Yên Bái tạo nền tảng vững chắc phát triển nông nghiệp, nông thôn
Trong hành trình đổi mới và phát triển đất nước, nông dân không chỉ là lực lượng sản xuất chủ lực mà còn là trung tâm, chủ thể trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp xanh, tuần hoàn và bền vững. Những năm gần đây, Hội Nông dân (HND) tỉnh đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, khẳng định vai trò là người bạn đồng hành tin cậy của hội viên nông dân (HVND).

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh thăm mô hình trồng dâu nuôi tằm ở huyện Trấn Yên.
Tính đến năm 2024, tỉnh Yên Bái có hơn 118.000 HVND, sinh hoạt tại hơn 1.290 chi hội. Các cấp HND đã chủ động kiện toàn bộ máy, đổi mới cách thức sinh hoạt theo hướng linh hoạt, thiết thực và sát với nhu cầu của hội viên. Chỉ trong năm 2024, HND tỉnh đã kết nạp mới 1.848 hội viên, thành lập thêm 131 tổ hội nông dân nghề nghiệp, 31 chi hội nông dân nghề nghiệp, 9 câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, góp phần tập hợp đông đảo nông dân vào tổ chức Hội, thúc đẩy phong trào nông dân từ cơ sở.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật được chú trọng. Toàn tỉnh đã tổ chức 1.006 buổi tuyên truyền với sự tham gia của trên 118.700 lượt HVND, giúp nâng cao nhận thức chính trị, kiến thức pháp luật, ý thức chấp hành quy định của Nhà nước trong HVND.
Đồng hành cùng hội viên trong phát triển kinh tế, các cấp HND đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm khơi thông nguồn vốn, nâng cao trình độ sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả và từng bước hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản bền vững.
Năm 2024, thông qua Quỹ Hỗ trợ nông dân, HND tỉnh đã giải ngân hơn 6.350 tỷ đồng, triển khai 12 dự án kinh tế tại cơ sở, giúp hàng trăm lượt hội viên được vay vốn ưu đãi. Các dự án tập trung vào các lĩnh vực có thế mạnh như: trồng dược liệu, chăn nuôi đại gia súc, nuôi ong lấy mật, trồng tre măng Bát Độ, phát triển vùng nguyên liệu quế hữu cơ gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Cùng đó, Hội đã ký kết và thực hiện hiệu quả chương trình ủy thác vốn vay với các ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tính đến hết năm 2024, tổng dư nợ với Ngân hàng Chính sách xã hội do Hội quản lý đạt trên 1.440 tỷ đồng, thông qua 622 tổ vay vốn với hơn 23.000 hộ HVND được thụ hưởng; tổng dư nợ với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt trên 1.089 tỷ đồng cho trên 9.000 hộ HVND vay vốn. Nhiều tổ vay vốn hoạt động hiệu quả đã góp phần không nhỏ giúp HVND có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm và nâng cao thu nhập.
Đi đôi với hỗ trợ nông dân vay vốn, công tác đào tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng đã được các cấp HND triển khai rộng khắp. Năm 2024, HND tỉnh và huyện đã tổ chức 15 lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, xử lý phụ phẩm nông nghiệp, hướng dẫn sản xuất theo hướng hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Hội cũng phối hợp với các ngành, doanh nghiệp tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm về xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm OCOP, xúc tiến thương mại cho nông sản địa phương.
Anh Lường Văn Vĩnh ở thôn Lừu 2, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu chia sẻ: "Hàng năm, tôi được các cấp HND cho tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi, trồng trọt đồng thời được hỗ trợ vay 50 triệu đồng để đầu tư phát triển chăn nuôi lợn nái và lợn thương phẩm. Nhờ đó, kinh tế gia đình tôi đã có nhiều thay đổi. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi xuất bán 3 lứa lợn thương phẩm, thu về được gần 100 triệu đồng tiền lãi. Nhờ đó, gia đình đã có điều kiện xây dựng lại nhà ở khang trang và chăm lo cho con cái học hành”.
Hiện nay, nhiều mô hình kinh tế do HVND làm chủ ngày càng phát huy hiệu quả, đóng vai trò không nhỏ trong việc đẩy nạnh phong trào sản xuất kinh doanh giỏi. Những mô hình này không chỉ mang lại giá trị thu nhập từ 150 - 500 triệu đồng/năm/hộ mà còn tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động nông thôn.
Cùng với đó, HND tỉnh còn tích cực hỗ trợ hội viên xây dựng thương hiệu nông sản, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh có gần 100 sản phẩm OCOP do HVND làm chủ, trong đó có nhiều sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao như: mật ong Văn Chấn, măng Bát Độ Trấn Yên, quế hữu cơ Văn Yên, gạo nếp Tú Lệ, cá đặc sản Thác Bà…
Không dừng lại ở đó, các cấp HND còn tích cực tham gia xây dựng mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 500 tổ hợp tác và trên 700 hợp tác xã có HVND tham gia, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế tập thể, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Cùng đó, Hội còn triển khai hiệu quả phong trào "Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với thực hiện các tiêu chí như: đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, vệ sinh môi trường, cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp. Năm 2024, HVND toàn tỉnh đã đóng góp trên 100.000 ngày công, hiến trên 68.000 m2 đất cùng hàng chục tỷ đồng để xây dựng các công trình dân sinh. Hàng trăm tuyến đường nông dân tự quản được chỉnh trang, trồng hoa, lắp điện chiếu sáng góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.
Phong trào "Nông dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp” cũng được triển khai sâu rộng. Các cấp Hội đã thành lập được trên 600 mô hình bảo vệ môi trường, duy trì hàng trăm đoạn đường nông dân tự quản, tổ chức hàng nghìn buổi tổng dọn vệ sinh, thu gom xử lý rác thải. Ngoài ra, các HVND còn tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ an ninh trật tự, hòa giải cơ sở và giữ gìn thuần phong mỹ tục tại địa phương. Hội đã và đang duy trì thực hiện hiệu quả 221 mô hình tự quản về an ninh trật tự, góp phần xây dựng địa bàn trong sạch, bình yên.
Trong bối cảnh kinh tế nông nghiệp đang chuyển mình theo hướng công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn và ứng dụng chuyển đổi số, vai trò của HND càng được đặt ra một cách rõ nét. Từ thực tiễn phong trào, HND tỉnh xác định trong giai đoạn 2025 - 2030 sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đồng hành cùng hội viên trong chuyển đổi số nông nghiệp, sản xuất xanh và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; tăng cường vai trò phản biện xã hội, đại diện tiếng nói, quyền lợi chính đáng của nông dân…
Với sự tận tâm, chủ động và sáng tạo, HND tỉnh đang từng bước khẳng định vai trò nòng cốt, là chỗ dựa vững chắc của nông dân trong quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Những kết quả đạt được không chỉ là con số mà là sự gắn kết, là niềm tin, động lực để mỗi HVND và HND tỉnh tự tin vươn lên, góp phần xây dựng tỉnh Yên Bái ngày càng giàu đẹp, văn minh và phát triển bền vững.
Phát huy vai trò nòng cốt trong các phong trào thi đua, trong đó trọng tâm là Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, đến nay, Hội đã thu hút được nhiều hội viên tham gia. Năm 2024, toàn tỉnh có trên 72.000 hộ HVND đăng ký danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi, qua bình xét có 39.066 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi, bằng 53,8% số hộ đăng ký. Nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu đạt doanh thu từ 300 triệu đồng đến 2 tỷ đồng mỗi năm, đặc biệt là các mô hình gắn với sản xuất theo chuỗi, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.