Yên Bái nâng cao chất lượng đào tạo nghề

Thời gian qua, tỉnh Yên Bái tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn giới thiệu việc làm, đào tạo nghề và thực hiện các giải pháp gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, thị trường lao động.

Công nhân có tay nghề cao được tuyển dụng làm việc tại Công ty cổ phần sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái).Ảnh: THANH TRÚC

Công nhân có tay nghề cao được tuyển dụng làm việc tại Công ty cổ phần sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái).Ảnh: THANH TRÚC

Hiện nay, toàn tỉnh có 13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trong đó có bốn trường cao đẳng nghề, ba trường trung cấp, sáu trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Tỉnh đang hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn.

Năm 2019, Yên Bái phấn đấu đào tạo nghề cho 31 nghìn lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của toàn tỉnh đạt 60%. Ðể hoàn thành mục tiêu trong năm và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phối hợp với các địa phương, các doanh nghiệp hỗ trợ tư vấn, kết nối cung cầu lao động. Ngành lao động - thương binh và xã hội tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý giáo dục nghề nghiệp cho cán bộ, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, kiến thức, kỹ năng cho giáo viên, người dạy nghề; tổ chức hội thi tay nghề học sinh, sinh viên; tiếp tục hướng dẫn, phối hợp với doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề cho người lao động theo nhu cầu, địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp…

Từ đầu năm tới nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ giải quyết việc làm cho hơn 10.800 lao động; đào tạo nghề cho hơn 15 nghìn lao động, trong đó, đào tạo nghề trình độ cao đẳng hơn 300 người, trung cấp 950 người, sơ cấp và dạy nghề dưới ba tháng cho 13.800 người.

* Tỉnh Bình Phước vừa thông qua quy định mức chi hỗ trợ thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Theo đó, đối tượng áp dụng quy định này là Ủy ban MTTQ cấp xã và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư trên địa bàn tỉnh Bình Phước và các cơ quan, đơn vị liên quan. Mức chi hỗ trợ đối với Ủy ban MTTQ cấp xã như sau: Ðối với các xã thuộc vùng khó khăn; xã thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn (xã khu vực III) vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của Chính phủ: 25 triệu đồng/năm. Ðối với các xã thuộc vùng còn lại: 20 triệu đồng/năm.

Chi hỗ trợ đối với Ban công tác Mặt trận khu dân cư ở địa phương như sau: Khu dân cư có quy mô dân số dưới 300 hộ: 5 triệu đồng/năm; Khu dân cư có quy mô dân số từ 300 hộ đến dưới 500 hộ: 6 triệu đồng/năm; Khu dân cư có quy mô dân số từ 500 hộ đến dưới 700 hộ: 7 triệu đồng/năm; Khu dân cư có quy mô dân số từ 700 hộ trở lên: 8 triệu đồng/năm. Ðối với các khu dân cư của các xã thuộc vùng khó khăn; xã thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Ngoài mức hỗ trợ theo quy định nêu trên thì được bố trí thêm một triệu đồng/năm.

Nguồn kinh phí được cân đối trong dự toán chi ngân sách cấp xã theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và phân cấp quản lý ngân sách hiện hành. Quy định này có hiệu lực từ ngày 15-7-2019.

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40995102-yen-bai-nang-cao-chat-luong-dao-tao-nghe.html