Ý tưởng từ lá mía giúp sinh viên Việt chiến thắng cuộc thi về sông Mekong

Thông qua việc sản xuất giấy từ lá mía, nhóm sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội mong muốn tạo ra các sản phẩm nông nghiệp giá trị, tăng thu nhập cho người nông dân trồng mía và xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Đề án này đã giành được giải thưởng cao nhất trong cuộc thi về sông Mekong có 20 đội từ 6 nước tham gia.

Vòng Chung kết cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên về Quản trị và Phát triển lưu vực sông Mekong - Youth Innovation Competition on Lancang-Mekong Region’s Governance 2023 (YICMG 2023) đã được tổ chức thành công từ ngày 19-23/7 tại Trường Đại học Thanh Hải, thành phố Tây Ninh, tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc.

Đây là cuộc thi được tổ chức thường niên với mục tiêu khuyến khích các bạn trẻ đưa ra những ý tưởng thực tế, nhằm giải quyết các vấn đề đang diễn ra trong khu vực Mekong - Lan Thương.

Chủ đề của YICMG 2023 là “New Agriculture and Food Safety & Security” (Nông nghiệp mới, An ninh & An toàn thực phẩm). Cuộc thi có sự góp mặt của 20 đề án đến từ 6 quốc gia thuộc khu vực Mekong - Lan Thương, bao gồm: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Trong đó, có 4 đề án của sinh viên Việt Nam từ Đại học Quốc gia Hà Nội và Học viện Ngoại giao.

Các sinh viên Việt Nam trong Đêm giao lưu văn hóa Culture Night tại YICMG 2023.

Các sinh viên Việt Nam trong Đêm giao lưu văn hóa Culture Night tại YICMG 2023.

Nhóm sinh viên khoa Quốc tế học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội gồm: Nguyễn Thị Ngọc Lan, Đoàn Trà My và Nguyễn Thị Hải Yến đã mang đến cuộc thi đề án “Sugarcane Leaves: New Value - New Chance” (Lá mía: Giá trị mới – Cơ hội mới). Đề án đã giành giải thưởng cao nhất - “The Best Project for Incubation” (Dự án tiềm năng nhất) tại YICMG 2023 với phần thưởng trị giá 10.000 tệ (hơn 30 triệu đồng).

Các thành viên của nhóm (từ trái qua) trước poster thuyết trình đề án: Hải Yến, Ngọc Lan và Trà My.

Các thành viên của nhóm (từ trái qua) trước poster thuyết trình đề án: Hải Yến, Ngọc Lan và Trà My.

Ngọc Lan chia sẻ với chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong: “Hiện nay, diện tích trồng mía tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang giảm dần, bởi vì người dân không thấy được nhiều lợi ích kinh tế từ mía. Đây là một trong số các nguyên nhân dẫn tới vấn đề khủng hoảng đường mía ở Việt Nam.

Đề án nhằm tái chế lá mía - một loại rác thải nông nghiệp, biến những lá mía vốn chỉ để vứt đi hoặc lợp nhà thành bao bì, giấy viết, vẽ tranh,… giúp tăng thu nhập cho người nông dân. Giảm thiểu rác thải nông nghiệp và khuyến khích người dân tiếp tục trồng mía là hai mục tiêu chính của đề án này”.

Cả nhóm tự tin thuyết trình về đề án (ảnh trên) và phần công bố giải thưởng cao nhất - The Best Project for Incubation (Dự án tiềm năng nhất).

Cả nhóm tự tin thuyết trình về đề án (ảnh trên) và phần công bố giải thưởng cao nhất - The Best Project for Incubation (Dự án tiềm năng nhất).

Sau khi nhận được thông tin từ cuộc thi vào tháng 11/2022, ba nữ sinh đã chủ động thành lập nhóm và khẩn trương tìm kiếm ý tưởng phù hợp với chủ đề. Vì đó cũng là thời điểm thi giữa kỳ các môn học trên trường nên cả nhóm đã làm việc chăm chỉ và khẩn trương để kịp nộp báo cáo đề án cho ban tổ chức.

Vì cả ba bạn đều là sinh viên lớp K65 Quốc tế học nên có lịch học tập tương đồng và sự thấu hiểu nhất định. Nhờ đó, khi phân chia nhiệm vụ, mỗi thành viên đều được tạo điều kiện phát huy tốt nhất khả năng của mình.

“Một trong những khó khăn của nhóm là phải xác định và đảm bảo tính khả thi của đề án, nhằm tăng khả năng thuyết phục với ban giám khảo”, Trà My cho biết.

Nhóm cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ, hỗ trợ từ các thầy, cô trong Khoa cùng các anh, chị khóa trên đã tham gia YICMG những năm trước. Để có được một đề án hoàn thiện mang tới vòng chung kết, nhóm đã nhận được sự cố vấn nhiệt tình từ PGS. TS. Bùi Hồng Hạnh, Trưởng bộ môn Châu Âu học, khoa Quốc tế học.

Đại diện Nhà trường, PGS.TS Bùi Hồng Hạnh (áo vàng) và các đội thi của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tại chung kết YICMG 2023.

Đại diện Nhà trường, PGS.TS Bùi Hồng Hạnh (áo vàng) và các đội thi của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tại chung kết YICMG 2023.

Tại vòng chung kết YICMG 2023, tuy lịch trình hoạt động khá dày nhưng nhóm và các đội thi khác luôn được BTC hỗ trợ và quan tâm tận tình. Đây cũng là lần đầu tiên cả ba được tới tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc. Cả ba đã được trải nghiệm một nền văn hóa mới vô cùng thú vị và đậm đà bản sắc.

Được biết, tỉnh Thanh Hải nằm trên cao nguyên Thanh - Tạng và là nơi sinh sống chủ yếu của người Tạng. Đây là nơi bắt nguồn hai con sông quan trọng nhất của Trung Quốc: sông Trường Giang và sông Hoàng Hà, cũng là nơi khởi nguồn của dòng Mekong.

Nhóm nhận xét thêm, các đội thi từ các nước khác đều khá mạnh, không có sự phân hóa quá rõ rệt. Mỗi quốc gia đều mang đến những đề án với ý tưởng táo bạo, mới mẻ và mang tính đặc trưng riêng.

“Chúng mình đặc biệt ấn tượng với đề án "Agritrust" của các bạn sinh viên từ Trường Đại học Phúc Đán, Trung Quốc. Với ý tưởng xây dựng nền tảng online, "Agritrust" tạo sự kết nối giữa người nông dân và các công ty bảo hiểm nông nghiệp. Nền tảng giúp rút ngắn thời gian và tăng sự chính xác trong việc hỗ trợ người nông dân nhận các khoản bảo hiểm khi có thiên tai hoặc bệnh dịch. Đây cũng là một trong những đề án đạt giải cao tại YICMG 2023”, Hải Yến cho biết.

Trịnh Vũ Lam Trang

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/y-tuong-tu-la-mia-giup-sinh-vien-viet-chien-thang-cuoc-thi-ve-song-mekong-post1558025.tpo