Ý thức tham gia giao thông quan trọng hơn đồng hồ đếm ngược
Mới đây, TPHCM đã thí điểm bỏ đếm thời gian trên đèn tín hiệu ở một số giao lộ lớn.
Lý giải về việc này, theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM Võ Khánh Hưng, bộ đếm lùi giây tại các giao lộ giúp người đi đường nhận biết để có ứng xử khi gặp đèn giao thông. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, có tình trạng người dân tăng tốc vượt khi đèn xanh chỉ còn vài giây; hoặc cố vượt khi chưa hết đèn đỏ; người phía trước bị người phía sau nhấn còi nhắc nhở. "Việc hai bên đều tranh thủ vài giây là nguyên nhân dẫn đến va chạm giao thông. Từ thực tế này, Sở Giao thông Vận tải đã nghiên cứu bỏ bộ đếm giây và đã thí điểm ở 4 giao lộ", ông Võ Khánh Hưng thông tin.
Đánh giá về thí điểm bỏ đồng hồ đếm ngược ở đèn tín hiệu giao thông tại TPHCM, Tiến sĩ Samuel Buertey, quyền Phó chủ nhiệm bộ môn Kế toán và Luật, Đại học RMIT, cho biết:
"Cá nhân tôi nghĩ rằng đồng hồ đếm ngược rất tuyệt vời và hữu ích đối với người điều khiển phương tiện giao thông, giúp họ quyết định dừng hoặc lái xe vượt khỏi giao lộ khi biết được số giây còn lại, cũng như tránh vi phạm luật giao thông.
Điều này góp phần làm giảm mức độ dừng đột ngột ở ngã tư và giảm va chạm khi đèn đổi màu. Các quy tắc yêu cầu người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ ngay cả khi đến gần các giao lộ. Đồng hồ đếm ngược thực sự giúp việc dự đoán trở nên dễ dàng hơn.
Một trong những điều mà tôi cũng đã trải nghiệm, mà tôi nghĩ là rất tuyệt vời với những chiếc đồng hồ đếm ngược này, đó là trong khi chờ đèn đỏ, bạn sẽ cảm thấy thư giãn và vô ưu. Bạn không cần phải dán mắt vào tín hiệu, thậm chí có thể tắt động cơ và thả lỏng vì bạn có nhiều thời gian hơn ở đó, chẳng hạn như 30 giây hoặc 35 giây.
Nếu bạn đang lái xe lại gần và thấy tín hiệu đã thay đổi, ví dụ là chuyển sang đèn đỏ và nếu đường vòng là khả thi, bạn sẽ chọn đi cung đường vòng đó. Đó là do bạn biết rõ về thời gian còn lại và bạn hiểu rằng mình không thể vượt qua giao lộ. Tôi nghĩ đây đều là những mặt tích cực của đồng hồ đếm ngược mà tôi chứng kiến.
Bây giờ, hãy xét tới các quốc gia khác như Ba Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, nơi có áp dụng đồng hồ đếm ngược. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng hiệu quả của việc lắp đặt đồng hồ đếm ngược là không giống nhau ở các nước. Tác động tích cực của việc áp dụng đồng hồ đếm ngược được chứng minh ở Ba Lan và Trung Quốc, với mức độ vi phạm vượt đèn đỏ đã giảm đáng kể. Ở những nơi khác như Brazil, những nghiên cứu này không tìm thấy nhiều khác biệt. Vì vậy, có đồng hồ đếm ngược hay không cũng không tạo ra nhiều đột phá.
Tôi cũng đã sống ở Hàn Quốc một thời gian và tôi biết ở đó cũng không có đồng hồ đếm ngược, chỉ lắp đặt ở những ngã tư có người đi bộ qua đường.
Ở một số nơi tôi từng đến, như Nhật Bản và Singapore, tôi thấy cách làm tương tự như Hàn Quốc, đồng hồ đếm ngược chủ yếu ở vạch qua đường dành cho người đi bộ.
Mức độ vi phạm vượt đèn đỏ hoặc luật giao thông đường bộ nói chung ở những quốc gia đó là khá thấp nhưng tôi không nghĩ điều tương tự có thể xảy ra với Ghana, quê hương tôi, nơi cũng không có đồng hồ đếm ngược. Mức độ vi phạm ở Ghana vẫn còn khá cao. Vì vậy, nhìn chung, hành vi chấp hành đèn tín hiệu khi tham gia giao thông quan trọng hơn là sự hiện diện hay vắng mặt của đồng hồ đếm ngược.
Vấn đề thiết yếu là người dân tuân thủ các quy tắc và đây là lúc cần có mức độ thực thi luật pháp hợp lý để mọi người chấp hành. Tôi nghĩ sự thay đổi này sẽ mất một thời gian.
Hiện nay, cảnh sát giao thông Việt Nam hầu như có mặt ở khắp mọi nơi để đảm bảo người dân chấp hành luật lệ và tôi nghĩ đó là yếu tố chính tạo nên khác biệt đối với các nước tiên tiến về việc chấp hành các quy định về giao thông đường bộ.
Tôi cho rằng việc áp dụng đồng hồ đếm ngược rất tốt và không có vấn đề gì lớn nếu chúng ta lắp đặt cả. Còn trong trường hợp chúng ta muốn loại bỏ, tôi nghĩ việc thực hiện thí điểm như đề xuất để đánh giá hiệu quả trước khi triển khai hàng loạt cũng là một điều nên làm. Tôi tin rằng việc này sẽ đem lại một số dữ liệu để so sánh, giúp chúng ta đưa ra những quyết định đúng đắn".