Ý thức nhường đường khi tham gia giao thông

Mới đây trên diễn đàn Otofun, một thành viên đã chia sẻ hành trình của mình trên đường, khi gặp đoàn học sinh tan trường về, anh đã dừng lại để nhường đường cho các em qua. Hành động tuy nhỏ nhưng mang lại niềm vui và sự an toàn cho người tham gia giao thông khác đã nhận nhiều sự ủng hộ của mọi người.

“Chậm lại một phút để các cháu được về nhà an toàn” là chia sẻ của anh Toàn. Đây cũng là suy nghĩ chung của rất nhiều người khi dừng xe, nhường đường cho người khác. Dù vậy, với mật độ giao thông đông đúc, cùng sự hối hả của dòng người khi lưu thông như hiện nay mà nhiều người quên đi hành động đầy nhân văn này.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định cụ thể các trường hợp phải nhường đường cho người đi bộ, xe đạp, xe lăn tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ và cả những nơi không có vạch kẻ đường, cũng như khi chuyển hướng, quay đầu, lùi xe... Tuy nhiên, thực tế vẫn có những trường hợp không nhường người đi bộ hay các phương tiện nhỏ hơn, thể hiện ý thức chưa tuân thủ luật giao thông và thiếu ý thức giao thông.

Em Viên Hoa – Sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Bình thường em đi sang đường cũng sẽ có xe nhường đường và xe không nhường. Thường sẽ là ô tô nhường đường, còn xe máy ít khi họ nhường, đặc biệt là những xe vượt đèn đỏ. Em là sinh viên ở khu vực này, mỗi lần sang đường sẽ hơi khó khăn, phải chú ý làn xe nhiều hơn. Theo em việc đi bộ khó khăn như vậy là do đây là trục đường chính, rất nhiều xe đi lại, không có cầu cho người đi bộ đi qua. Đèn giao thông chỉ 20 giây không đủ để cho người đi bộ đi qua đường.”

Mặc dù luật đã quy định rõ và có mức phạt đối với các phương tiện không nhường đường cho người đi bộ qua đường, nhưng việc các phương tiện giao thông cơ giới chưa chủ động nhường đường cho người đi bộ. Mỗi lần qua đường tại những nơi không có đèn tín hiệu đối với người đi bộ như là một lần họ đánh cược mạng sống của mình. Họ phải nhìn ngang liếc dọc, vẫy tay xin đường để luồn lách qua hàng tá phương tiện đang vun vút lao đi trên đường.

Em Nguyễn Thông Đạt - Sinh viên Đại học Xây dựng tỏ ra bức xúc: “Ở đây người ta hay vượt đèn đỏ nhiều. Đợi đèn đỏ xong mới qua đường, lúc đấy còn 9 giây em bước qua đường, nhưng người ta vượt đèn đỏ vụt qua nên em bị ngã.”

Anh Vương Thành Trung – quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội cũng tỏ ra lo ngại: “Mật độ giao lưu trên đường Giải Phóng rất là đông, xe cộ đi lại vào buổi sáng thường tắc, 8,9h tắc lắm. Đèn xanh, đèn đỏ còn có mỗi phía bên kia, bên này không có. Các cháu trường Xây dựng, trường Bách Khoa mỗi khi sang đường rất là nguy hiểm. Các phương tiện đi lại còn vượt đèn đỏ, lượn lách rồi chen chúc nhau để đi, nên sang đường rất vất vả và khó. Thỉnh thoảng trong tuần xảy ra một vài vụ tai nạn.”

Bên cạnh đó, xe lớn chưa có ý thức nhường xe nhỏ, các xe đều không tuân thủ đúng luật giao thông, nên nhiều lúc xảy ra tình trạng dồn xe cục bộ vì các phương tiện tham gia giao thông không nhường nhau, ai cũng muốn nhanh, ảnh hưởng đến toàn bộ người tham gia giao thông. Do đó, việc nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, điều chỉnh hành vi ứng xử, đối với người tham gia giao thông, cụ thể là nhường đường cho người đi bộ, cho trẻ em, người cao tuổi và các phương tiện nhỏ hơn, là rất cần thiết.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/y-thuc-nhuong-duong-khi-tham-gia-giao-thong-202538.htm