Ý tưởng về ma trận đề thi chung sẽ rất khả quan nếu Bộ Giáo dục tích cực làm
Việc có ma trận đề thi chung trong kiểm tra đánh giá định kỳ của các địa phương sẽ đảm bảo tính công bằng giữa các địa phương.
Sau kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm học 2020-2021, dư luận lại bàn tán xôn xao về cơ cấu điểm học bạ trong việc xét tốt nghiệp Trung học phổ thông.
Nhiều ý kiến cho rằng, cơ cấu điểm học bạ chiếm 30% trong điểm xét tốt nghiệp là vấn đề cần xem lại. Bởi nếu công tác quản lý học bạ không tốt còn dễ nảy sinh tiêu cực, tạo ra sự không công bằng giữa các địa phương với nhau khi sẽ có nơi đánh giá định kỳ dễ để điểm học bạ đẹp từ đó giúp tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp cao lên.
Qua các ý kiến trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, các chuyên gia, nhà quản lý đã nhắc đến ý tưởng của Vụ giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) từng đề xuất về việc tổ chức ma trận đề thi chung cho cả nước trong các bài kiểm tra định kì. Rồi sau đó, các tỉnh căn cứ vào ma trận của Bộ giáo dục để triển khai thành một đề thi riêng, cụ thể ở trường mình. Tuy nhiên, ý tưởng đó chưa được triển khai.
Trao đổi về vấn đề này, ông Cao Đình Thưởng - Đại biểu Quốc hội khóa 14 cho rằng: “Về tính khả thi của ý tưởng này theo tôi, nếu "tích cực" hơn thì Bộ Giáo dục có thể triển khai được. Nói như vậy là bởi vì, chúng tôi cũng có nhiều trăn trở về tiến độ thực hiện của các chương trình khác của Bộ, như chương trình biên soạn sách giáo khoa chẳng hạn.
Đáng lý ra, việc viết một bộ sách giáo khoa chuẩn là trách nhiệm của Bộ Giáo dục, nhưng lại giao việc này cho các nhà xuất bản, giao cho tư nhân. Mà cốt lõi ở đây, giáo dục là quốc sách hàng đầu, Bộ phải chủ động.
Còn theo tôi, việc ra một bộ đề thi chung này nếu được Bộ quan tâm và có hướng dẫn, chỉ đạo sát sao thì các tỉnh, các trường có thể góp sức. Trong đó, Bộ đương nhiên phải đóng vai trò chủ động. Ý tưởng này tôi đánh giá rất khả quan.
Tuy nhiên, trong chuyện này cần cho các tỉnh, các trường và những đơn vị thực hiện xác định rõ mục tiêu của việc “thi để làm gì?”. Vì nếu thi chỉ để lấy bằng tốt nghiệp cấp 3 thì các trường họ cũng có thể biết được là nên ra đề thi như thế nào.
Thậm chí, qua một đợt thi mà kết quả đỗ tốt nghiệp cấp 3 của một tỉnh đạt đến gần 100%, nhưng kết quả ấy lại không phản ánh đúng thực tế thì việc tổ chức thi theo phương án nào cũng chỉ là hình thức.
Việc có ma trận đề thi chung trong kiểm tra đánh giá định kỳ của các địa phương sẽ đảm bảo tính công bằng giữa các địa phương. Phương án này sẽ giúp một đề thi của tỉnh hoặc trường chọn phân định được ra những câu hỏi dành cho học sinh học lực trung bình yếu, trung bình và các học sinh khá giỏi.
Nếu học sinh nào không làm đề ở trình độ cao sẽ được điểm ít, còn ai làm được tất cả thì chứng tỏ học sinh đó giỏi hơn. Điều này có thể đảm bảo được sự khách quan trong đánh giá thực lực học sinh, từ đó điểm số trong học bạ giữa các địa phương sẽ công bằng hơn”.
Ông Cao Đình Thưởng chia sẻ thêm “Theo tôi, trong giáo dục của nước ta đang có nhiều cái vướng mắc, nhất là sự luẩn quẩn về vấn đề thi cử. Hơn nữa, trong thời buổi hiện nay có thể nhận thấy, động cơ học tập khi cho con đi học mà nhiều phụ huynh đưa ra để trả lời cho câu hỏi “học để làm gì?” thì chủ yếu sẽ là “học để thi đại học!”.
Cho nên, việc này vô tình tạo ra sự khó khăn cho các cơ quan quản lý giáo dục trong việc phân luồng học sinh. Điển hình nhất có thể thấy đó là nhiều học sinh xét về thực lực thì không xứng đáng vào đại học nhưng vẫn vào đại học ầm ầm, thậm chí là có thể trúng tuyển nhiều trường một lúc.
Việc các học sinh vào đại học quá dễ sẽ dẫn đến việc, sau này đầu ra sẽ có chất lượng kém. Ngoài ra, số lượng sinh viên học xong đại học không có việc làm rất nhiều là hệ lụy của việc trường đại học mở ra tràn lan.
Hiện tại tôi thấy nhiều trường đại học chỉ cần tốt nghiệp cấp 3, đem học bạ lớp 12 đi đăng ký xét tuyển là có khả năng vào đại học rất cao như hiện nay là điều đáng báo động. Ồ ạt đào tạo, vào đại học quá dễ, trong khi nhu cầu thực tế và chất lượng đào tạo có thực sự đáp ứng được nhu cầu sử dụng xã hội. Đó là những điều khiến chúng ta không thể không lo lắng ”.