Yên Bái tăng cường trợ giúp pháp lý cho người dân
Qua công tác trợ giúp pháp lý, hàng nghìn đối tượng đã được trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Yên Bái hướng dẫn, giúp đỡ về pháp lý giải quyết các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực theo nhu cầu của cá nhân đạt kết quả cao...
Đồng chí Đỗ Viết Khoa - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh Yên Bái, trực thuộc Sở Tư pháp Nhà nước cho biết: "Trung tâm có 12/19 viên chức là trợ giúp viên pháp lý (TGVPL); trong đó, có 2 TGVPL hạng II và 10 TGVPL hạng III.
Để tăng cường nhân lực cho công tác TGPL đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân, Trung tâm đã lựa chọn, ký hợp đồng thực hiện TGPL với 8 luật sư. Các trợ TGVPL và các luật sư thực hiện TGPL có trình độ chuẩn, có đủ năng lực chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ TGPL và nhiệt tình trong công việc. Hàng năm, các TGVPL được luân phiên cử đi tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do Cục TGPL tổ chức, đảm bảo 100% TGVPL hoàn thành thời gian tham gia tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ theo quy định”.
Nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của người dân, Trung tâm đã thực hiện tốt công tác truyền thông về TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) và hỗ trợ vụ việc phức tạp hoặc điển hình theo Quyết định số 32 ngày 8/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2019 và năm 2020, Trung tâm đã tổ chức 9 lớp tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ TGPL cho trên 500 người tham dự; thực hiện 206 đợt truyền thông về TGPL đến các xã, thôn, bản ĐBKK trên địa bàn tỉnh; biên soạn, in 8.340 tờ gấp pháp luật để cấp phát cho các xã, phường, thị trấn và in 3.870 cuốn tài liệu để cấp phát cho người dân tại 81 xã và 177 thôn, bản ĐBKK; lắp đặt bảng thông tin về TGPL tại tất cả các xã khu vực II, khu vực III, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ và nhân dân địa phương tìm hiểu về chính sách TGPL.
Năm 2023, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Trung tâm đã thực hiện 14 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cộng đồng về TGPL cho 1.185 người tham dự; tổ chức truyền thông về TGPL tại 48 điểm tại các xã khu vực III, các thôn, bản ĐBKK, nơi có số lượng lớn người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số và các nhóm yếu thế...
Song song với công tác truyền thông về TGPL, Trung tâm đã làm tốt công tác phối hợp về TGPL thông qua việc giúp người dân tìm hiểu các quy định của pháp luật về TGPL, hướng dẫn người dân đến các tổ chức thực hiện TGPL để được TGPL. Từ năm 2019 đến năm 2023, Trung tâm đã thực hiện TGPL 3.142 vụ việc cho 3.142 người; trong đó, tham gia tố tụng 1.752 vụ việc, còn lại là tư vấn pháp luật, cung cấp thông tin pháp luật, giải đáp vướng mắc pháp luật. Qua thẩm định đã xác định: 100% các vụ việc đều đạt chất lượng trở lên, trong đó có 70% vụ việc đạt chất lượng khá, tốt, không có vụ việc bị khiếu nại, tố cáo hoặc tranh chấp, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.
Điển hình là vụ án hình sự được đưa ra xét xử năm 2023: bị cáo Hờ A M. ở bản M.D, xã L.C, huyện Mù Cang Chải, bị viện kiểm sát nhân dân truy tố về tội "Tàng trữ trái phép vật liệu nổ” theo Khoản 1 Điều 305 Bộ luật Hình sự. Tại phiên tòa, đại diện viện kiểm sát luận tội đối với Hờ A M., giữ nguyên quyết định truy tố như cáo trạng và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Khoản 1, Điều 305, điểm s Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự xử phạt Hờ A M. 1 năm đến 1 năm 6 tháng tù.
Hờ A M. đã được TGVPL bào chữa: Bị cáo Hờ A M. là người dân tộc thiểu số (dân tộc Mông), sinh sống tại địa bàn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK của huyện Mù Cang Chải. Do đó, hiểu biết về xã hội nói chung, kiến thức về pháp luật nói riêng của bị cáo còn nhiều hạn chế, đây cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến việc bị cáo có ý thức không đầy đủ trong chấp hành pháp luật và nhất thời vi phạm pháp luật.
Hờ A M. có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Ngoài thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bị cáo đã có những hành vi, lời khai thể hiện sự hợp tác tích cực với các cơ quan tiến hành tố tụng, có ý nghĩa thiết thực giúp cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện tội phạm và nhanh chóng làm sáng tỏ vụ án. Bản thân Hờ A M. là người có nhân thân tốt, từng được chính quyền địa phương khen thưởng đối với thành tích lao động xuất sắc tại địa phương, do đó, đề nghị Hội đồng xét xử cho bị cáo Hờ A M. được hưởng các tình tiết giảm nhẹ quy đinh tại điểm s, điểm t Khoản 1, Khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự và áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự cho bị cáo được hưởng án treo.
Hội đồng xét xử (Tòa án nhân dân huyện Mù Cang Chải) đã chấp nhận quan điểm bào chữa của TGVPL, áp dụng khoản 1, điều 305, điểm s Khoản 1 Khoản 1 Điều 173, Điều 65, điểm s, điểm t Khoản 1, Khoản 2 Điều 51, Điều 65 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Hờ A M.1 năm 3 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Còn nhiều trường hợp như bị cáo Hờ A M. ở các xã, huyện vùng cao, vùng ĐBKK sau khi được TGVPL bào chữa tại phiên tòa, đã được hội đồng xét xử tòa án chấp nhận quan điểm bào chữa của TGVPL cho hưởng án treo. Ngoài ra, qua công tác TGPL, hàng nghìn đối tượng ở các địa phương trong tỉnh đã được TGVPL của Trung tâm, hướng dẫn, giúp đỡ về pháp lý giải quyết các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực theo nhu cầu của cá nhân đạt kết quả cao...
Sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ của Trung tâm TGPL tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thời gian qua đã giúp cho hàng nghìn đối tượng được TGPL ở các địa phương trong tỉnh được TGPL, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.