Yên Bái tăng cường giải pháp thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số
UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành Kế hoạch số 228 về thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số (KTS) giai đoạn 2023-2025, định hướng đến 2030.
Theo Kế hoạch, UBND tỉnh yêu cầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, ban, ngành các cấp trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, tham khảo phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, với 6 mục tiêu phát triển KTS đến năm 2025: tỷ trọng KTS đạt 20,05% GRDP; tỷ trọng KTS trong ngành, lĩnh vực đạt bình quân 15%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 15%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 85%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 55%; tỷ lệ nhân lực lao động KTS trong lực lượng lao động đạt trên 2%.
6 mục tiêu cụ thể phát triển KTS đến năm 2030: tỷ trọng KTS đạt tối thiểu 30% GRDP; Tỷ trọng KTS trong ngành, lĩnh vực đạt bình quân đạt 30%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt đạt 20%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 100%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 70%; tỷ lệ nhân lực lao động KTS trong lực lượng lao động đạt trên 3%.
Các giải pháp và hành động cụ thể đưa ra trong kế hoạch là: nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút doanh nghiệp ICT vào đầu tư tại tỉnh; chính sách hỗ trợ phát triển KTS trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên của tỉnh; củng cố, phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, KTS, trọng tâm là phủ sóng 3G, 4G trong toàn tỉnh, mở rộng phạm vi phủ sóng 5G, chú trọng phổ cập thiết bị số, thiết bị thông minh cho người dân và phát triển hạ tầng điện toán đám mây.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu, các nền tảng dùng chung; thực hiện số hóa, cập nhật, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước đảm bảo đồng bộ, thông suốt và từng bước mở dữ liệu cho người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng. Ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ số mới, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để phục vụ phát KTS - xã hội của tỉnh, trọng tâm là phát triển KTS ở các ngành, lĩnh vực là ưu tiên, là thế mạnh của tỉnh.
Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng; chú trọng đào tạo kỹ năng, triển khai các dịch vụ theo mô hình bảo vệ 4 lớp và chú trọng các giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn thông tin ngay từ khâu thiết kế, xây dựng các hạ tầng và nền tảng số. Tổ chức đào tạo kỹ năng, kiến thức CĐS cho doanh nghiệp; triển khai nền tảng số kết nối các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp; đưa doanh nghiệp công nghệ số vào tư vấn, giải quyết các bài toán cho các loại hình doanh nghiệp thông qua các ứng dụng, công nghệ số.
Tập trung phát triển KTS trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao cho một hoặc nhiều khâu của quá trình sản xuất, thu hoạch, bao tiêu sản phẩm; đào tạo, tập huấn kỹ năng số cho người nông dân, liên tục phát triển kỹ năng và tri thức số cho người nông dân.
Tập trung CĐS trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất phân phối điện, khai khoáng, năng lượng, xây dựng. Nghiên cứu triển khai thí điểm và từng bước nhân rộng mô hình nhà máy thông minh; ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ số vào thực tiễn lĩnh vực xây dựng như: BIM, In 3D, quét 3D…
Tập trung phát triển thương mại điện tử, thanh toán số; các nền tảng công nghệ số, úng dụng số thông minh phục vụ hoạt động trong các lĩnh vực: du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo, giao thông vận tải, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và các dịch vụ thiết yếu khác.
Để đạt được mục tiêu khát vọng KTS đề ra, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp cần làm tốt công tác truyền thông; kiện toàn bộ máy làm KTS; đẩy mạnh trao đổi và hợp tác trong và ngoài nước; chú trọng thu hút đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp CĐS; đào tạo, tập huấn; xây dựng mô hình kinh tế số và quan tâm đo lường, đánh giá kết quả thực hiện.