Yên Bái thu ngân sách từ tiền sử dụng đất chưa như kỳ vọng
Năm 2023, cùng với tình hình chung trong cả nước, thị trường bất động sản của tỉnh Yên Bái trầm lắng đã tác động khiến số thu tiền sử dụng đất (SDĐ) đạt thấp so với kế hoạch. Thực tế đó đòi hỏi năm 2024, các ngành chức năng cùng các địa phương cần nỗ lực thực hiện dự toán thu tiền SDĐ.
Thu từ tiền SDĐ là nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước và cũng là nguồn lực tài chính quan trọng để tăng nguồn chi đầu tư phát triển, đặc biệt là chi đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện các chương trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Năm 2023, tổng thu từ tiền SDĐ, tiền thuê đất trả tiền một lần theo kế hoạch được UBND tỉnh giao tại Quyết định số 2478/QĐ-UBND ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh là 2.200 tỷ đồng; trong đó, khối tỉnh là 950 tỷ đồng, khối huyện là 1.250 tỷ đồng. Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 15/02/2023 của UBND tỉnh Yên Bái thì số tiền dự kiến thu nộp ngân sách từ các khoản thu từ đất trong năm 2023 là 2.531,9 tỷ đồng; trong đó, khối tỉnh là 1.188 tỷ đồng, khối huyện là 1.343,9 tỷ đồng. Mặc dù đã rất nỗ lực và cố gắng, nhưng kết quả đến ngày 31/12/2023 tổng thu ngân sách các nguồn từ đất trên địa bàn toàn tỉnh mới đạt 1.100,59 tỷ đồng, bằng 50% Quyết định số 2478/QĐ- UBND ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh Yên Bái.
Trong đó, đã bán đấu giá, giao đất thành công là 354,74 tỷ đồng/950 tỷ đồng (tiền sử dụng đất 319,13 tỷ đồng; tiền thuê đất 35,61 tỷ đồng), bằng 37,3% chỉ tiêu được giao. Tổng số tiền đã nộp vào ngân sách là 349,35 tỷ đồng; trong đó, tiền SDĐ là 314,96 tỷ đồng, tiền thuê đất là 34,39 tỷ đồng.
Mặc dù đã nỗ lực tuyên truyền vận động doanh nghiệp và nhân dân mua đất, nhưng các quỹ đất đã thông báo bán đấu giá lại không có khách hàng tham gia.
Cụ thể như dự án xây dựng khu đô thị mới tại đường Âu Cơ, huyện Trấn Yên tại thôn Bình Trà, xã Bảo Hưng và thôn Ngọn Ngòi, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên dự kiến bán 292,26 tỷ đồng; Quỹ đất tại tổ dân phố số 1, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ 9,5 tỷ đồng; Dự án xây dựng khu đô thị mới (Khu vực cầu Bảo Lương) thuộc phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái 62,40 tỷ đồng…
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân công tác thu ngân sách các khoản thu từ đất năm 2023 thấp là do công tác thẩm định các hồ sơ liên quan đến công tác phát triển đất của UBND các địa phương chậm so với thời gian quy định. Việc phối hợp thực hiện giữa các sở, ngành, địa phương trong việc tham mưu giúp UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, nhất là các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) còn chưa kịp thời.
Quá trình thực hiện có nhiều tác động đến kết quả bán đấu giá, yếu tố thị trường và sức thu hút của nhà đầu tư còn nhiều hạn chế trong bối cảnh hiện nay, thị trường bất động sản trầm lắng, các quỹ đất đã tổ chức đấu giá nhưng không có khách hàng tham gia. Công tác bồi thường gặp nhiều khó khăn, người có đất bị thu hồi không đồng thuận. Người có đất thu hồi có ý kiến về giá bồi thường đất nông nghiệp thấp và đây là nguyên nhân chính gây thắc mắc cho người dân có đất bị thu hồi; dẫn tới, một số bộ phận người dân thiếu sự hợp tác dẫn tới phải tổ chức cưỡng chế thu hồi đất.
Trong công tác bồi thường GPMB của các dự án, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh chỉ chủ trì được khâu lập bản đồ thu hồi đất, kiểm đếm, lập phương án thu hồi đất. Các công việc còn lại như: xác nhận tỷ lệ phần trăm đất bị thu hồi; nguồn gốc SDĐ; xác minh nhân khẩu; xác nhận thời gian tạo lập công trình, vật kiến trúc trên đất thu hồi; thẩm định phương án bồi thường; tổ chức tuyên truyền, đối thoại, cưỡng chế... thuộc nhiệm vụ của UBND cấp huyện nên việc thẩm định chưa tập trung về một đầu mối.
Các phòng, ban chuyên môn vẫn thực hiện việc thẩm định riêng; dẫn đến, nhiều hồ sơ, quá trình sửa chữa kéo dài. Việc thuê đơn vị tư vấn xác định giá đất gặp nhiều khó khăn. Công tác thẩm định, phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường của các cơ quan chuyên môn còn chậm làm ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện.
Để việc tổ chức thực hiện công tác phát triển quỹ đất được triển khai một cách hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thu ngân sách các khoản thu từ nguồn SDĐ năm 2024 thì UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung nhân lực cho công tác bồi thường GPMB; kịp thời giải quyết, tham mưu, báo cáo UBND tỉnh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện để chỉ đạo giải quyết.
Các sở, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao đẩy nhanh tiến độ thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt các hồ sơ liên quan đến công tác phát triển đất, kịp thời hướng dẫn Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã những khó khăn, vướng mắc thuộc lĩnh vực mình phụ trách trong quá trình tổ chức thực hiện.