Yên Bái quan tâm phát triển du lịch y dược cổ truyền

Yên Bái là tỉnh có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, môi trường sinh thái trong lành với cùng sự đa dạng các loại thảo dược bản địa quý. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để tỉnh phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe, nhất là các sản phẩm du lịch y dược cổ truyền.

Hội viên Hội Đông y tỉnh Yên Bái trao đổi về tiềm năng phát triển kết hợp các loại dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch

Hội viên Hội Đông y tỉnh Yên Bái trao đổi về tiềm năng phát triển kết hợp các loại dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch

Phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe không phải là dễ dàng do cần đầu tư về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng và sự chuyên nghiệp trong cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, sản phẩm sức khỏe hướng tới xây dựng trở thành sản phẩm du lịch không chỉ nằm ở phương pháp làng nghề hay cổ truyền hoặc bài thuốc, bí quyết gia truyền mà cần đánh giá, phân tích, phát triển sâu cho từng sản phẩm với sự song hành của chuyên gia du lịch, chuyên gia về chuỗi giá trị thảo dược để tạo ra những sản phẩm chất lượng; trong đó có yếu tố nghiên cứu và chứng minh bởi khoa học trong từng vị thuốc, từng món ăn hay từng dịch vụ trải nghiệm.

Để làm được điều đó, Hội Đông y tỉnh và các cơ quan chức năng đã tiến hành khảo sát đánh giá một cách toàn diện khả năng phát triển mạng lưới du lịch chăm sóc sức khỏe trên địa bàn tỉnh Yên Bái, nhằm phát huy tối đa thế mạnh của từng mô hình để xây dựng các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe phù hợp, có trọng điểm.

Đón đầu xu hướng du lịch này, trên địa bàn tỉnh bước đầu đã có nhiều mô hình cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho khách du lịch kết hợp với quảng bá nền y dược cổ truyền. Có thể kể đến mô hình du lịch sinh thái ở huyện Trạm Tấu phát huy thế mạnh của nguồn suối khoáng nóng tự nhiên, kết hợp với xoa bóp, bấm huyệt dưỡng sinh. Mù Cang Chải có sản phẩm cây sơn tra, mật ong rừng, đẳng sâm, tam thất… là những sản phẩm kết hợp được trong nhiều bài thuốc, đồ uống, món ăn kết hợp chữa bệnh phục vụ khách du lịch.

Văn Yên với lợi thế văn hóa đặc sắc của dân tộc Dao có các sản phẩm từ cây quế và khai thác thế mạnh từ các sản phẩm tinh dầu như: tinh dầu quế, tinh dầu Đại Phú An. Yên Bình với khả năng khai thác tiềm năng, thế mạnh từ vùng hồ Thác Bà, các bài thuốc gia truyền nổi tiếng chữa bệnh dạ dày, thoái hóa xương khớp của các ông lang bà mế và vùng trồng cây dược liệu dưới tán rừng thuộc các xã vùng ven hồ…

Tuy nhiên, các hình thức du lịch trên địa bàn tỉnh mới chỉ dừng lại ở các trải nghiệm đơn lẻ, trong khi du khách ngày nay không chỉ có nhu cầu chăm sóc sức khỏe thể chất mà còn có nhu cầu chăm sóc sức khỏe tinh thần. Do đó, để khai thác tiềm năng du lịch chăm sóc sức khỏe, đưa y dược cổ truyền trở thành dòng sản phẩm du lịch chủ đạo, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2951/QĐ-BYT phê duyệt Đề án "Phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch” đến năm 2030.

