Yên Bái đảm bảo bữa ăn cho học sinh nội trú, bán trú mùa rét

Thời điểm này, nhiệt độ tại các vùng cao của tỉnh giảm sâu, các trường nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã chủ động phương án phòng, chống rét cho học sinh, chuẩn bị những bữa ăn ấm nóng, đủ chất, để đảm bảo công tác dạy và học trong các nhà trường.

Bữa cơm chiều của các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.

Bữa cơm chiều của các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.

>> Người dân Yên Bái đón giá rét đầu mùa

Bữa ăn trưa của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học (PTDTBT TH) Lao Chải, huyện Mù Cang Chải có đủ 4 món: mặn, xào, canh, cơm đủ chất, giúp trẻ ngon miệng. Năm học này, nhà trường có 582 học sinh, trong đó 453 học sinh bán trú, hầu hết là người Mông. Để bảo vệ sức khỏe cho học sinh, cùng với các biện pháp giữ ấm, nhà trường luôn tìm các giải pháp tối ưu đảm bảo khẩu phần ăn cho học sinh bán trú. Em Giàng A Đông, lớp 4A3 vui vẻ cho biết: "Ở trường, em được ăn cơm ấm nóng, rất ngon miệng, cũng rất no”.

"Theo Nghị quyết 38 của HĐND tỉnh, mỗi học sinh bán trú ăn trưa tại trường được hỗ trợ 150.000 đồng/tháng, chia đều cho các ngày học trong tuần, từ thứ Hai đến thứ Năm. Học sinh bán trú được hưởng theo quy định tại Nghị định số 116/2016 của HĐND tỉnh là 720 nghìn đồng/tháng. Như vậy, trung bình bữa sáng các em được ăn 3.500 đồng, trưa 9.400 đồng, chiều 11.100 đồng. Để trẻ ăn ngon miệng, đủ chất, nhà trường thay đổi thực đơn từng ngày, chú trọng đảm bảo thức ăn ấm nóng và an toàn thực phẩm, đủ hàm lượng dinh dưỡng và luôn công khai, minh bạch, đảm bảo suất ăn đúng định mức, khẩu phần theo chế độ” - thầy Đào Trọng Giáp, Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH Lao Chải cho hay.

Thực đơn ngày 28/12/2023 của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.

Năm học 2023 - 2024, huyện Mù Cang Chải có trên 22 nghìn học sinh, trong đó có 12 nghìn học sinh bán trú ở 21 trường nội trú, bán trú. Là huyện vùng cao nên ngay trong đợt rét đậm đầu tiên của mùa đông năm nay, nhiệt độ trên địa bàn đã xuống phổ biến ở mức 4-5 độ C, có lúc xuống dưới 2 độ C và xuất hiện băng giá ở nhiều nơi. Dự báo tình trạng này còn tiếp diễn do sẽ còn nhiều đợt không khí lạnh tăng cường, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện có công văn chỉ đạo về phòng, chống rét đậm, rét hại, bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh tới các địa phương, trường học trên địa bàn, trong đó có nội dung về đảm bảo khẩu phần dinh dưỡng cho học sinh.

Trường Mầm non Bông Sen, huyện Trạm Tấu có 5 điểm trường, có điểm lẻ cách xa trung tâm xã tới 15km. Năm học 2023 - 2024, Trường có 12 nhóm lớp với trên 400 cháu, chủ yếu là con em dân tộc Mông. Năm học này, chỉ có trên 200 cháu ở điểm trường chính và điểm trường Pá Khoang được ăn bữa trưa do nhà trường tổ chức nấu, còn lại do hoàn cảnh của phụ huynh khó khăn nên các con phải mang cặp lồng cơm đến lớp ăn trưa.

Bữa cơm trưa của trẻ Trường Mầm non Bông Sen, huyện Trạm Tấu.

Cô giáo Lê Thị Bích Lan, Hiệu trưởng Mầm non Bông Sen cho biết: "Do địa hình vùng núi cao, mùa đông trời rất lạnh nên nhà trường chú trọng bữa ăn cho trẻ đủ dinh dưỡng, thay đổi thực đơn mỗi ngày, cho các con ăn đủ định lượng để đảm bảo sức khỏe; thức ăn, nước uống luôn đảm bảo ấm nóng".

"Theo Nghị quyết số 38 của HĐND tỉnh, hiện nay mỗi trẻ mầm non được hỗ trợ ăn trưa 160.000 đồng/tháng. Riêng đối với nhà trẻ, theo định mức của Dự án cơm vùng cao là 7.200 đồng/ngày. Nhà trường tổ chức nấu bữa trưa cho trẻ, đảm bảo công khai, minh bạch, suất ăn đúng định mức, khẩu phần theo chế độ”- cô Hà Thị Kim Thanh phụ trách công tác bán trú nhà trường cho hay.

Ngoài việc giáo viên chủ động trải xốp, đệm trong lớp học và che chắn phòng học đảm bảo kín gió, nhà trường chỉ đạo giáo viên các lớp đón trẻ muộn hơn 15 phút so với mùa hè và hạn chế tổ chức các hoạt động ngoài trời. Đối với các cháu ở điểm lẻ mang cơm cặp lồng, để đảm bảo các cháu có cơm nóng, các cô giáo đã vận động phụ huynh sắm cặp lồng giữ ấm, có thể mang thêm rau đến lớp, khi đến bữa các cô nấu thêm canh nóng cho các cháu chan cơm.

Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh Yên Bái có 442 trường mầm non và giáo dục phổ thông với quy mô hơn 7.100 nhóm lớp, trên 230 nghìn học sinh; trong đó, có hơn 100.000 học sinh ăn từ 1 đến 3 bữa/ngày tại trường, chủ yếu là học sinh mầm non, học sinh bán trú, nội trú.

Theo bà Nguyễn Thu Hương - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, thời gian qua, ngành giáo dục đã triển khai đồng bộ các giải pháp để chăm sóc sức khỏe cho học sinh, nhất là trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bếp ăn theo quy định, công khai, minh bạch bữa ăn hàng ngày của học sinh, đảm bảo suất ăn đúng định mức, khẩu phần theo chế độ.

Đặc biệt, ngày 26/12, thực hiện Công văn số 4408 của UBND tỉnh về thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường, bảo đảm các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và học tập cho trẻ em mầm non, học sinh nội trú, bán trú, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có văn bản hướng dẫn các phòng GD&ĐT, các trường học thực hiện đảm bảo chế độ chính sách đối với giáo dục dân tộc, chính sách cho người dạy, người học tại trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), PTDT bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú, các trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Các cơ sở giáo dục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về chế độ, chính sách đối với các cơ sở giáo dục, người dạy, người học, nhất là kiểm tra, giảm sát quá trình tiếp nhận, phân phối, quản lý, bảo quản thực phẩm và công tác tổ chức nấu ăn cho học sinh nội trú, bán trú, kịp thời phát hiện những sai phạm và có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân vi phạm.

Minh Huyền

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/45/306185/yen-bai-dam-bao-bua-an-cho-hoc-sinh-noi-tru-ban-tru-mua-ret.aspx