Yên Bái: Chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới

Thực hiện lời dạy của Bác về giáo dục khi người lên thăm Yên Bái năm 1958, suốt 65 năm qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo Yên Bái không ngừng phát triển. Đến nay, mạng lưới trường, lớp đã được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả với quy mô 443 trường, 7.096 lớp, 229.603 học sinh mầm non, phổ thông.

Nhiều giáo viên được khen thưởng vì có thành tích xuất sắc năm học 2022 - 2023.

Nhiều giáo viên được khen thưởng vì có thành tích xuất sắc năm học 2022 - 2023.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Người luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho đội ngũ giáo viên và những người làm công tác giáo dục. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ giáo viên luôn giữ một vị trí, vai trò vô cùng quan trọng, họ là người quyết định thành công của công cuộc xây dựng và đổi mới nền giáo dục.

"Không có thầy giáo thì không có giáo dục”. Trong bài phát biểu tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (10-1964), Bác đã nói: "Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.

Trong chuyến thăm Yên Bái năm 1958, Bác Hồ đặc biệt quan tâm tới công tác giáo dục, Người nhấn mạnh: "Muốn cho dân giàu nước mạnh, mọi người phải biết chữ, có văn hóa mới làm được việc. Bộ Giáo dục sẽ cử thêm giáo viên lên giúp tỉnh để vài năm tới tỉnh xóa được nạn mù chữ”.

Ngay sau đó, Người đã ra lời kêu gọi giáo viên xung phong lên miền núi dạy học; thực hiện lời kêu gọi của Bác, hơn 800 giáo viên đã tình nguyện lên Tây Bắc, trong đó có 54 thầy cô giáo đến những nơi khó khăn nhất của Yên Bái; vượt qua khó khăn, gian khổ, các thầy cô bám bản, bám dân, ngày đêm đem ánh sáng văn hóa, tiến bộ đến với đồng bào, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội miền núi Yên Bái.

Thực hiện lời dạy của Bác, suốt chặng đường 65 năm qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo Yên Bái không ngừng phát triển. Đến nay, mạng lưới trường, lớp đã được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả với quy mô 443 trường, 7.096 lớp, 229.603 học sinh mầm non, phổ thông.

Chất lượng giáo dục có những chuyển biến tích cực; Yên Bái đã có học sinh đạt giải trong kỳ thi khu vực và quốc tế. Tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi năm 2015; phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 năm 2022, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 năm 2023. Đến nay có 326 trường đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được phát triển góp phần giữ vững phổ cập giáo dục, khắc phục tình trạng học sinh bỏ học; hướng tới phát triển giáo dục vùng cao một cách bền vững.

Cùng với sự quan tâm chăm lo toàn diện phát triển giáo dục và đào tạo, tỉnh luôn quan tâm, chăm lo, phát triển đội ngũ giáo viên. Năm học 1960 - 1961, toàn tỉnh chỉ có 200 giáo viên được đào tạo chính quy, gần 600 giáo viên dạy các lớp vỡ lòng.

Tỉnh đã mở các cơ sở đào tạo giáo viên ở Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Phù Yên, Đồng Khê, Mù Cang Chải; mở các lớp, khóa học bồi dưỡng giáo viên cấp tốc, thành lập Trường Trung cấp Sư phạm để đào tạo giáo viên cấp 1, giáo viên cấp 2 hệ 7+3; hệ thống các trường bồi dưỡng giáo viên tại các huyện...

Nhờ đó, đội ngũ giáo viên được bổ sung về số lượng, nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu tăng quy mô trường, lớp, thực hiện công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục. Đến nay, đội ngũ giáo viên của tỉnh hiện có 12.226 người, tỷ lệ đạt 84,2% so với định mức; 82,3% giáo viên đạt chuẩn trở lên, trong đó 22,1% đạt trên chuẩn.

Các thế hệ giáo viên Yên Bái đã không ngừng phấn đấu, làm theo lời Bác Hồ dạy, ra sức thi đua "Dạy tốt - Học tốt”, hết lòng vì học sinh thân yêu; vừa dạy học, vừa tham gia lao động, sản xuất, sẵn sàng lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, trong số đó có những người đã anh dũng hy sinh.

Ghi nhận công lao của lớp lớp giáo viên Yên Bái, nhiều thầy cô giáo đã vinh dự được nhận các danh hiệu và phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trao tặng; tiêu biểu có 1 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, 1 nhà giáo được đề nghị Chủ tịch Nước tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân; 87 nhà giáo được trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Trong quá trình công tác, nhiều thầy cô giáo đã nỗ lực phấn đấu, rèn luyện và được giao những trọng trách ở các cơ quan trung ương, tỉnh và các địa phương.

Xác định, đội ngũ nhà giáo là lực lượng tri thức nòng cốt trong giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Trước yêu cầu đổi mới và xu thế hội nhập, phát triển hiện nay, tỉnh Yên Bái đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

Giai đoạn 2021 - 2025 này, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 21 về phát triển nguồn nhân lực, Nghị quyết số 22 về các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục; HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành một số nghị quyết, đề án phát triển giáo dục và đào tạo, trong đó quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên.

Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định chế độ chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo đối với nhà giáo; ban hành chính sách thu hút giáo viên là sinh viên giỏi về công tác tại trường chuyên, thu hút giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học đến công tác tại địa bàn vùng cao, vùng khó khăn; từ năm 2021 đến nay, đã thực hiện tuyển dụng được 627 giáo viên bổ sung cho các cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, công tác xây dựng đội ngũ còn gặp nhiều khó khăn do thiếu giáo viên; thiếu nguồn tuyển dụng, nhất là môn Tiếng Anh; các chính sách thu hút chưa đủ mạnh để thu hút sinh viên sư phạm các tỉnh ngoài về công tác tại Yên Bái.

Trong thời gian tới, để thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng các cấp, ngành giáo dục tỉnh Yên Bái đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng đội ngũ. Trong đó, tập trung tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29 của Đảng; Nghị quyết số 22 của Tỉnh ủy nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về giáo dục, về xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Cuộc vận động "Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, cùng với các Phong trào thi đua "Thầy cô thay đổi vì trường học hạnh phúc”, "Hai tốt”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thi đua, khen thưởng; xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa trong toàn ngành.

Cùng với đó, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo về cơ cấu, có phẩm chất đạo đức tốt, giỏi về chuyên môn, tâm huyết với nghề, yêu trẻ, gắn bó với trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Tạo điều kiện để giáo viên được cống hiến, được đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng chính sách đảm bảo đời sống cho giáo viên; chính sách thu hút giáo viên giỏi, giáo viên đến công tác ở vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.

Thanh Nguyễn

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/45/304123/yen-bai-cham-lo-xay-dung-nang-cao-chat-luong-doi-ngu-giao-vien-dap-ung-yeu-cau-doi-moi.aspx