Ý tưởng phát triển đô thị thông minh phía Đông TPHCM

Chia thành hai giai đoạn phát triển, các nhà đầu tư Hàn Quốc đề xuất xây dựng khu đô thị thông minh tại phía Đông TPHCM tập trung vào ba mảng chính: du lịch, công nghệ thông tin và nông nghiệp.

Tại tọa đàm về đô thị thông minh, hướng tới quy hoạch phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM, do Sở Quy hoạch - Kiến trúc tổ chức mới đây, bà Lương Thu Anh, Phòng Quản lý Quy hoạch Khu trung tâm (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM), cho biết TPHCM chủ trương xây khu đô thị sáng tạo tương tác cao ở phía Đông với mục tiêu trở thành không gian hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ cao. Mục tiêu tiếp theo là trở thành khu đô thị vì con người. Cụ thể, nhà ở phải có giá trung bình; y tế - giáo dục phải có chất lượng tốt hơn, có không gian công cộng để kết nối cộng đồng và nâng cao ý thức của mọi người; quản lý tốt ngập nước, rác thải; cải thiện giao thông…

Theo bà Thu Anh, khu vực phía Đông TPHCM hiện sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Cụ thể, khu vực này có diện tích khoảng 21.000 héc ta, với dân số khoảng 1 triệu người, trong đó 12% là sinh viên. Đây cũng là nơi tập trung các dự án hạ tầng lớn được xây dựng trong thời gian qua như xa lộ Hà Nội, cao tốc Long Thành - Dầu Giây… Đặc biệt, khu vực này có Đại học Quốc gia TPHCM, Khu Công nghệ cao và khu đô thị mới Thủ Thiêm… phù hợp để xây dựng thành khu đô thị sáng tạo.

Bà Thu Anh cho biết Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố đang tổ chức cuộc thi về ý tưởng sáng tạo đô thị thông minh. Cuối tháng 9 này, các thí sinh sẽ nộp bài thi, hy vọng, sẽ có những bài thi chất lượng, phù hợp với việc phát triển đô thị thông minh.

Từ kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh tại Hàn Quốc, ông Lee Gyeong Taek, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần LAVI E&C, đề xuất quy hoạch một phần Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM. Việc thực hiện được chia thành hai giai đoạn, với giai đoạn 1 rộng 80 héc ta, giai đoạn 2 là 120 héc ta. Trước mắt, TPHCM tập trung phát triển giai đoạn 1 trước, chú trọng vào ba mảng: du lịch, công nghệ thông tin và nông nghiệp.

Về nông nghiệp, dự án sẽ phát triển nông trại thông minh, trung tâm nghiên cứu và phát triển, trung tâm lưu thông nông sản gia súc. Về công nghệ thông tin, dự án sẽ xây dựng khu công nghệ thông tin cho các công ty khởi nghiệp, cơ sở kinh doanh - văn phòng thông minh. Về du lịch, theo ý tưởng của ông Lee, sẽ phát triển các mô hình du lịch ao sen, nhà hàng chọc trời, trung tâm mua sắm đường phố.

“Khu Đông thành phố vốn là khu đất nông nghiệp nhưng với tốc độ đô thị hóa nhanh và là cái nôi của nhiều trường đại học nên có thể phát triển thành thánh địa công nghệ thông tin”, ông Lee nhận định.

Với các nội dung trên, ông Lee kỳ vọng khu đô thị thông minh sẽ tạo thêm 15.000 việc làm cho lao động địa phương. Đây sẽ là khu đô thị kết hợp truyền thống và hiện đại (dựa trên công nghệ thông tin và nền tảng nông nghiệp - du lịch truyền thống của Việt Nam). Bên cạnh đó, đây cũng là khu vực thân thiện với môi trường, giải quyết tốt các vấn đề về rác thải, ngập lụt, quan tâm đến người già và trẻ em…

Tuy nhiên, theo ông Lee, để phát triển khu đô thị sáng tạo, khu Đông cần xử lý triệt để một số vấn đề còn tồn tại như ngập lụt, tắc nghẽn giao thông, rác thải, quản lý nước thải…

Về ngập lụt, cần có hệ thống thoát nước vĩnh viễn và phương án đề phòng nước mưa chảy ngược trong mùa mưa.

Về tắc nghẽn giao thông, cần xây dựng hệ thống giao thông an toàn, có hệ thống biển báo, đèn giao thông được điều khiển bằng hệ thống thông minh.

Đỗ Lan

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/294047/y-tuong-phat-trien-do-thi-thong-minh-phia-dong-tphcm.html