Yamaha Exciter mới có mạnh hơn nhờ công nghệ van biến thiên VVA?
Công nghệ van biến thiên VVA trên Exciter thế hệ mới trên thực tế không giúp chiếc xe mạnh hơn mà có tác dụng tối ưu hóa việc đốt nhiên liệu ở những điều kiện vận hành khác nhau.
Vừa qua, những hình ảnh được cho là thế hệ mới của dòng xe côn tay Yamaha Exciter được lan truyền trên mạng xã hội. Theo đó, chiếc Exciter thế hệ mới được lột xác gần như toàn diện từ kiểu dáng, động cơ cho đến trang bị.
Nâng cấp được mong đợi và đáng chú ý nhất trên mẫu xe côn tay này là động cơ 155 cc tích hợp công nghệ van biến thiên VVA. Động cơ tích hợp VVA cũng là chủ đề được bàn tán nhiều nhất trên mạng xã hội từ khi hình ảnh được cho là Exciter thế hệ mới xuất hiện.
Đa phần ý kiến đều ấn tượng với động cơ mới này và cho rằng sức mạnh của động cơ này sẽ "ăn đứt" đối thủ Honda Winner X. Vậy, động cơ 155 cc VVA của Yamaha có thật sự xứng đáng với những lời tán dương?
Công nghệ van biến thiên là gì?
Van biến thiên (Variable Valve Timing - VVT) không phải là công nghệ quá mới mẻ. Trên ôtô, khái niệm van biến thiên đã xuất hiện từ đầu những năm 1960 và được ứng dụng từ thập niên 1990. Trong thế giới xe 2 bánh, van biến thiên đã được trang bị trên các mẫu môtô phân khối lớn như Honda CB400 VTEC, Kawasaki Concours, Ducati Multistrada 1200, BMW R 1250 GS, Suzuki GSX-R1000...
Trên những dòng xe có dung tích dưới 175 cc, công nghệ van biến thiên vẫn còn khá mới mẻ. Hiện tại, chỉ mới có Yamaha sử dụng van biến thiên cho mẫu xe của mình. Công nghệ van biến thiên được Yamaha đặt tên là Variable Valve Actuation - VVA. Van biến thiên VVA được trang bị đầu tiên trên chiếc tay ga NVX (Aerox ở một số thị trường) ra mắt vào năm 2016.
Van biến thiên là hệ thống các bộ gối cam khác nhau hoặc những góc lệch cam khác nhau, ứng với từng dải tua máy nhất định. Các bộ gối cam dùng để thay đổi thời gian, thời điểm đóng mở xu-pap, qua đó tối ưu hóa việc nạp - xả nhiên liệu của động cơ.
Van biến thiên vận hành ra sao?
Với công nghệ này, động cơ thường có 2 bộ gối cam (bộ dành cho vòng tua cao và bộ cho vòng tua thấp) và hệ thống điều phối tự động (actuator). Khi xe vận hành, ECU sẽ xác định cường độ hoạt động của xe là thấp hay cao dựa trên các thông số tốc độ, tải trọng...
Ở cường độ thấp (dưới 6.000 vòng/phút), hệ thống van biến thiên sẽ vận hành ở chế độ bình thường, thời gian đóng mở van diễn ra nhanh, cho phép nhiên liệu và không khí vào ít. Qua đó, công suất của động cơ không được đẩy lên cao nhưng bù lại, xe tiết kiệm nhiên liệu hơn và vận hành êm ái hơn.
Khi tua máy vượt ngưỡng 6.000 vòng/phút, hệ thống điều phối tự động sẽ cài qua gối cam cao giúp kéo dài thời gian mở van nạp. Khi đó, hỗn hợp khí nạp sẽ được truyền vào nhiều hơn, giúp chiếc xe tăng khả năng đáp ứng, phát huy tối đa công suất thiết kế của động cơ.
Trước đây, đa số xe phân khối lớn đều gặp tình trạng giật, máy rung ở tua thấp. Do đó, van biến thiên được ứng dụng cho các mẫu xe phân khối lớn để tăng độ êm ái của động cơ khi vận hành ở vòng tua thấp.
Sau này, van biến thiên bắt đầu được ứng dụng vào xe phổ thông để phát huy tối đa công suất ở dải tua cao. Việc này nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều. Đa số ý kiến cho rằng việc trang bị van biến thiên cho xe phổ thông là điều không cần thiết.
Nếu nhìn nhận lại, xe phổ thông mới thật sự cần công nghệ van biến thiên. Vì hoạt động ở nhiều điều kiện, xe phổ thông như NVX hay Exciter chỉ cần đạt công suất cao nhất ở những thời điểm nhất định (tăng tốc hay vượt xe). Ở điều kiện thường, người tiêu dùng vẫn muốn chiếc xe của mình tiết kiệm nhiên liệu và vận hành êm ái. Và động cơ tích hợp van biến thiên sẽ đáp ứng được cả 2 yêu cầu này.
Như vậy, có thể tóm tắt về van biến thiên
Ở tua máy thấp:
Ưu điểm: vận hành êm ái, tiết kiệm nhiên liệu
Nhược điểm: công suất thấp
Ở tua máy cao:
Ưu điểm: đạt tối đa công suất thiết kế
Nhược điểm: hao nhiên liệu
Những lầm tưởng về van biến thiên VVA
Sau khi có thông tin Exciter thế hệ mới sử dụng động cơ van biến thiên, nhiều người cảm thấy hào hứng khi cho rằng van biến thiên sẽ giúp tăng sức mạnh cho động cơ.
Về cơ bản, van biến thiên có tác dụng tối ưu hóa việc đốt nhiên liệu của động cơ ở cả tua máy cao và tua máy thấp. Ở tua máy cao, việc đốt triệt để hỗn hợp nhiên liệu và khí sẽ giúp chiếc xe đạt tối đa công suất thiết kế. Nên chỉ có thể nói là van biến thiên giúp xe đạt công suất tối đa nhanh hơn mà không bị lãng phí nhiên liệu.
Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cho rằng khi tích hợp van biến thiên, động cơ sẽ tiêu hao nhiên liệu bằng nhau ở mọi dải vòng tua. Ý kiến này không đúng. Ở tua máy thấp, khả năng tiết kiệm nhiên liệu của động cơ có van biến thiên là điều không thể bàn cãi.
Tuy nhiên, khi xe vận hành ở tua máy cao, nhiên liệu sẽ tiêu hao nhiều hơn khi hoạt động ở tua máy thấp do kéo dài thời gian mở van nạp. Nếu so sánh với động cơ tương đồng nhưng không tích hợp van biến thiên, động cơ này sẽ tiết kiệm nhiên liệu hơn do được tối ưu quá trình đốt cháy nhiên liệu.
Trước đây, động cơ 150 cc của Exciter được đánh giá là kém hơn các đối thủ trong phân khúc như Honda Winner X hay Suzuki Raider/Satria sử dụng động cơ cam đôi DOHC. Với việc bổ sung công nghệ van biến thiên VVA, động cơ của Exciter sẽ vận hành hiệu quả hơn dù không thay đổi nhiều về sức mạnh.