Theo đó, 5 dòng cung ứng dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch được tập trung xây dựng gồm: du lịch chăm sóc sức khỏe bằng y dược cổ truyền (chuỗi các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; phục hồi chức năng, xông hơi, xoa bóp, bấm huyệt, vật lý trị liệu…); du lịch thẩm mỹ bằng y dược cổ truyền (chuỗi các bệnh viện, cơ sở thẩm mỹ, spa...); du lịch dược liệu và thuốc cổ truyền (cung ứng dịch vụ tham quan, mua sắm dược liệu, thuốc cổ truyền phục vụ khách du lịch tại chuỗi các cơ sở sản xuất thuốc, các vùng nuôi trồng dược liệu…); du lịch khám phá y dược cổ truyền và văn hóa bản địa (cung ứng dịch vụ tham quan, tìm hiểu, khám phá, mua sắm, trải nghiệm và sử dụng các dịch vụ y dược cổ truyền đặc sắc tại các vùng miền, địa phương, thưởng thức các món ăn đậm chất y dược cổ truyền theo vùng miền…); du lịch học thuật y dược cổ truyền (tổ chức các lớp tập huấn, khóa học ngắn hạn về một số kỹ năng phòng, trị bệnh đơn giản bằng phương pháp y học cổ truyền…).

Ngay sau khi Đề án được phê duyệt, UBND tỉnh Yên Bái đã có Văn bản số 2962/UBND-VX về triển khai Đề án của Bộ để phát triển tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Tỉnh xác định mục tiêu phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền có giá trị kinh tế trên cơ sở nâng cao chất lượng, đa dạng hóa và tăng tính hấp dẫn của các dịch vụ, sản phẩm theo hướng bền vững, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền để phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế, kết hợp với tăng cường thông tin, truyền thông nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu của y dược cổ truyền Việt Nam nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng. Theo đó, tỉnh đã xây dựng và hình thành các dòng cung ứng dịch vụ, sản phẩm chăm sóc sức khỏe bằng y dược cổ truyền phục vụ du lịch mang tính hệ thống, kết hợp với khai thác, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tri thức bản địa của y dược cổ truyền.

Đồng chí Trần Quốc Toàn - Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Yên Bái cho biết: "Qua kết quả khảo sát của Hội Đông y, hiện Yên Bái có khoảng 30 mô hình du lịch nghỉ dưỡng tại tỉnh có tiềm năng phát triển kết hợp các loại dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch (du lịch chăm sóc sức khỏe).

Việc đánh giá đúng tiềm năng, thế mạnh để hỗ trợ xây dựng mô hình kinh doanh du lịch sinh thái kết hợp các loại dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền theo chủ trương của tỉnh về triển khai Đề án của Bộ Y tế là hết sức quan trọng, tạo bước ngoặt lớn trong tiến trình phát triển y dược cổ truyền gắn với du lịch của tỉnh.

Thời gian tới, Hội Đông y sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn cho 1.650 hội viên tham gia cung cấp các dịch vụ, sản phẩm y học cổ truyền phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế, tạo thành chuỗi liên kết giữa y tế và du lịch. Đồng thời, hỗ trợ các hội viên nghiên cứu, tìm hiểu để có những định hướng phát triển với 5 dòng cung ứng dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền để phục vụ du khách”.

Để hình thành các sản phẩm du lịch y dược cổ truyền hoàn chỉnh, mang đến trải nghiệm trọn vẹn cho du khách, tỉnh Yên Bái sẽ có chính sách để huy động các nguồn lực xã hội trong đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ du khách; sớm công nhận các cơ sở, sản phẩm, dịch vụ đạt chuẩn; có lộ trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chuyên môn bảo đảm đủ trình độ, kỹ năng phục vụ khách du lịch và có sự kết hợp để chuẩn hóa các quy trình chăm sóc sức khỏe theo y học cổ truyền và du lịch... Từ đó, không chỉ giúp khách du lịch thư giãn, nâng cao sức khỏe và cân bằng tinh thần mà còn góp phần quảng bá thế mạnh về y dược cổ truyền, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền "kinh tế xanh” của địa phương.

Thanh Chi

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/226/343727/yen-bai-quan-tam-phat-trien-du-lich-y-duoc-co-truyen.aspx