Yên Bái tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Hàng năm, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề cho trên 20.000 lao động; hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho khoảng 5.000 cho lao động nông thôn.

Lớp đào tạo nghề điện tại Trường Trung cấp Nghề huyện Lục Yên

Lớp đào tạo nghề điện tại Trường Trung cấp Nghề huyện Lục Yên

Trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp đặc thù nhằm phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là yêu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực cũng như yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp, nông thôn, lao động người dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Hàng năm, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề cho trên 20.000 lao động; hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho khoảng 5.000 cho lao động nông thôn; giải quyết việc làm cho 22.000 lao động; chuyển dịch 7.000 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Kết quả đào tạo nghề đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh, cung ứng nguồn nhân lực có tay nghề cho các doanh nghiệp; nâng cao năng suất, tạo việc làm, giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của tỉnh.

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, tỉnh Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong công tác đào tạo nghề, trong đó có đào tạo nghề cho lao động nông thôn; huy động sự tham gia của doanh nghiệp và toàn xã hội trong việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề, nhu cầu việc làm người lao động, khảo sát nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nhu cầu thị trường lao động. Tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong đào tạo và cung ứng nhân lực; đào tạo nghề theo nhu cầu, theo địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp gắn với giải quyết việc làm đầu ra cho người học sau khi học nghề.

Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp; xây dựng, hình thành mô hình liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng lao động; chú trọng đào tạo nghề cho người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, đào tạo nghề cho lao động đi làm việc ở nước ngoài; tăng cường tổ chức các lớp đào tạo nghề theo nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, đào tạo lĩnh vực phi nông nghiệp gắn với quy hoạch phát triển ngành nghề, lĩnh vực, nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với định hướng phát triển của từng địa phương và yêu cầu tạo việc làm sau đào tạo.

Hà Anh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/304061/yen-bai-tap-trung-nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc.aspx