Yên Bái, Lào Cai thành nơi dự trữ đất hiếm
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, trong đó Lào Cai và Yên Bái là hai khu vực dự trữ khoáng sản đất hiếm tại Việt Nam, theo phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia vừa được công bố.
Theo đó, phê duyệt 93 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đối với 10 loại khoáng sản. Quặng bô xít (23 khu vực), đá hoa trắng (17 khu vực), cát trắng (15 khu vực); quặng titan và quặng sắt - laterit (14 khu vực), quặng cromit (3 khu vực); quặng đất hiếm, than năng lượng, quặng apatit (2 khu vực), quặng chì - kẽm (1 khu vực).
Đất hiếm (đất hiếm vỏ phong hóa) được phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia tại tỉnh Lào Cai là khu vực Cam Cọn - Tân Thượng, diện tích 18,90km2, có 285.000 tấn dự trữ nằm trên đại bàn huyện Bảo Yên và Văn Bàn của tỉnh Lào Cai.
Quặng apatit sẽ được dự trữ tại các huyện Bảo Thắng, Bát Xát và TP Lào Cai của tỉnh Lào Cai. Quặng chì - kẽm được dự trữ tại khu vực Na Hang của tỉnh Tuyên Quang. Quặng cromit sẽ được dự trữ tại các huyện Như Thanh, Nông Cống và Triệu Sơn của tỉnh Thanh Hóa. Khoáng sản titan sẽ được dự trữ tại các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, thành phố Phan Thiết của tỉnh Bình Thuận, huyện Thuận Nam của tỉnh Ninh Thuận.
Ngoài tỉnh Lào Cai, tại tỉnh Yên Bái khu vực được phê duyệt là khu vực Đồng Tâm với diện tích 29,40km2, có 160.000 tấn dự trữ thuộc địa bàn huyện Văn Yên.
Đất hiếm ở khu vực Cam Cọn - Tân Thượng (tỉnh Lào Cai) và Đồng Tâm (tỉnh Yên Bái) đều có thời gian dự trữ 30 năm.
Ngoài đất hiếm, khoáng sản than á bitum sẽ được dự trữ tại đồng bằng sông Hồng, cụ thể là tại Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định. Than antraxit được dự trữ tại Uông Bí, Quảng Yên, TP Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh.
Các loại quặng bauxit sẽ được dự trữ ở nhiều nơi thuộc khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ và Nam Trung bộ như Gia Lai, Bình Định, Lâm Đồng, Bình Phước, Đắk Nông. Quặng sắt cũng được dự trữ tại khu vực Tây Nguyên.
Khoáng sản đá hoa trắng được dự trữ tại Tuyên Quang và nhiều huyện của tỉnh Thanh Hóa. Cát trắng được dự trữ nhiều tại các tỉnh ven biển miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam.
Theo quyết định số 1277 của Chính phủ, trong thời gian dự trữ của các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia nêu trên, việc quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; thực hiện các dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia phải tuân thủ quy định của nghị định số 51 năm 2021 của Chính phủ về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, quy định của pháp luật về khoáng sản.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan công khai các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường bàn giao hồ sơ khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia để quản lý, bảo vệ theo quy định.
Nguồn CL&XH: https://xahoi.congly.vn/yen-bai-lao-cai-thanh-noi-du-tru-dat-hiem-404147.html