Yên Bái tập trung nguồn lực thúc đẩy ngành du lịch phát triển
Những năm gần đây, 'ngành công nghiệp không khói' của Yên Bái đã có những bước phát triển tích cực, từng bước đưa địa phương trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của vùng Tây Bắc.
Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển du lịch,các địa phương trong tỉnh Yên Bái đang tích cực triển khai nhiều giải pháp, tìm những hướng đi mới, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo... nhằm thu hút nhiều hơn khách du lịch đến với địa phương.
Vốn được xem là vùng trũng trên bản đồ du lịch của tỉnh, bởi thiếu những điều kiện về danh lam thắng cảnh, đường sá đi lại khó khăn… Thế nhưng thời gian qua, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã triển khai nhiều giải pháp, tìm hướng đi phù hợp nhằm thúc đẩy du lịch phát triển. Một trong số đó phải kể đến việc tuyên truyền, vận động người dân bảo tồn, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống; tổ chức các hoạt động du lịch gắn với bản sắc của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao; phục dựng một số lễ hội mang đậm nét dân gian để thu hút du khách.
Theo bà Nông Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên, các giải pháp mà địa phương triển khai vừa góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa đặc trưng, vừa tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo…
"Sự vào cuộc của cấp ủy chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là sự vào cuộc của người dân thì chắc chắn là lễ hội trên địa bàn huyện Lục Yên trong những năm tiếp theo cũng sẽ tiếp tục được duy trì, phát huy", bà Hà cho biết.
Sau khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế và cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới, các địa phương của tỉnh Yên Bái thời gian qua đã đồng loạt tổ chức các hoạt động quảng bá du lịch; trong đó có sự kiện Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò và khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022…
Những tháng đầu năm nay, Yên Bái tiếp tục tổ chức các đoàn công tác khảo sát, đánh giá tiềm năng và định hướng cho các địa phương phát triển du lịch. Ông Nguyễn Việt Hưng, Giám đốc HTX dịch vụ du lịch Trạm Tấu cho biết: Sự vào cuộc của các cấp, ngành đã giúp cho các chủ thể làm du lịch có thêm những động lực mới, nỗ lực tạo ra những sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa độc đáo, hấp dẫn du khách.
"Phục vụ một cách bài bản và chuyên nghiệp, chúng tôi đã thành lập các đội dịch phục để phục vụ du khách như là đội poster chuyên dẫn khách đi núi, đội vận chuyển xe ôm đi từ huyện tới các địa điểm du lịch trong toàn huyện. Trong thời gian tới thì chúng tôi sẽ nâng cấp dịch vụ, tập huấn và đào tạo để anh em trong HTX và nhân viên ngày càng chuyên nghiệp hơn", ông Hưng nói.
Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đưa Yên Bái trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của vùng Tây Bắc, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết quy định các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch; UBND tỉnh cũng tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội để kích cầu du lịch, mới đây nhất là tham dự Hội nghị xúc tiến Du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và gặp mặt doanh nghiệp du lịch, báo chí tại TP. Hồ Chí Minh; tổ chức quảng bá những sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh tại Cần Thơ... Qua đó, giúp cho du khách có dịp được trải nghiệm những sản phẩm du lịch độc đáo của Tây Bắc ngay tại phương Nam.
Bà Vũ Thị Mai Oanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái cho biết: Năm 2022, Yên Bái đã đón trên 1,5 triệu lượt khách, vượt hơn 44% kế hoạch năm; doanh thu đạt trên 1.100 tỷ đồng. Năm nay, ngành sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp thu hút các dự án đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Bên cạnh đó là hỗ trợ phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh như: du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch nông nghiệp, sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm, khám phá, vui chơi, giải trí… Qua đó, thu hút lượng lớn du khách đến với miền đất cửa ngõ miền Tây Bắc này.
"Chúng tôi giới thiệu với du khách cả nước và du khách nước ngoài những nét đặc sắc nhất, qua đó chúng tôi muốn khẳng định với du khách gần xa rằng Yên Bái đang dần dần định vị thương hiệu của chính mình - "Yên Bái nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc", bà Oanh bày tỏ.
Tỉnh Yên Bái hiện cũng đang ưu tiên dành các nguồn lực để phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ; hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư triển khai và hoàn thành các dự án khu, điểm du lịch; kết nối các tour, tuyến nhằm thu hút khách du lịch trong nước, quốc tế... Chủ đề phát triển du lịch năm nay của tỉnh là: "Yên Bái - Điểm đến di sản thiên nhiên và văn hóa”, với phương châm hành động: "Chuyển tài nguyên con người và tài nguyên văn hóa thành tài nguyên du lịch”./.