Yên Bái dự Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40- CT/TW về tín dụng chính sách xã hội
Chiều 14/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH). Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái có đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo HĐND, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh, thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) cấp huyện, lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh…
Cả nước có hơn 21 triệu hộ được vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế
Theo thông tin tại Hội nghị, trong 10 năm, cả nước đã có hơn 21 triệu hộ được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh. Qua đó, giúp hơn 3,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 4,2 triệu lao động vay vốn tạo việc làm; xây dựng hơn 13,2 triệu công trình cung cấp nước sạch, vệ sinh, môi trường đến với người dân vùng nông thôn; hơn 610.000 học sinh, sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập; hơn 193.000 căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách và hơn 1,2 triệu lượt lao động được doanh nghiệp vay vốn trả lương do ảnh hưởng đại dịch COVID-19…
Mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn cho Nhà nước được bảo đảm, chất lượng tín dụng chính sách xã hội được nâng cao. Tỉ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh giảm từ 0,93%/tổng dư nợ (khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW) xuống còn 0,56%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,22%/tổng dư nợ (tính đến thời điểm 31/7/2024).
Kết quả đạt được trong 10 năm qua đã khẳng định Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW là giải pháp đúng đắn, phù hợp, thiết thực, mang tính đột phá trong chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, qua đó, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp, các ngành và đông đảo mọi tầng lớp nhân dân; sự đánh giá cao của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế, góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước đề ra.
Yên Bái: Vốn ủy thác từ ngân sách cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách cao gấp 17 lần sau 10 năm
Đối với tỉnh Yên Bái, từ khi có Chỉ thị số 40, đặc biệt là Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, chính quyền địa phương đã quan tâm chuyển nguồn vốn ủy thác từ ngân sách để cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách cao gấp 17 lần so với giai đoạn 2003 - 2013. Tỷ trọng nguồn vốn huy động tại địa phương tăng từ 3,5% lên 9,9%, đã tạo điều kiện cho ngân hàng chủ động hơn trong việc giải ngân vốn vay.
Đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt gần 5.300 tỷ đồng, tăng trên 3.500 tỷ đồng so với năm 2014. Cơ cấu nguồn vốn đã có sự chuyển dịch tích cực, tăng dần nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH, nguồn vốn huy động từ thị trường được cấp bù lãi suất.
10 năm qua, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã cho vay trên 231.000 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách với doanh số 9.308 tỷ đồng. Đến nay, Ngân hàng quản lý hơn 86 nghìn khách hàng, dư nợ trên 5.100 tỷ đồng với tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,1% tổng dư nợ. Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về vai trò, hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội đối với việc hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia; những giải pháp tăng cường nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương; hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Tín dụng chính sách trở thành "điểm sáng", "trụ cột" trong hệ thống chính sách giảm nghèo
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình xây dựng đất nước là phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, mọi người dân đều được thụ hưởng trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội; không "hy sinh" tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần với tinh thần "tất cả cùng phát triển", "không ai bị bỏ lại phía sau", cùng chia sẻ, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển. Việc kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, hạn chế phân hóa giàu nghèo, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước.
Theo Thủ tướng, với những kết quả đạt được sau một thập kỷ cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc, tín dụng CSXH đã trở thành một "điểm sáng" và là một "trụ cột" trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là người nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội.
Ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, Ngân hàng CSXH trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Thủ tướng cũng đề nghị các cấp, các ngành trong thời gian tới tiếp tục chỉ đạo triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ về tín dụng CSXH trong tình hình mới. Hàng năm, các địa phương bố trí cân đối, ưu tiên ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác qua ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn cho vay; thực hiện tốt việc điều tra, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình và các đối tượng được thụ hưởng các chính sách tín dụng khác làm cơ sở để ngân hàng CSXH thực hiện cho vay; kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay; chỉ đạo xây dựng chương trình, lồng ghép các mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới của địa phương với nguồn vốn tín dụng CSXH...