Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào 'Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt' do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.
>> Lục Yên đi đầu trong phong trào làm hàng rào xanh
>> Yên Bái nỗ lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Có mặt tại xã An Bình, huyện Văn Yên, điều mà ai cũng dễ dàng nhận ra là cảnh quan môi trường nơi đây rất "xanh, sạch, đẹp”. Sở dĩ, có được điều này là bởi chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của xã đã luôn tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân tham gia vệ sinh môi trường; huy động sức mạnh cộng đồng chung tay giữ gìn môi trường sống "sáng - xanh - sạch - đẹp” ngay từ hộ gia đình.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Bình cho biết: "Nhằm thực hiện có hiệu quả Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban MTTQ phát động, Hội đã tham mưu cho Đảng ủy chỉ đạo triển khai thực hiện các mô hình "Dân vận khéo” về bảo vệ môi trường, xây dựng "Ngôi nhà xanh” tại các địa điểm trường học, Trạm Y tế, UBND xã; vận động các gia đình xây dựng hố rác, làm nhà tiêu hợp vệ sinh, xây dựng bể chứa bao bì thuốc thực vật trên những cánh đồng. Cùng đó, hàng tháng, các hội, đoàn thể, khu dân cư đều tổ chức lao động, dọn dẹp vệ sinh các tuyến đường làng, ngõ xóm, chăm sóc đường hoa…”.
Hiện tại, trên địa bàn xã An Bình có 90% hộ gia đình đã xây dựng được hố rác và nhà tiêu hợp vệ sinh; gần 200 hộ thu gom rác thải và đăng ký đổ rác theo xe vệ sinh môi trường. Toàn xã đã xây dựng được gần 20 bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên những cánh đồng; ra mắt 9 mô hình "Ngôi nhà xanh”, mỗi năm thu gom trên 20.000 vỏ lon, chai nhựa, bán lấy kinh phí để giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn.
Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã thực hiện cắm 10 biển "Cấm đổ rác”, 15 biển "Nhà sạch, vườn đẹp”; thực hiện 2 mô hình "Tái chế rác thải nhựa” và một số mô hình như: "Phân loại rác tại nguồn”, "Hạn chế sử dụng túi nilon” tại các chi hội.
Cũng là một điểm sáng về thực hiện công tác bảo vệ môi trường, đến nay, hầu hết các hộ gia đình trên địa bàn xã Mường Lai, huyện Lục Yên đều thực hiện thu gom, phân loại rác tại nguồn đúng quy định.
Đối với chất thải hữu cơ dễ phân hủy như: thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật được các hộ dùng làm thức ăn chăn nuôi; chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế như: giấy, nhựa, kim loại, ni lông, thủy tinh được các hộ gom để bán cho các đơn vị thu mua phế liệu; chất thải rắn sinh hoạt khác thì được các hộ thu gom và thuê xe vận chuyển về bãi rác tại xã Liễu Đô (1 lần/1 tuần) để xử lý theo quy định hoặc xử lý tại hộ gia đình.
Hiện tại, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn xã Mường Lai trung bình khoảng 3,24 tấn/ngày, trong đó có khoảng 2,44 tấn được thu gom và xử lý theo quy định và 1,86 tấn thu gom xử lý tại hộ gia đình.
Bí thư Đảng ủy xã Mường Lai Triệu Văn Huấn cho biết: Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, xã Mường Lai đã bố trí các thùng thu gom rác tại các nhà văn hóa thôn, trường học, chợ, UBND xã, Trạm Y tế. Đồng thời, xây dựng 159 bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các khu vực đồng ruộng.
"Tại các thôn đều có hương ước, quy ước cụ thể với sự tham gia của tất cả các hộ, cơ sở cam kết thực hiện đúng các quy định đối với chất thải và nước thải. Do đó, đến nay trên địa bàn xã không còn tình trạng vứt, đổ rác bừa bãi ra môi trường; vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y được gom vào bể chứa theo đúng quy định” - Bí thư Huấn cho hay.
Hiện nay toàn xã Mường Lai có 1.598/1.809 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, bằng 88,34%; 1.703/1.809 hộ có nhà tắm hợp vệ sinh, bằng 94,14%; 1.724/1.809 hộ có bể nước sinh hoạt hợp vệ sinh, bằng 95,3%. Xã có 389 hộ/546 hộ chăn nuôi, đảm bảo các quy định về vệ sinh thú y, chăn nuôi và bảo vệ môi trường, bằng 71,25%.
Với sự chung tay vào cuộc của toàn thể cấp ủy, chính quyền địa phương và sự tham gia hưởng ứng của người dân, đến nay, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban MTTQ tỉnh phát động, toàn tỉnh đã thành lập mới được 119 mô hình phân loại thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên toàn địa bàn.
Thông qua việc tổ chức khảo sát lấy ý kiến người dân về chất lượng môi trường sống năm 2023, kết quả cho thấy có 94,05% trở lên người dân được hỏi hài lòng và rất hài lòng về chất lượng môi trường. Đây chính là tín hiệu vui để các địa phương tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả hơn nữa phong trào thu gom rác thải; nâng cao chất lượng thu gom và xử lý rác thải, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.