Yên Bái tăng cường phòng chống, ứng phó với bệnh nhiệt thán
Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước xảy ra 6 ổ dịch nhiệt thán tại 3 tỉnh: Hà Giang, Điện Biên và Lai Châu với tổng số trâu, bò mắc bệnh và tiêu hủy là 200 con; ghi nhận 17 người mắc bệnh nhiệt thán (còn gọi là bệnh than). Đối với tỉnh Yên Bái, từ trước đến nay chưa xảy ra bệnh nhiệt thán trên đàn trâu, bò. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp và sự nguy hiểm của dịch bệnh, ngành chuyên môn, các địa phương, người chăn nuôi tăng cường các biện pháp để bảo vệ đàn vật nuôi.
Bệnh nhiệt thán là bệnh truyền nhiễm cấp tính rất nguy hiểm, thuộc danh mục bệnh phải công bố dịch; bệnh lây truyền giữa động vật và người; bệnh động vật cấm giết mổ và chữa bệnh. Đây là một loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây sốt cao ở hầu hết các loại động vật máu nóng. Bệnh này có đặc điểm nhiễm trùng máu, bại huyết gây ra cái chết cho con vật rất nhanh. Lo ngại hơn, bệnh rất dễ lây sang người.
Tại 2 tỉnh Hà Giang và Điện Biên - nơi xuất hiện các ổ dịch đã ghi nhận bệnh lây sang người. Bệnh do trực khuẩn Gram dương Bacillus Anthracis gây ra và nguyên nhân lây lan chủ yếu là do gia súc chưa được tiêm phòng vắc - xin nhiệt thán.
Trong 6 tháng năm 2023, công tác giám sát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được cơ quan chuyên môn duy trì thường xuyên, chủ động, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Do đó, không có dịch bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm phát sinh trên đàn vật nuôi. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã chỉ đạo cơ sở tăng cường tiêm phòng các loại vắc - xin cho đàn vật nuôi.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, đã thực hiện tiêm phòng được 314.987 liều vắc - xin. Cụ thể, tụ huyết trùng trâu, bò 22.289 liều, tụ huyết trùng lợn 84.572 liều, bệnh dịch tả lợn 103.372 liều, phó thương hàn lợn 59.712 liều, lở mồm long móng 3.882 liều...
Để phòng chống bệnh nhiệt thán cũng như các loại bệnh khác, các hộ chăn nuôi, nhất là các trang trại thường xuyên tổ chức phun tiêu độc chuồng trại và môi trường xung quanh khu vực chăn nuôi góp phần hạn chế dịch bệnh phát sinh, lây lan. Cùng đó, ngành chức năng tăng cường kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện tại, đàn vật nuôi; trong đó, có đàn trâu, bò của tỉnh vẫn ổn định, chưa ghi nhận trường hợp bất thường. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh lây lan là rất cao. Do vậy, cùng với sự vào cuộc của ngành chuyên môn, giải pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh hiệu quả chính là ý thức của người chăn nuôi, bởi đây là bệnh nguy hiểm cho cả vật nuôi và người.
Khi phát hiện gia súc bị bệnh nhiệt thán thì phải thông báo tới cơ quan thú y để công bố dịch bệnh, kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, cách ly những con gia súc bị bệnh ra khỏi đàn; khi gia súc bị bệnh tuyệt đối không được mổ thịt và vận chuyển con vật qua nơi khác để tiêu thụ.
Cùng đó, chủ động hợp tác với chính quyền, cơ quan chuyên môn xử lý ổ dịch và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.