Yên Bái tham dự Hội nghị trực tuyến Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí
Sáng 25/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí (Ban Chỉ đạo) chủ trì Phiên họp thứ Nhất của Ban Chỉ đạo. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự Phiên họp có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái có đồng chí Nguyễn Tuấn Anh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Ban Chỉ đạo được thành lập vào ngày 17/12/2024 theo Quyết định 1579 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành liên quan đến phòng, chống lãng phí; Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng khác trong phòng, chống lãng phí các nguồn lực của nền kinh tế.
Tại phiên họp thứ Nhất, đại diện các địa phương, bộ, ngành đã có ý kiến cho rằng, không khó để nhận diện lãng phí trong xã hội hiện nay. Đó là việc sử dụng không hiệu quả nguồn nhân lực, vật lực của quốc gia, cơ quan, đơn vị, dễ nhận thấy nhất chính là các dự án treo, quy hoạch treo, công trình bỏ hoang…

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Anh chủ trì Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái.
Chính vì thế, để phòng, chống lãng phí hiệu quả thì cần phải quyết liệt thực hiện các giải pháp để xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, nhằm hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng phát huy hiệu quả mục tiêu dự án, tránh gây lãng phí nguồn lực, bức xúc trong dư luận xã hội. Cần phải nâng cao chất lượng lựa chọn nhà đầu tư, tránh những nhà đầu tư không đủ năng lực. Đặc biệt, cần chủ động, kịp thời xử lý tài sản công (các công trình, trụ sở) sau sáp nhập cơ quan, đơn vị hành chính nhằm tránh lãng phí.
Cần thực hiện các nhóm giải pháp nhằm chống lãng phí và khơi thông các nguồn lực để phát triển kinh tế. Đồng thời cần xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức để các các dự án, công trình chậm tiến độ kéo dài; kiên quyết thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, chậm trễ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao trong giải quyết các vấn đề liên quan để các dự án, công trình chậm tiến độ, kéo dài, lãng phí nguồn lực…
Kết luận tại phiên họp thứ Nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các cơ quan giúp việc sớm tham mưu kiện toàn Ban Chỉ đạo; sớm ban hành chỉ thị để chỉ đạo. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống lãng phí; không có giới hạn không gian, thời gian trong phòng, chống lãng phí.
Yêu cầu thủ trưởng các bộ, ngành, các tỉnh, thành tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí; tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết, các chỉ đạo của Chính phủ về sử dụng hiệu quả các nguồn lực, triển khai nhanh các công trình, dự án, không để thất thoát, lãng phí, nhất là các dự án tồn đọng, dừng thi công...
Rà soát, thống kê toàn bộ các dự án, công trình, công sở không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả thuộc phạm vi, địa bàn quản lý. Cần nâng cao vai trò của người đứng đầu trong công tác phòng, chống lãng phí, góp phần xây dựng một nền kinh tế bền vững với các nguồn lực được sử dụng hiệu quả, minh bạch, mang lại lợi ích cho người dân và đất nước...