Yên Bái: Khoa học - công nghệ tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp, sản phẩm chủ lực
Việc ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đã tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, mang đặc thù của địa phương, có sức cạnh tranh trên thị trường...
Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tận dụng tối đa diện tích để đạt hiệu quả kinh tế cao, phát triển theo hướng an toàn sinh học, bền vững đang là hướng đi của nhiều mô hình trên địa bàn xã Yên Hợp, huyện Văn Yên.
Trước đây, gia đình chị Bùi Thị Quỳnh, thôn Yên Hòa, xã Yên Hợp, huyện Văn Yên phát triển kinh tế tổng hợp chăn nuôi lợn, gà, làm vườn ươm quế song hiệu quả kinh tế mang lại chưa như mong muốn. Nhận thấy nhu cầu về rau sạch của người tiêu dùng ngày càng cao, năm 2018, chị đã tham gia các lớp tập huấn, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến để chuyển đổi sang mô hình trồng rau an toàn.
Chị Quỳnh cho biết: "Trên diện tích đất nông nghiệp 1.500 m2 sẵn có, gia đình tôi đã đầu tư hơn 700 triệu xây dựng nhà lưới để trồng các loại rau, dưa, cà chua. Mặc dù chi phí ban đầu cao hơn so với cách sản xuất truyền thống, nhưng phương thức này có những ưu điểm vượt trội, đó là hạn chế sự tác động tiêu cực của các yếu tố tự nhiên, cây trồng khỏe mạnh, ít bị hư hỏng, phát triển nhanh, ít sử dụng phân bón và hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Cung cấp rau cho hệ thống cửa hàng OCOP trên địa bàn tỉnh và người dân tại địa phương, mỗi năm gia đình có thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng”.
Tính từ năm 2020 đến năm 2023, tỉnh Yên Bái đã chi 90,9 tỷ đồng cho hoạt động khoa học - công nghệ, trung bình từ 22-23 tỉ đồng mỗi năm; chi cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ 71,7 tỷ đồng
Từ năm 2020 đến hết năm 2022, đã có 85 nhiệm vụ khoa học và công nghệ được triển khai thực hiện và nghiệm thu (năm 2020 là 49 nhiệm vụ gồm cả các nhiệm vụ chuyển tiếp từ năm trước, năm 2021 là 23 nhiệm vụ, năm 2022 là 13 nhiệm vụ).
Trong các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, tỉnh Yên Bái luôn ưu tiên cho việc triển khai các nhiệm vụ trong lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp, chiếm 60-65% tổng số nhiệm vụ.
Theo đó, cùng với đưa các giống mới vào sản xuất, người dân đã tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, máy móc hiện đại, đẩy nhanh cơ giới hóa vừa góp phần giải phóng sức lao động, vừa bảo đảm thời vụ, tăng năng suất và giảm tổn thất sau thu hoạch. Nhiều địa phương đã xây dựng và áp dụng có hiệu quả các quy trình thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP đối với nhiều loại cây trồng. Toàn tỉnh hiện có 136 máy gặt đập liên hợp, 350 máy thu hoạch.
Giai đoạn 2021 - 2023, UBND tỉnh phê duyệt triển khai 17 nhiệm vụ khoa học xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, chủ lực, thế mạnh của các địa phương trong tỉnh. Mục đích nhằm xây dựng thương hiệu, giúp nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp, từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị.
Đến nay, tỉnh có 44 sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ, trong đó: 10 chỉ dẫn địa lý, 21 nhãn hiệu chứng nhận và 13 nhãn hiệu tập thể.
Đơn cử, thời gian qua, huyện Văn Chấn luôn nỗ lực xây dựng thương hiệu, tạo chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm chè Shan tuyết đặc sản của địa phương và đến cuối năm 2022,"Chè Shan tuyết Suối Giàng” được cấp giấy chứng nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn Đặng Duy Hiển cho biết: "Việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý chè Shan tuyết Suối Giàng nhằm quản lý tốt hơn chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Qua đó, sản phẩm chè Suối Giàng sẽ tiếp tục khẳng định vị thế, hình ảnh, giá trị của mình trên thị trường trong và ngoài nước”.
Tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại hạn chế.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông lâm nghiệp trong thời gian tới, đồng chí Vũ Xuân Hợi - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất cần xây dựng cơ chế tài chính phù hợp, hỗ trợ cho hoạt động ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp của địa phương; tiếp tục đa dạng hóa, đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp đào tạo nguồn nhân lực; nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng để nâng cao trình độ tri thức, kỹ năng và đổi mới tư duy cho người lao động trong nông nghiệp.
Cùng với đó, cần phát huy vai trò, nâng cao trách nhiệm quản lý của hệ thống chính quyền các cấp, quan tâm nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm các tỉnh để lựa chọn các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp. Đồng thời, tích cực chuyển đổi từ mô hình sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa lớn, tạo động lực bên trong thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp. Ưu tiên phát triển mạnh các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm đầu tàu thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp….