Yên Bái nhiều giải pháp hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách từ đất
Dự ước đến hết tháng 8/2023 tổng số tiền thu từ các khoản thu từ nguồn SDĐ của toàn tỉnh Yên Bái là 373 tỷ đồng, bằng 16,9% chỉ tiêu được giao; trong đó, khối tỉnh dự ước là 77,99 tỷ đồng, bằng 8,2% chỉ tiêu được giao.
>> Thu ngân sách ở Yên Bái: Triển khai các giải pháp đồng bộ
Thu từ tiền sử dụng đất (SDĐ) là nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước và cũng là nguồn lực tài chính quan trọng để tăng nguồn chi đầu tư phát triển, đặc biệt là chi đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện các chương trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Năm 2023, tổng thu từ tiền SDĐ, tiền thuê đất trả tiền một lần theo kế hoạch được UBND tỉnh giao tại Quyết định số 2478/QĐ-UBND ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh là 2.200 tỷ đồng; trong đó, khối tỉnh là 950 tỷ đồng, khối huyện là 1.250 tỷ đồng.
Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 15/02/2023 của UBND tỉnh Yên Bái thì số tiền dự kiến thu nộp ngân sách từ các khoản thu từ đất trong năm 2023 là 2.531,9 tỷ đồng; trong đó, khối tỉnh là 1.188 tỷ đồng, khối huyện là 1.343,9 tỷ đồng.
Dự ước đến hết tháng 8/2023 tổng số tiền thu từ các khoản thu từ nguồn SDĐ của toàn tỉnh là 373 tỷ đồng, bằng 16,9% chỉ tiêu được giao; trong đó, khối tỉnh dự ước là 77,99 tỷ đồng, bằng 8,2% chỉ tiêu được giao; tổng số tiền đã nộp ngân sách đến hết ngày 22/8/2023 là 52,5 tỷ đồng, đạt 5,5% chỉ tiêu được giao; khối huyện dự kiến thu đến hết ngày 31/8 là 295 tỷ đồng, bằng 23,6% chỉ tiêu được giao.
Như vậy, việc thực hiện phát triển quỹ đất (PTQĐ) thu ngân sách (TNS) các khoản thu từ nguồn SDĐ 8 tháng của năm 2023 chậm so với kế hoạch. Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân nguồn thu này đạt thấp là do việc giải phóng mặt bằng (GPMB) gặp nhiều vướng mắc vì các hộ dân không đồng thuận; dẫn đến, kéo dài thời gian thực hiện nên không kịp tổ chức đấu giá theo kế hoạch.
>> Văn Yên triển khai 12 dự án xây dựng khu dân cư mới
Cùng đó, thị trường giao dịch bất động sản từ đầu năm đến nay trầm lắng; các quỹ đất đã có mặt bằng thông báo đấu giá quyền SDĐ nhiều lần nhưng không có khách hàng tham gia đấu giá; việc lưu trữ, quản lý hồ sơ về thửa đất của cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về đất đai qua từng giai đoạn, thời kỳ chưa được đầy đủ nên khi tiến hành đo đạc không có tài liệu để xác định vị trí thửa đất được chính xác; dẫn đến, tình trạng phải đo đi đo lại mất nhiều thời gian, công sức.
Các quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có sự thay đổi; dẫn tới, tình trạng so bì, khiếu nại, chống đối của người dân có đất bị thu hồi gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án; thị trường giao dịch bất động sản từ đầu năm đến nay trầm lắng; do vậy, các quỹ đất đã có mặt bằng thông báo đấu giá quyền SDĐ nhiều lần nhưng không có khách hàng tham gia đấu giá.
Ông Chu Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm PTQĐ tỉnh Yên Bái chia sẻ: để tổ chức triển khai thực hiện PTQĐ TNS theo kế hoạch được giao, đơn vị đã triển khai thực hiện phối hợp với cơ quan thuế đôn đốc thu nợ các quỹ đất đã đến hạn nộp; hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ thực hiện dự án, phối hợp với hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án, hoàn thành GPMB để tổ chức đấu giá.
Trong tháng 9, Trung tâm sẽ triển khai đấu giá dự án xây dựng khu đô thị Bách Lẫm A và dự án xây dựng khu đô thị Bách Lẫm B; dự án Xây dựng khu đô thị mới khu vực cầu Bảo Lương; quỹ đất khu 3, điểm 3C, xã Văn Phú…
Đối với các dự án tập trung hoàn thành GPMB phục vụ TNS trong 3 tháng cuối năm, Trung tâm sẽ phối hợp với UBND các huyện, thành phố tập trung giải quyết các vướng mắc trong GPMB, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thiện các thủ tục để tổ chức đấu giá thu nộp ngân sách, dự án xây dựng khu dân cư nông thôn mới, quỹ đất dọc kè sông Hồng, khu vực giáp Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Yên Bái, dự án Khu đô thị mới trung tâm phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ…
Theo ông Hồ Đức Hợp - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: để hoàn thành việc PTQĐ TNS từ nguồn SDĐ năm 2023, Sở đã tập trung mọi nguồn nhân lực phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư và UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền để người dân đồng thuận cao; phối hợp chặt chẽ với đơn vị làm nhiệm vụ bồi thường đẩy nhanh tiến độ GPMB; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong bồi thường GPMB đảm bảo quyền lợi của người dân cũng như tiến độ thực hiện dự án; cần có giải pháp chủ động và quyết liệt hơn trong GPMB tạo quỹ đất.
Việc người dân có đất thu hồi để thực hiện các dự án PTQĐ đồng thuận là rất khó khăn; do đó, các địa phương cần chỉ đạo cán bộ, phân công cụ thể từng người có trách nhiệm, triển khai họp dân để triển khai chủ trương, chính sách, phối hợp chặt chẽ với UBND cấp xã đến từng nhà tuyên truyền, vận động và làm trước những nhà đồng thuận. Các hộ chưa đồng thuận thì tiếp tục tuyên truyền, vận động; đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ, phê duyệt dự án, phê duyệt giá đất... đảm bảo sớm đưa quỹ đất vào đấu giá.