Yeah1 đã tiêu 1.100 tỷ đồng huy động cách đây một năm vào đâu?
Huy động 1.100 tỷ đồng từ việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ, Yeah1 đã sử dụng nguồn vốn này thế nào khi không còn là đối tác với Youtube?
Vào giữa năm 2018, CTCP Tập đoàn Yeah1 (Mã CK: YEG) đã niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) với giá tham chiếu 250.000 đồng/cp. Tháng 8/2018, YEG đã huy động được hơn 1.100 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Đây cũng là khoảng thời gian doanh nghiệp này gây ấn tượng với nhà đầu tư về mô hình kinh doanh khá mới mà mình đang phát triển - Mạng lưới Đa kênh (Multi-channel Network — MCN).
Với mô hình MCN, YEG trở thành công ty tập hợp nhiều Youtube Partner (đối tác của Youtube), liên kết thành một mạng lưới. Bản thân YEG giữ nhiệm vụ liên hệ trực tiếp với Youtube về các vấn đề bản quyền, kinh doanh, quảng cáo, phát triển kênh... Xét theo báo cáo tài chính cuối năm 2018 của YEG, 89% doanh thu của doanh nghiệp này đến từ Youtube. Cổ phiếu YEG được đánh giá là "món lạ" ở thời điểm đó, vì giá niêm yết cao và hoạt động trong lĩnh vực mới mẻ.
Tuy nhiên, đầu tháng 3/2019, nền tảng chia sẻ video lớn nhất thế giới thông báo chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung với YEG vì doanh nghiệp vi phạm điều khoản quản lý nội dung của Youtube. Sự cố này đã buộc lòng YEG phải đa dạng hóa mô hình kinh doanh sang các lĩnh vực khác hơn.
1.100 tỷ đồng tiêu đâu?
Trở lại với số tiền hơn 1.100 tỷ đồng huy động được từ đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ trong năm 2018, YEG mới đây đã công bố tình hình sử dụng số tiền nói trên. Theo đó công ty này đã sử dụng 79% số tiền huy động được tương đương với 925,5 tỷ đồng, số tiền còn lại là 248,5 tỷ đồng.
Theo công bố từ YEG, doanh nghiệp này chủ yếu sử dụng nguồn vốn cho việc đầu tư vào đầu tư vào mảng Kỹ thuật số và các mảng có liên quan (584 tỷ đồng). Có thể thấy mảng Kỹ thuật số trong đó sản xuất nội dung giải trí vẫn luôn là lĩnh vực “sở trường” của YEG từ trước đến nay.
Ghi nhận từ các nền tảng xã hội lớn như Youtube và Facebook cho thấy, các nội dung của YEG thu hút được lượt xem khá ổn định. Tuy nhiên sự cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, giải trí đã khiến mảng kinh doanh này chưa thể cứu vãn hoạt động kinh doanh của công ty. Bên cạnh đó yêu cầu của khán giả cũng đang ngày càng cao hơn, đòi hỏi những sản phẩm độc đáo, sáng tạo cũng là thách thức cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nội dung như YEG.
Một chương trình gắn mác Yeah1 (Nguồn: Facebook)
YEG cũng đã dành một phần lớn nguồn vốn huy động được từ vụ phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho hoạt động đầu tư, góp vốn mua cổ phần của các công ty khác, và gia tăng vốn tại các công ty con, công ty đã liên kết.
Số liệu từ báo cáo tài chính quý 3/2019 của doanh nghiệp này cho thấy, đa phần các công ty liên kết với YEG hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, kỹ thuật số. Bên cạnh đó, còn có sự xuất hiện của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trò chơi điện tử.
Ngày 24/10, YEG thông báo đã thông qua việc mua 50% quyền sở hữu tại CTCP Công nghệ Truyền thông Số 1 (MediaOne); tổng giá trị tối đa của thương vụ là 138,6 tỷ đồng. MediaOne cung cấp nền tảng công nghệ cho phép người dùng tích điểm đổi quà cho các hoạt động mua sắm, sử dụng dịch vụ của mình với những đối tác của công ty. Công ty này thành lập từ năm 2006, cho biết đã đạt 128 nghìn người dùng và 13 nghìn đối tác.
Trong một thông báo khác vào ngày 30/10, YEG cho biết đã liên kết với CTCP Công nghệ Tự động Kolorlife chuyên hoạt động trong lĩnh vự buôn bán máy vi tính, linh kiện điện tử, lập trình phần mềm máy tính… Theo đó CTCP Giải trí rồng - Công ty con do YEG sở hữu đã mua lại 35% vốn của doanh nghiệp này với mức giá tầm 1,7 tỷ đồng. Nói về lĩnh vực trò chơi điện tử, YEG cũng đã đầu tư vào một Công ty CP Gamify Việt Nam 1,8 tỷ đồng cho 15% tỷ lệ sở hữu.
Khó để nhận xét trong một sớm một chiều về tiềm lực của những doanh nghiệp mà YEG quyết định đầu tư. Tuy nhiên, quả thật từ vụ "chia tay" với Youtube, YEG cũng đã gặp khá nhiều có khăn trên con đường kinh doanh của mình. Báo cáo tài chính trong 9 tháng đầu năm 2019 của doanh nghiệp cho thấy, YEG đạt 1.014 tỷ doanh thu tuy nhiên lỗ ròng hơn 230 tỷ đồng. Hiện tại, cổ phiếu của YEG trên sàn chứng khoán gần như đã chững lại và chưa có dấu hiệu phục hồi.
Ngoài ra, YEG cũng lên kế hoạch chi ra 220 tỷ đồng để mua cổ phiếu quỹ. Tuy nhiên, hiện công ty chỉ mới giải ngân được 141,713 tỷ đồng, mua được 1.774.340 cổ phiếu quỹ, với giá giao dịch bình quân là 79.748 đồng/cổ phiếu. Sau giao dịch này, số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của công ty chỉ còn hơn 29,5 triệu cổ phiếu.
Hiện tại, trong hơn 1.100 tỷ đồng huy động từ đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ năm 2018, YEG còn lại 248,5 tỷ đồng chưa giải ngân, dự chi cho các hoạt động đầu tư vào mảng Kỹ thuật số, thương mại truyền thông (liên kết góp vốn với các doanh nghiệp khác) và bổ sung vốn lưu động cho Tập đoàn và các công ty thành viên./.