Ý thức không thay đổi, khó để xử lý hết vi phạm

Nhiều học sinh chưa đủ tuổi quy định điều khiển xe máy tham gia giao thông đường bộ bị lực lượng công an TP Thanh Hóa xử lý trong những ngày qua phần nào cho thấy tinh thần kiên quyết lập lại trật tự giao thông ở 'phân khúc' có nhiều phức tạp này.

Trên bình diện cả nước, chỉ 7 tháng năm 2024 con số thống kê rất đáng lo ngại khi tai nạn giao thông ở nhóm tuổi học sinh tăng tới 22% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng có nguyên do từ người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang là học sinh chưa đủ điều kiện.

Đồng tình với chiến dịch ra quân lập lại trật tự, an toàn giao thông đối với những vi phạm của học sinh, nhưng nhiều người cũng tỏ ra lo lắng. Bởi một thực tế là các chiến dịch ra quân lập lại trật tự giao thông luôn phải huy động số đông nhân lực, phương tiện, vì thế rất khó để đảm bảo tính lâu dài. Trong khi ở lứa tuổi học sinh, nhiều em nhận thức pháp luật chưa cao, tinh thần chấp hành pháp luật chưa nhiều. Đặc biệt, nhiều em không hiểu biết hệ thống tín hiệu, biển báo giao thông, nên điều khiển phương tiện tùy tiện. Sau khi vi phạm, bị xử lý, tình trạng tái phạm ở lứa tuổi học sinh thường rất cao.

Nhưng xét cho cùng, việc vi phạm của học sinh phần lớn là do phụ huynh. Nếu như phụ huynh không xem nhẹ quy định, dễ dàng giao xe cho con em mình, thì có xảy ra tình trạng nhiều học sinh vi phạm, thậm chí gây tai nạn giao thông hay không? Vì thế, một số ý kiến cho rằng, cùng với xử lý vi phạm của học sinh cần có biện pháp mạnh tay đối với các phụ huynh giao xe cho con khi chưa đủ điều kiện.

Thực tế việc làm này đã được Công an TP Thanh Hóa thực hiện một số lần. Trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, qua tuần tra, kiểm soát, trích xuất hình ảnh camera an ninh phát hiện nhiều học sinh chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện giao thông vi phạm các quy định, lực lượng công an TP Thanh Hóa bên cạnh xử lý vi phạm, đã yêu cầu phụ huynh cam kết không tái diễn tình trạng giao xe cho con khi chưa đủ điều kiện.

Tuy nhiên, cũng như biện pháp kiểm tra, xử lý vi phạm trực tiếp đối với học sinh, việc yêu cầu phụ huynh không giao xe cho con khi chưa đủ điều kiện là rất khó. Bởi, không phải phụ huynh nào cũng có nhận thức như nhau, ý thức tuân thủ, tôn trọng pháp luật cũng khác nhau. Có người quan niệm việc giao xe cho con là để tiện cho việc đi học, phụ huynh không phải đưa đón. Người thì cho rằng, con nhà khác đi được, thì con nhà mình cũng đi được.

Một phụ huynh mà tôi biết từng giao xe máy cho con khi còn là học sinh THCS mỗi khi mình có việc bận. Nhiều người góp ý thì anh cho rằng làm thế để khi có việc gì sai con đi hộ cho nhanh. Suy nghĩ đó của anh được con anh tiếp thu nguyên vẹn để áp dụng cho cháu của anh bây giờ. Và chính cháu của anh là một trong số những học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy bị xử lý vi phạm khi tham gia giao thông gây rối trật tự công cộng mới đây.

Nhiều người đề xuất nên tăng việc xử lý đối với người lớn giao xe cho trẻ em chưa đủ điều kiện. Đây là ý kiến hay, nhưng có lẽ chưa phải là giải pháp căn cơ để giải quyết vấn nạn học sinh đi xe phân khối lớn rồi gây rối trật tự công cộng, gây tai nạn giao thông. Thay cho xử lý phải chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, thuyết phục thay đổi nhận thức, hành vi của phụ huynh. Việc cam kết cũng đến lúc họ quên, hoặc trong những trường hợp cần thiết họ vẫn sẵn sàng giao xe cho trẻ. Nếu không làm thay đổi nhận thức của phụ huynh, thì những phụ huynh bất chấp như đã đề cập sẽ còn nhiều, rất khó để xử lý hết vi phạm.

Hạnh Nhiên

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/y-thuc-khong-thay-doi-kho-de-xu-ly-het-vi-pham-33506.htm