Ý tưởng hay lan tỏa văn hóa đọc
Thời gian qua, nhiều trường học tại TPHCM đã mạnh dạn đưa tiết đọc sách vào thời khóa biểu, chỉnh trang lại thư viện, tổ chức nhiều cuộc thi liên quan tới đọc sách để giúp học sinh nhân lên tình yêu với sách.
Tiết đọc sách thú vị
Bắt đầu từ học kỳ 2, năm học 2020 - 2021, Trường THCS Minh Đức (Quận 1) đã đưa tiết đọc sách vào thời khóa biểu chính khóa của học sinh khối 6, 7, 8. Cô Cao Thụy Quỳnh Như, thủ thư của trường thông tin, tiết đọc sách được sắp xếp theo từng lớp, học sinh sẽ tự chọn các đầu sách theo chủ đề có trong thư viện (trừ truyện tranh). Khi đọc xong một cuốn sách các em sẽ có bài thu hoạch như “nhật kí đọc sách”, tóm tắt sách hoặc là vẽ tranh, kể chuyện về nội dung cuốn sách, viết cảm nhận…
Trong tiết đọc sách của lớp 6/6 Trường THCS Minh Đức, có khá nhiều học sinh say sưa đọc những cuốn sách như “Mênh mông biển Việt”, “Giải cứu vương quốc lá phong đỏ”, “Cho tôi xin một vé về tuổi thơ”, “Dế mèn phiêu lưu kí”, “Hachiko chú chó đợi chờ”… Lương Vĩnh Tuấn (lớp 6/6) chia sẻ: “Khi thời khóa biểu có thêm tiết đọc sách, con thấy rất thú vị, bổ ích. Qua đây sẽ giúp con và các bạn rèn thói quen đọc sách, tìm hiểu thêm được rất nhiều kiến thức ngoài sách vở”.
Còn Ngọc Nga (lớp 6/6) cho hay, đọc sách giúp em và các bạn rèn tính kiên nhẫn, sự tập trung, giúp cho vốn từ thêm phong phú, thêm kiến thức. “Sách giống như một người bạn, một người thầy giúp chúng ta trưởng thành hơn”, Ngọc Nga nói.
Tương tự, tại Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý (Quận 7), những năm qua, nhà trường đã duy trì 15 phút đọc sách đầu mỗi buổi học trong thời khóa biểu của tất cả các lớp. Nhà trường coi đó là thời gian tĩnh lại để cô và trò cùng đọc những cuốn sách yêu thích khởi đầu cho một ngày học mới. Sau khi đọc, giáo viên chủ nhiệm sẽ triển khai chia sẻ những điều các em tâm đắc qua cuốn sách đã đọc”, cô Trang nói.
Ngoài ra, mỗi năm thư viện cũng tổ chức hội thi lớn lên cùng sách, các buổi chia sẻ giới thiệu về sách, bài cảm nhận. Từ sách các em có cảm hứng để làm clip, thuyết trình... Năm học này, thư viện kết hợp 2 cuộc thi hướng văn hóa đọc là Hùng biện và Tranh luận. Nhà trường mong muốn, qua kiến thức từ học tập, cuộc sống, từ những cuốn sách, các em sẽ thu thập, xử lý thông tin và biết cách chia sẻ quan điểm của mình cho người khác, thuyết phục và có lập luận vững vàng.
Song song với đó, theo cô Diễm Trang, nhà trường rất chú trọng đầu tư cho thư viện, không chỉ là số lượng đầu sách mới được cập nhật thường xuyên dựa trên đề xuất của thủ thư, thầy cô mà trường còn làm tủ sách 100 cuốn kinh điển. Trường kỳ vọng khi các em khi bước vào học tập tại đây, trong kế hoạch giảng dạy bộ môn và các hoạt động khác sẽ có những đầu sách bắt buộc học sinh phải đọc để có kiến thức nền tảng, văn hóa xã hội, lịch sử, bộ môn… Ngoài ra, nhà trường cũng chú trọng cải tạo không gian đọc thêm thân thiện, hiện đại.
