Yên Bái: Phát triển cây sắn trên đất dốc, thích ứng BĐKH
Tại tỉnh Yên Bái, cây sắn là một trong những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân trên đất dốc.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục có những cơ chế, định hướng hỗ trợ người dân phát triển loại cây trồng này theo hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.
Yên Bái là một trong những địa phương có diện tích canh tác sắn khá cao của cả nước. Cây sắn được trồng tập trung chủ yếu ở các huyện: Văn Yên, Yên Bình, Lục Yên...Trong những năm trước đây, diện tích sắn của tỉnh đạt trên 16.000ha, sản lượng 317.040 tấn (năm 2014).
Tuy nhiên, do việc chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác, ảnh hưởng của sâu bệnh gây hại và liên kết giữa nhà máy, doanh nghiệp với người trồng sắn chưa được chặt chẽ khiến diện tích trồng sắn giảm dần qua các năm (trung bình giảm 5% diện tích/năm). Từ năm 2014 đến nay, diện tích sắn giảm trên 50%, đến năm 2024, diện tích chỉ đạt 7.788ha.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tỉnh Yên Bái đã cơ cấu lại cây trồng, hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, chuyên canh. Trong đó, cây sắn vẫn là cây trồng chủ lực, có hiệu quả kinh tế được định hướng giữ ổn định diện tích trên 8.000ha, sản lượng đạt trên 160.000 tấn/năm. Cùng với đó, tỉnh Yên Bái có 2 doanh nghiệp chế biến với 3 nhà máy sản xuất, công suất 56.000 tấn sản phẩm/năm sẽ là nơi bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Ông Hà Hải Yến – Giám đốc Nhà máy chế biến tinh bột sắn Văn Yên cho biết: Hiện nay nguyên liệu sắn của tỉnh Yên Bái cung cấp để nhà máy hoạt động mới chỉ đáp ứng được 80% công suất. Hằng năm, đến vụ sản xuất nhà máy phải thu mua thêm sắn ở các tỉnh Lào Cai, Lai Châu… để hoạt động. Tuy nhiên, khi thu mua sắn ở các tỉnh thì chất lượng bị giảm đi rất nhiều do mất nhiều thời gian vận chuyển và chi phí tăng cao.
Trong năm qua, nhà máy vẫn phối hợp với địa phương thực hiện Dự án “Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm sắn gắn với canh tác bền vững trên đất dốc Văn Yên”. Qua đó, cung cấp phân vi sinh cho 8 xã trên địa bàn huyện Văn Yên. Đồng thời, hỗ trợ người dân chi phí trồng và chăm sóc cây sắn. Hằng năm, nhà máy cam kết thu mua sắn cho người dân với giá thị trường.
Hiện nay, diện tích canh tác sắn bền vững trên đất dốc để bảo vệ đất chống xói mòn đạt trên 1.000ha/năm. Qua đánh giá, lượng đất xói mòn do áp dụng canh tác trên đất dốc đã giảm từ 28,8 - 30,5%. Đồng thời, các giống sắn mới có năng suất, chất lượng tinh bột cao tiếp tục được phát triển tại các vùng sinh thái khác nhau trong tỉnh. Năng suất củ tươi của các giống sắn mới đạt 47,5 tấn/ha, cao hơn 20 - 25 tấn so với năng suất giống sắn khác trồng tại địa phương.
Phát biểu tại Hội nghị “Sản xuất sắn trên đất dốc” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại tỉnh Yên Bái vào ngày 9/8, ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục xác định vị trí, tầm quan trọng của cây sắn trong phát triển kinh tế cho người dân để tiếp tục duy trì và phát triển diện tích trồng sắn trên địa bàn.
Để làm được điều đó, cần thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp, phát triển dự án liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển cây sắn bền vững; tập trung phát triển vùng nguyên liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, cần nghiên cứu bổ sung cơ cấu giống sắn hợp lý để kéo dài thời gian thu hoạch, các giống có năng suất và hàm lượng tinh bột cao, chống chịu tốt với sâu bệnh.
“Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp canh tác sắn bền vững trên đất dốc; tăng cường liên kết giữa vùng nguyên liệu và chế biến. Mặt khác, hỗ trợ các doanh nghiệp cải tiến dây chuyền công nghệ trong bảo quản, chế biến, xỷ lý chất thải trong quá trình sản xuất; tiếp tục thực hiện công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu”, ông Nguyễn Thế Phước nhấn mạnh.