Yên Bái đổi mới sáng tạo, nâng những ước mơ xa

Là tỉnh miền núi khu vực Tây Bắc, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, song với tinh thần chủ động, đổi mới, Đảng bộ và đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái đã phát huy tinh thần đoàn kết, khơi thông nguồn lực, năng động, sáng tạo, khai thác tiềm năng, lợi thế giành được nhiều thành tựu nổi bật, toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội.

 Yên Bái phát triển du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn, trở thành ngành kinh tế quan trọng.

Yên Bái phát triển du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn, trở thành ngành kinh tế quan trọng.

Tăng trưởng kinh tế - xã hội, nâng cao chỉ số hạnh phúc

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái đạt nhiều kết quả khả quan, toàn diện.

Giai đoạn 2021-2023, kinh tế tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,11%; năm 2022 đạt 8,62%; năm 2023 đạt 6%; bình quân từ đầu nhiệm kỳ tốc độ tăng trưởng đạt 7,28%/năm. Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) hiệu quả, bền vững. Tỉnh là điểm sáng của khu vực miền núi phía bắc với 106/150 xã đạt chuẩn NTM, 90,6% chỉ tiêu Nghị quyết, vượt chỉ tiêu đến năm 2025 Thủ tướng Chính phủ giao cho cả khu vực miền núi phía bắc (60%); 13 xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM; 36 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 4/9 đơn vị hành chính cấp huyện đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Tỉnh Yên Bái đưa “chỉ số hạnh phúc” vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. Đây là một chỉ tiêu mang tính đặc trưng, riêng có của Yên Bái nhằm xác định mức độ hài lòng của người dân trên 3 tiêu chí chính: (1) Sự hài lòng về cuộc sống, bao gồm: Các yếu tố liên quan đến điều kiện sống, việc làm, thu nhập, quan hệ gia đình, quan hệ xã hội; quan hệ với chính quyền…; (2) Sự hài lòng về môi trường sống, bao gồm: Sự quan tâm của chính quyền trong xây dựng cảnh quan đô thị, làng xã; giữ gìn môi trường sinh thái, việc bảo vệ môi trường nước và xử lý nước thải, rác thải; việc bảo vệ rừng và môi trường cây xanh...; (3) Đánh giá về tuổi thọ trung bình và số năm sống khỏe của người dân.

Sau gần một nhiệm kỳ triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ, kết quả khảo sát chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái năm 2023 đạt 65,62%, vượt 2,32% so với kế hoạch (kế hoạch là 63,3%). Yên Bái phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ chỉ số hạnh phúc của người dân tăng 15% so với đầu nhiệm kỳ (năm 2020 là 53,3%, ở mức khá hạnh phúc).

Để có được những thành công trên, BCH Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã kịp thời cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh thành các nghị quyết, chương trình, đề án, chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhằm sớm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống. Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt bằng những giải pháp đồng bộ, hiệu quả; kiên định về quan điểm, mục tiêu, đồng thời linh hoạt điều chỉnh các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn trong từng giai đoạn để đạt được mục tiêu đã đề ra.

Bên cạnh đó, việc thực hiện “Giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm” đối với từng cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị; đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương, tinh thần “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm” của cán bộ, đảng viên đã tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị. Đồng thời, chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa, con người Yên Bái; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên là tiền đề để Yên Bái vươn lên thực hiện những mục tiêu đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ.

Khai thác tiềm năng, khơi thông nguồn lực

Xác định mọi chủ trương, đường lối, sự lãnh đạo, chỉ đạo đều hướng tới mục đích là nâng cao đời sống cho người dân. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy Yên Bái xác định phát huy mạnh mẽ nội lực, kết hợp với huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội, sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, trở thành động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế là trung tâm, Yên Bái tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế, tận dụng thành tựu CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, tăng cường quốc phòng, an ninh; chỉ đạo các ngành, địa phương cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có lợi thế.

Về nông nghiệp, định hướng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, chuyển dịch mạnh từ sản xuất lấy số lượng, sản lượng sang nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng của sản phẩm và bảo đảm an ninh lương thực. Về công nghiệp, phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả, thân thiện với môi trường, coi đây là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Tích cực đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, logistic; khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn, công nghệ hiện đại, sử dụng nhiều lao động, thân thiện với môi trường.

Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, mang hình ảnh, thương hiệu “Yên Bái - nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc”, “điểm đến an toàn, thân thiện, đặc sắc, hấp dẫn, ấn tượng”. Đồng thời, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, điện, công nghệ thông tin...