Giúp trò lớn lên cùng sách
Song song với những cách làm hay của các trường, để lan tỏa văn hóa đọc, từ 6 năm qua, Sở GD&ĐT TPHCM đều phát động trong toàn ngành cuộc thi Lớn lên cùng sách. Cuộc thi nhận được sự tham gia của đông đảo học sinh từ cấp trường, quận và vòng chung kết cấp thành phố.
Điểm nhấn của cuộc thi là học sinh phải trải qua 4 phần nội dung rất đặc biệt gồm: “Ai đọc hiểu nhanh hơn và sâu hơn?”, “Ai đọc sách nhanh hơn và nhiều hơn?”, “Chụp ảnh với sách” và tham quan đường sách Nguyễn Văn Bình, thực hiện túi quà “Sách hay tặng bạn”.
Cụ thể ở hoạt động “Ai đọc hiểu nhanh hơn và sâu hơn” học sinh được cung cấp một văn bản đọc và trả lời các câu hỏi trắc nghiệm cũng như tự luận liên quan nội dung văn bản. Hoạt động này nhằm đánh giá năng lực đọc hiểu văn bản của học sinh. Ở hoạt động “Ai đọc sách nhanh hơn và nhiều hơn?”, học sinh được tham gia bữa tiệc sách thịnh soạn và hoàn thành “Nhật ký đọc sách” với nội dung giới thiệu các đầu sách hay.
Thông qua hoạt động này, các em được thể hiện niềm đam mê đọc sách, biết đọc sách theo những mục đích cụ thể, có khả năng tóm tắt và giới thiệu sách đến mọi người. Hoạt động “chụp ảnh với sách” đòi hỏi các thí sinh có nhiều chủ đề lựa chọn như trò chuyện cùng sách, làm dáng cùng sách, hóa trang thành nhân vật trong sách…
Với hoạt động cuối cùng, các thí sinh tham quan đường sách Nguyễn Văn Bình và thực hiện túi quà “Sách hay tặng bạn”. Mỗi đội gồm 6 thí sinh được ban tổ chức phát một túi đựng và 200.000 đồng để mua sách tặng các bạn học sinh nghèo ở huyện Cần Giờ.
Em Trần Nguyễn Thy Dung, Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý (Quận 7) - người giành giải Nhất hội thi “Lớn lên cùng sách”, chia sẻ: Đây là hội thi rất bổ ích, không chỉ giúp em biết cách đọc sách hiệu quả, lựa chọn sách phù hợp mà còn biết thêm những cuốn sách hay. Qua các hoạt động trải nghiệm, em còn học hỏi được bạn bè xung quanh, rèn kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, phát huy sự sáng tạo… Nhờ dành thời gian và tình yêu với sách, em thấy bản thân mình tự tin và trưởng thành hơn, được bổ sung nhiều về vốn sống và khả năng ngôn ngữ.
Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng GD Trung học, Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng, đây là hội thi rất bổ ích, nhằm lan tỏa văn hóa đọc trong nhà trường. Ngoài việc hoàn thành các phần thi, các “đại sứ văn hóa đọc nhí” còn có trách nhiệm chia sẻ, hỗ trợ những học sinh khác, cùng phụ huynh và thầy cô tạo ra văn hóa đọc tại ngôi trường mình đang theo học cũng như địa bàn sinh sống. Thông qua việc đọc sách, học sinh có thêm nhiều trải nghiệm quý báu, qua đó bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng, rèn luyện phẩm chất và năng lực giao tiếp cho các em.
Đọc sách không chỉ giúp học sinh có thể rèn viết văn, thư giãn, khám phá nhiều thể loại khác nhau, làm phong phú thêm vốn sống của mình mà còn giúp các em học cách tập trung, kiên nhẫn khi đọc. Từ những tiết đọc sách này kết hợp với nhiều hoạt động khác do trường tổ chức liên quan đến văn hóa đọc sẽ giúp các em hình thành thói quen đọc sách, nhân lên tình yêu với sách. - Cô Cao Thụy Quỳnh Như
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/y-tuong-hay-lan-toa-van-hoa-doc-2URSue8Gg.html