Yên Bái: Hiệu quả mô hình vỗ béo bò và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học

Thực hiện hợp đồng số 11.2.21/2021/HĐ-KN ngày 4 tháng 6 năm 2021 giữa Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái về việc thực hiện Dự án Khuyến nông Trung ương giai đoạn 2021-2023 'Xây dựng mô hình vỗ béo bò thịt và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học'.

Các hộ thực hiện mô hình nhận thức ăn được hỗ trợ.

Các hộ thực hiện mô hình nhận thức ăn được hỗ trợ.

Năm 2023 Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái đã triển khai mô hình vỗ béo bò và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học tại xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải với quy mô 62 con cho 20 hộ tham gia; tại xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu với quy mô 61 con cho 20 hộ tham gia.

Các hộ tham gia mô hình được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 100% các loại vật tư gồm thuốc tẩy nội (1 liều/con), ngoại ký sinh trùng (1 liều/con), lượng thức ăn hỗn hợp (270 kg/con) đảm bảo độ đạm là 16%, chế phẩm sinh học xử lý chất thải (0,75 lít/con).

Đồng thời, các hộ tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật về vỗ béo bò thịt và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học và thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn thực hiện theo đúng các biện pháp kỹ thuật của mô hình, ghi chép đầy đủ số liệu theo dõi để đánh giá khả năng tăng trọng của bò trong từng khung trọng lượng/tháng.

Tại các lớp tập huấn, các hộ tham gia mô hình được các cán bộ kỹ thuật tập huấn về các nội dung chủ yếu: công tác giống trong chăn nuôi bò thịt, kỹ thuật chọn bò đưa vào vỗ béo cho hiệu quả cao; sản suất và chế biến một số loại thức ăn chăn nuôi, bổ sung cho nuôi vỗ béo bò; kỹ thuật nuôi vỗ béo bò thịt; công tác thú y, vệ sinh thú y trong nuôi vỗ béo bò; các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi; kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học; công tác quản lý đàn bò và cách tính hiệu quả kinh tế.

Với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò thịt tăng giá trị thu nhập cho các hộ chăn nuôi, tạo sản phẩm an toàn cho cộng đồng, các hộ tham gia mô hình được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học không những hạn chế được ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi tạo ra, mà còn đem lại nguồn phân hữu cơ tự nhiên bón cho cây trồng.

Sau 6 tháng triển khai thực hiện mô hình Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng thành công mô hình vỗ béo bò thịt, xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học với 2 điểm trình diễn, quy mô 123 bò được vỗ béo với 40 hộ tham gia/2 xã.

Tăng trọng bình quân bò loại thải vỗ béo tại xã La Pán Tẩn là 775 gam/con/ngày; tăng trọng bình quân bò thịt vỗ béo là 877gam/con/ngày (trung bình cả 2 loại bò tăng 826gam/con/ngày) và hiệu quả kinh tế đối với bò loại thải vỗ béo tăng 22,7%; đối với bò thịt vỗ béo tăng 28,9% (trung bình cả 2 loại bò tăng trọng là 25,8% so với hộ ngoài mô hình); tại xã Trạm Tấu là 779 gam/con/ngày, tăng trọng bình quân bò thịt vỗ béo là 874 gam/con/ngày (trung bình cả 2 loại bò tăng 826 gam/con/ngày) hiệu quả kinh tế đối với bò loại thải vỗ béo tăng 23,7%; đối với bò thịt vỗ béo tăng 28,3% (trung bình cả 2 loại bò tăng trọng là 26% so với hộ ngoài mô hình).

Lợi nhuận thu được từ 1 con bò sau khi trừ chi phí thức ăn, thuốc thú y (chưa tính công lao động) lãi trên 3 triệu đồng so với nuôi thông thường, tăng trung bình 25,9% so với nuôi đại trà và đã nhân rộng thêm 13 hộ tham gia quy mô là 30 con/2 xã.

Về đào tạo, tập huấn ngoài mô hình, đã đào tạo 60 nông dân ngoài mô hình của xã Cao Phạ, Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải; xã Làng Nhì, Phình Hồ, Pú Hu, huyện Trạm Tấu. Các học viên được tập huấn những kiến thức cơ bản về kỹ thuật vỗ béo bò thịt, xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học. Kết quả các lớp đào tạo, tập huấn đạt 100% so với kế hoạch, có 90% học viên đạt tỷ lệ khá, giỏi.

Các lớp đào tạo được học viên, chính quyền địa phương tiếp thu, đánh giá cao. Về xử lý chất thải chăn nuôi: 40/40 hộ tham gia mô hình đã xử lý tốt các chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học; đồng thời, tuyên truyền các hộ dân trên thôn, bản cùng thu gom và xử lý làm nguồn phân bón cho cây trồng...

Mô hình đã hoàn thành mục tiêu đề ra, thực hiện đúng tiến độ; phù hợp với nhu cầu, tình hình thực tế, điều kiện chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và có khả năng nhân rộng trong thời gian tới.

Ngô Đăng Sỹ ( Trung tâm Khuyến nông tỉnh)

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/28/301719/yen-bai-hieu-qua-mo-hinh-vo-beo-bo-va-xu-ly-chat-thai-chan-nuoi-bang-che-pham-sinh-hoc.aspx