Để hướng tới mục tiêu xây dựng Yên Bái “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, Tỉnh ủy Yên Bái ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 20-1-2021 về phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng NTM bền vững giai đoạn 2021-2025, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp để phát triển các sản phẩm có giá trị cao, tích hợp các giá trị văn hóa, xã hội và môi trường vào sản phẩm, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của thị trường, gắn với phát triển du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Các chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp cơ bản đạt và vượt so với kế hoạch. Đến nay, tỉnh Yên Bái đã hình thành các vùng sản xuất tập trung và đặc sản hữu cơ như: Vùng quế trên 81.000ha, sơn tra gần 10.000ha, cây ăn quả gần 10.000ha, dâu tằm trên 1.000ha, diện tích rừng trồng nguyên liệu trên 90.000ha, tre măng Bát Độ trên 5.400ha... Các sản phẩm đặc sản như: Nếp Tú Lệ 100ha, chè Shan hữu cơ Văn Chấn và Trạm Tấu 1.200ha, dược liệu trên 3.900ha. Nhiều sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ; đánh giá và cấp mã số vùng trồng cho các sản phẩm chủ lực và cấp chứng chỉ rừng bền vững, chứng nhận sở hữu cho 18.421ha rừng…

Với định hướng phát triển công nghiệp, Yên Bái thực hiện 4 trụ cột chiến lược làm định hướng, kim chỉ nam đó là: Chính quyền kiến tạo; dân trí nâng cao; môi trường bền vững; hạ tầng thông minh. Đối với trụ cột chính quyền kiến tạo, chính quyền chuyển từ “chèo đò” sang “lái đò”, với quan điểm Nhà nước chỉ làm những gì mà khu vực tư nhân không làm được hoặc không được làm; cung ứng “hàng hóa công” - hàng hóa thị trường không cung ứng hay cung ứng không đầy đủ; cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công chức, ưu tiên tập trung nâng cao chỉ số PCI, PAPI, ICT, SAPI; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức bảo đảm chất lượng theo hướng chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức và năng lực công tác, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân…

Đồng thời, chú trọng việc lựa chọn, bố trí cán bộ có năng lực, tâm huyết để thực hiện nhiệm vụ liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ. Kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, tham nhũng, tiêu cực và gây phiền hà, phấn đấu nâng chỉ số hạnh phúc của người dân.

Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc

Là tỉnh cửa ngõ vùng Tây Bắc, Yên Bái nằm ở trung điểm của hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có mạng lưới giao thông đa dạng, kết nối liên hoàn, với nhiều phong cảnh đẹp và hùng vĩ như: Di tích quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải, đỉnh Tà Xùa, đèo Khau Phạ, hồ Thác Bà, cánh đồng Mường Lò... cùng nhiều di tích văn hóa, lịch sử lâu đời, văn hóa ẩm thực của các dân tộc và kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng, giàu bản sắc như múa khèn, hát giao duyên… Đặc biệt, nghệ thuật xòe Thái được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Yên Bái định hướng phát triển kết hợp nông nghiệp với du lịch trải nghiệm cộng đồng, xúc tiến quảng bá các sản phẩm OCOP tiêu biểu, đặc trưng vùng, miền trên cơ sở phát huy các giá trị vô giá từ nguồn tài nguyên bản địa phong phú. Gửi gắm thông điệp “hội tụ giá trị, lan tỏa văn hóa”. Mỗi sản phẩm nông nghiệp, mỗi dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn đều được chuyển tải câu chuyện kể khơi gợi cảm xúc từ hồn đất, hồn núi, hồn rừng, hồn người, nét đẹp văn hóa đặc sắc riêng có.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, sản xuất an toàn, sạch, hữu cơ, xanh, đặc sản... cần có sự tham gia tích cực của người nông dân, của đồng bào dân tộc thiểu số, của cộng đồng dân cư với vai trò chủ thể. Thời gian qua, Yên Bái đã dành nhiều nguồn lực hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thông qua bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng quản trị kinh doanh dịch vụ du lịch, marketing du lịch; kỹ năng lễ tân, phục vụ du lịch cộng đồng… Thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn đã khuyến khích người nông dân tham gia vào các mô hình liên kết, hợp tác, các thiết chế cố kết cộng đồng dân cư. Người nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư cùng nhau làm du lịch nông nghiệp - nông thôn; cùng nhau khôi phục làng nghề truyền thống, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, tài nguyên bản địa.

Có thể thấy, cách thức mà Yên Bái triển khai thực hiện để xây dựng hình ảnh và điểm đến đặc thù “Yên Bái - Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc” là kết hợp di sản, danh lam thắng cảnh cùng với các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đặc biệt là huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, động lực cho phát triển.

Từ một địa phương thuộc nhóm nghèo, Yên Bái đã và đang vươn lên trở thành một trong những tỉnh phát triển năng động của vùng trung du miền núi phía bắc. Mục tiêu đến năm 2030 nằm trong nhóm 5 tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển toàn diện, bền vững, xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc; thuộc nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, là hình mẫu phát triển xanh của vùng và cả nước.

Thực tiễn chuyển mình, vươn lên của Yên Bái đã minh chứng chủ trương, đường hướng phát triển đều được bắt nguồn từ thực tiễn cuộc sống để lựa chọn mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi nhằm thực hiện ước mơ, khát vọng vì Nhân dân đều có thể trở thành hiện thực.

TS. Đỗ Khánh Chi / Trường Đại học PHENIKAA

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/nghi-quyet-va-cuoc-song/yen-bai-doi-moi-sang-tao-nang-nhung-uoc-mo-xa-22468