Yên Bái quy hoạch phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng
Theo Quy hoạch tỉnh Yên Bái vừa được phê duyệt, du lịch được xác định mục tiêu phát triển thành ngành kinh tế quan trọng, sản phẩm du lịch chất lượng cao.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1086/QĐ-TTg ngày 18/9/2023 về Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó du lịch được xác định mục tiêu phát triển thành ngành kinh tế quan trọng, sản phẩm du lịch chất lượng cao.
Quy hoạch nêu rõ, phát triển du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn, trở thành ngành kinh tế quan trọng; hoàn thiện hạ tầng du lịch, phát triển các tuyến du lịch, sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, đưa du lịch Yên Bái trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của khu vực Tây Bắc với thương hiệu “điểm đến an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn, ấn tượng”.
Tập trung đầu tư phát triển một số loại hình du lịch, như: du lịch sinh thái, trải nghiệm; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa - lịch sử - tín ngưỡng; du lịch cộng đồng. Chú trọng phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, di sản văn hóa và các danh lam thắng cảnh...
Tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư, xây dựng 2 khu du lịch có quy mô lớn, thương hiệu nổi bật, tạo sức lan tỏa cho phát triển du lịch của tỉnh và định hướng bảo đảm các tiêu chuẩn, tiêu chí khu du lịch quốc gia, gồm: Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà và Khu du lịch quốc gia Mù Cang Chải.
Bên cạnh đó, đầu tư phát triển các khu du lịch cấp tỉnh gồm có: Khu du lịch Suối Giàng (huyện Văn Chấn); Khu du lịch Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu); Khu du lịch Văn Yên (huyện Văn Yên); Khu du lịch hồ Vân Hội (huyện Trấn Yên); Khu du lịch văn hóa Nghĩa Lộ (thị xã Nghĩa Lộ).
Đầu tư phát triển sân gôn tại khu vực hồ Thác Bà trên địa bàn các huyện Lục Yên, Yên Bình; khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp với sân gôn khu vực hồ Đầm Hậu, xã Minh Quân, xã Vân Hội, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên.
Bảo tồn gắn với phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm, khám phá tại khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải, khu vực chè Shan Tuyết cổ thụ... Tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn.
Về mạng lưới cơ sở dịch vụ, thương mại, Yên Bái sẽ phát triển các khu vui chơi giải trí gắn với các trung tâm thương mại và du lịch, các công viên chuyên đề; phát triển hệ thống cơ sở lưu trú đa dạng về quy mô và hình thức; ưu tiên các mô hình tổ hợp thương mại mua sắm lớn kết hợp khu du lịch, vui chơi giải trí tại các khu vực cửa ngõ đô thị. Phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại (bao gồm cả hệ thống chợ truyền thống và hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị gắn với hệ thống siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, điểm bán hàng OCOP…).
Đối với phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía Tây gồm 04 đơn vị hành chính là thị xã Nghĩa Lộ và các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, định hướng phát triển công nghiệp xanh, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao; từng bước hình thành các cụm ngành công nghiệp; phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, tiện ích, chất lượng cao; phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến làm cơ sở để phát triển hệ thống trung tâm tiểu vùng hiện đại; phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, gắn kết liên vùng phát triển các dịch vụ du lịch bổ trợ cho các vùng du lịch lớn của tỉnh.
Vùng liên huyện phía Đông gồm 02 đơn vị hành chính là các huyện Yên Bình, Lục Yên định hướng phát triển du lịch là ngành mũi nhọn của vùng dựa trên các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với khu vực hồ Thác Bà; trở thành trung tâm công nghiệp khai khoáng, vật liệu xây dựng, đô thị du lịch sinh thái của tỉnh và vùng Tây Bắc; ứng dụng công nghệ trong công nghiệp khai khoáng và chế biến vật liệu xây dựng; phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao làm cơ sở để phát triển hệ thống trung tâm tiểu vùng.
Vùng thành phố Yên Bái gồm 03 đơn vị hành chính là thành phố Yên Bái và các huyện Văn Yên, Trấn Yên định hướng phát triển du lịch trở thành ngành mũi nhọn của vùng dựa trên các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và trải nghiệm, khai thác dịch vụ hệ sinh thái rừng và các giá trị văn hóa đặc sắc, trở thành điểm đến hàng đầu vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; phát triển dịch vụ, thương mại theo hướng văn minh, hiện đại; phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp theo hướng hiện đại, áp dụng khoa học công nghệ, hình thành các vùng chuyên canh đặc sản nông nghiệp; phát triển công nghiệp chế biến và khai khoáng theo hướng hiện đại, hạn chế tác động đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên.
Quy hoạch cũng đề ra phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên; phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu… Đồng thời đưa ra các giải pháp huy động vốn đầu tư; phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường; phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ chế, chính sách liên kết phát triển; quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý hành chính nhà nước.