi-nhap