Ý tưởng về đồng tiền chung Nam Mỹ trở lại
Brazil và Argentina đã đưa ra ý tưởng về đồng tiền chung cho khu vực thương mại Nam Mỹ, động thái có thể thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực và tiềm năng tạo ra khối tiền tệ lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, để làm được này khu vực sẽ cần phải có sự hài hòa kinh tế hơn nữa.
Lịch sử những ý tưởng
Những đề xuất về một loại tiền tệ duy nhất cho MERCOSUR, Khối Thị tường chung Nam Mỹ, đã xuất hiện trở lại trong chuyến thăm tới Argentina của Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva vào tháng 1 vừa qua. Lúc đó, phát biểu cùng với Tổng thống nước chủ nhà Alberto Fernández, ông nhấn mạnh đây là dự án dài hạn nhằm tạo thuận lợi cho thương mại khu vực mà không sử dụng USD, không phải là kế hoạch ngắn hạn để thay thế các đồng tiền quốc gia bằng đồng “sur” (nghĩa là “phía Nam”), như Brazil đề xuất đặt tên.
Theo Worldcrunch, đây là đề xuất công khai thứ 4 về một loại tiền tệ khu vực. Các nhà lãnh đạo của Brazil và Argentina lần đầu tiên đề cập đến nó vào năm 1987, được biết đến là “gaucho” như công cụ để tạo thuận lợi hơn cho thương mại hai nước. Những cuộc thảo luận về vấn đề này được tăng cường vào năm 1991 cùng với việc thành lập MERCOSUR, bao gồm cả Paraguay và Uruguay. Tuy nhiên, các kế hoạch trên chưa bao giờ thành hiện thực. Sau đó, cựu Tổng thống Argentina Carlos Menem thảo luận lại vấn đề đó tại một hội nghị thượng đỉnh về thương mại ở Montevideo, Uruguay năm 1997.
Chủ đề tiếp tục được nêu ra vào năm 1999 như một phần của các kế hoạch hội tụ kiểu EU nhiều tham vọng hơn do Argentina đề xuất. Năm 2019, người tiền nhiệm của Tổng thống Lula da Silva là ông Jair Bolsonaro cũng từng làm nổi lên chủ đề “không mới”này. Thậm chí, các Bộ trưởng Kinh tế của Argentina và Brazil được cho là đã tái thảo luận về đồng tiền chung vào năm 2019, nhưng ở chế độ riêng tư.
Có khả thi?
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, hoài bão trên có khả thi, hay nó vẫn còn quá xa vời trước những ưu tiên cấp bách hơn?
Lý thuyết khu vực tiền tệ tối ưu OCA (Optimum Currency Area Theory), được nhà kinh tế học Robert Mundell đề xuất vào năm 1961, dựa trên công trình trước đó của Abba Lerner, coi một loại tiền tệ duy nhất rất phù hợp với các khu vực gắn chặt với dòng chảy thương mại xuyên quốc gia và sự di chuyển của các yếu tố sản xuất như vốn và lao động. Đối với quốc gia riêng lẻ, tỷ lệ chi phí-lợi ích của nó phụ thuộc vào mức độ hội nhập kinh tế với các đối tác.
Vì vậy, theo nhiều nhà phân tích, từ quan điểm này, MERCOSUR không phải là OCA vì nó chưa được tích hợp thông qua các liên kết thương mại chặt chẽ hoặc dòng vốn và lao động. Khối lượng giao dịch bên trong MERCOSUR vẫn còn nhỏ, thậm chí đã giảm xuống mức 11-12% (tổng khối lượng giao dịch của các thành viên). Xuất khẩu của Argentina và Brazil sang các nước MERCOSUR vào năm 2021 chỉ là 17,9% và 6% tổng xuất khẩu tương ứng của họ. Sự di chuyển của người lao động vẫn chưa được tự do hóa hoàn toàn và liên quan đến vốn, trong khi các quy tắc đầu tư trực tiếp đã được tự do hóa, nhiều hạn chế trao đổi vẫn còn hiệu lực ở Argentina, từ đó không khuyến khích dòng vốn chảy vào.
Bên cạnh đó, các yếu tố như cấu trúc kinh tế tương tự cũng chưa có. Ví dụ, điều đó được thể hiện qua mức độ thương mại công nghiệp thấp. Tương tự, khả năng chuyển các nguồn tài chính sang các nền kinh tế kém vững chắc hơn, theo cách thức của các quỹ đoàn kết của Liên minh châu Âu (EU), là rất hạn chế.
Hơn nữa, “lý thuyết về sự tín nhiệm” (Credibility Theory) của EU và lợi ích từ danh tiếng của Ngân hàng Trung ương Bundesbank của Đức (quốc gia cốt lõi của liên minh lá cờ xanh) không hoàn toàn phù hợp với MERCOSUR. Ngân hàng Trung ương Brazil có uy tín hơn đáng kể so với Argentina, nhưng khó bằng Bundesbank. Trên thực tế, Brazil và Argentina vẫn chưa khắc phục được hoàn toàn quá khứ lạm phát lâu dài của cả hai. Sự ổn định của Brazil từ năm 1994 tuy thành công, nhưng vẫn còn non trẻ, trong khi lạm phát cao vẫn là rủi ro ở Argentina.
Nhìn xa trông rộng, hay sự phân tâm?
Như đã đề cập ở trên, cần có mức độ hội nhập kinh tế cao hơn nhiều trong khu vực MERCOSUR để tạo ra đồng tiền chung. Trước khi xem xét về nó, các quốc gia MERCOSUR cần thống nhất về những vấn đề điều phối và hài hòa kinh tế vĩ mô lẫn tài chính, và nhất là cần có sự phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc hơn về kinh tế.
Câu hỏi được đặt ra là, liệu sẽ có loại tiền tệ nào trong trung hạn hay không? Theo một số nhà phân tích kinh tế, nếu các Chính phủ muốn MERCOSUR đạt được sức hút, họ trước tiên cần dỡ bỏ các rào cản nhập khẩu bên trong MERCOSUR và củng cố, với các mức thuế ổn định bên ngoài, sự hội nhập có điều tiết của thị trường trong thương mại toàn cầu, cũng như thực hiện các biện pháp hài hòa kinh tế. Những bước đi này sẽ yêu cầu phải sớm có những thỏa thuận về chi tiết cụ thể. Về phía mình, cả Brazil và Argentina cũng phải làm rõ loại hội nhập nào họ muốn: liên minh hải quan và cuối cùng là thị trường và tiền tệ chung, hay khu vực thương mại tự do.
Các nhà phân tích cho rằng, trước khi một liên minh hải quan được thiết lập và điều chỉnh, cũng như các biện pháp được thực hiện để điều phối các nền kinh tế vĩ mô khu vực, việc nói về một loại tiền tệ chung là khá trừu tượng, trừ khi trong những tháng tới, Tổng thống Brazil Lula da Silva, nhà lãnh đạo của nền kinh tế nặng ký trong khu vực, đưa ra quyết định chính trị để thúc đẩy hội nhập MERCOSUR.