Yên Bái khẳng định vai trò kinh tế tập thể trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác đã khắc phục được những hạn chế trong sản xuất và thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho người dân vùng cao.

Người lao động tại HTX Sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu Mù Cang Chải thực hiện quy trình sản xuất nấm.

Người lao động tại HTX Sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu Mù Cang Chải thực hiện quy trình sản xuất nấm.

Nậm Khắt là xã còn nhiều khó khăn của huyện Mù Cang Chải. Đời sống bà con nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp, trong đó cây trồng chủ lực vẫn là lúa, ngô. Sau một thời gian tìm hiểu, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu Mù Cang Chải đã đưa cây cải mầm đá vào trồng.

Ông Nguyễn Hoàng Anh - Giám đốc HTX Sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu Mù Cang Chải cho biết: "Qua nghiên cứu, HTX nhận thấy khí hậu ở Mù Cang Chải rất giống với huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai nên đã quyết định đầu tư trồng thử nghiệm giống rau cải mầm đá với mong muốn cung cấp ra thị trường sản phẩm chất lượng để dần thay thế sản phẩm rau nhập từ Trung Quốc. Chúng tôi đã thành công trong vụ đầu tiên, sản lượng thu hoạch đạt khoảng 30 tấn/ha, doanh thu đạt khoảng 300 triệu đồng/ha. Sản phẩm chủ yếu xuất bán cho các trường học trên địa bàn huyện và tỉnh Sơn La, thành phố Hà Nội với giá bán từ 25.000 - 30.000 đồng/kg”.

Không những đem lại lợi nhuận, khi HTX Sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu Mù Cang Chải về đầu tư sản xuất tại xã Nậm Khắt còn giải quyết được việc làm thường xuyên cho một bộ phận người dân bản địa. HTX thuê lao động tại địa phương từ 8 - 10 người làm thường xuyên với ngày công bình quân đạt 130.000 đồng/người. Chị Hảng Thị Sú phấn khởi chia sẻ: "Mình vui lắm, vào làm ở HTX có nhiều tiền hơn, không như ở nhà trồng lúa. Cả hai vợ chồng mình đều làm ở đây, mỗi tháng cũng được 10 triệu đồng”.

Hay như HTX Dịch vụ nông - lâm nghiệp tổng hợp Công Tâm, huyện Văn Yên ngay từ những ngày đầu thành lập, bằng sự chủ động, linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh gắn với khai thác thế mạnh của địa phương, HTX đã giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc Dao tại 8 xã trồng quế trọng điểm của huyện.

Sau 16 năm hoạt động, HTX Công Tâm không ngừng mở rộng cả về quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu với số vốn lên đến hàng chục tỷ đồng. Hiện nay, hợp tác xã có 10 thành viên chính thức với mức thu nhập ổn định từ 8-10 triệu đồng/người/tháng và hơn 100 thành viên liên kết với tổng diện tích trồng quế là 500 ha, sản lượng ước đạt từ 2.500 - 3.000 tấn quế tươi/năm.

Còn HTX Lũng Lô nằm trên địa bàn xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn thành lập năm 2018 với ngành nghề kinh doanh chính là trồng dược liệu. Đến nay, HTX đã trồng 15 ha cây dược liệu như: đương quy, hoài sơn, sâm bố chính, hy thiêm cùng một số loại cây dược liệu khác và dự kiến mở rộng diện tích lên gần 20 ha. Đến nay, tổng vốn hoạt động của HTX là 10 tỷ đồng, thu hút, tạo việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động và khoảng 40 lao động thời vụ với mức thu nhập bình quân từ 5 - 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Theo thống kê, hiện tỉnh có 728 HTX, trong đó: lĩnh vực nông nghiệp có 422 HTX, 107 HTX thuộc lĩnh vực công nghiệp, 12 HTX vận tải, 151 HTX thương mại dịch vụ, 18 HTX xây dựng và 17 quỹ tín dụng nhân dân với gần 32.000 thành viên, doanh thu bình quân mỗi HTX đạt 2,1 tỷ đồng; lợi nhuận bình quân 450 triệu đồng/HTX; số lao động thường xuyên trong HTX là trên 9.600 người, thu nhập bình quân đạt 5,3 triệu đồng/người/tháng. Đa phần các HTX đã phát huy vai trò thu hút hội viên nhằm chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, đầu ra cho sản phẩm, nhờ đố đã có những đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế của các địa phương.

Ông Đỗ Nhân Đạo - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh khẳng định: "Thời gian qua, các mô hình kinh tế tập thể (KTTT) trên địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh có bước phát triển vững chắc, khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong chiến lược phát triển kinh tế của địa phương. Trong đó, mô hình tổ hợp tác, HTX đã khắc phục được những hạn chế trong sản xuất, như: sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả kinh tế cũng như chất lượng sản phẩm nông nghiệp thấp. Qua các mô hình HTX đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho người dân vùng cao. Đồng thời tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên, người lao động, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Phát huy những kết quả đạt được, để tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực KTTT nói chung và vùng đồng bào DTTS nói riêng, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế hợp tác; tăng cường công tác quản lý nhà nước về KTTT; đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn; thành lập mới và duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp đang hoạt động hiệu quả; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển HTX; xây dựng và nhân rộng mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững...

Hồng Duyên

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/318157/yen-bai-khang-dinh-vai-tro-kinh-te-tap-the-tr111ng-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so.aspx