Yên Bái tổ chức, sắp xếp lại hệ thống phòng khám đa khoa khu vực: Bài 2: Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động
Sau gần 3 năm triển khai Đề án, hiện nay toàn tỉnh Yên Bái còn 13 phòng khám đa khoa khu vực (PKĐKKV) và 160 trạm y tế thuộc trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố.
>> Bài 1: Tinh gọn để phù hợp thực tiễn
Thực tế cho thấy, việc sắp xếp, tổ chức lại các phòng khám góp phần thực hiện chủ trương về cải cách tổ chức bộ máy, chế độ công vụ, công chức và tinh giản biên chế trong các đơn vị sự nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động; trang thiết bị đầu tư tập trung, sử dụng có hiệu quả hơn, tránh chồng chéo hoạt động và giảm được nhân lực tăng cường cho những nơi còn thiếu.
Thực hiện Quyết định số 1277/QĐ-UBND ngày 28/6/2021 của UBND tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt Đề án "Tổ chức, sắp xếp lại hệ thống Phòng khám đa khoa khu vực trên địa bàn tỉnh Yên Bái”, ngành y tế đã khẩn trương thực hiện ngay, vấn đề được đầu tiên đó là giảm về nhân lực bố trí, điều chuyển những nơi thiếu và để phát huy khả năng chuyên môn của cán bộ.
Nếu như thời điểm tháng 6/2021, toàn tỉnh có 18 PKĐKKV với 144 cán bộ y tế, trong đó 29 bác sĩ, 36 y sĩ, 20 hộ sinh, 32 điều dưỡng, 19 dược sĩ, 8 cán bộ khác thì nay rút gọn chỉ còn 13 phòng khám với 127 cán bộ y tế, đã giảm 17 người. Nguồn nhân lực giảm, điều này đồng nghĩa với việc tài chính cũng giảm. Cụ thể với 17 cán bộ y tế được sắp xếp, điều chuyển về trung tâm y tế đã tiết giảm ngân sách Nhà nước khoảng trên 2 tỷ đồng/năm. Trong đó, chi trả lương, các khoản đóng góp theo lương 1,8 tỷ đồng; chi phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật 30 triệu đồng, chi phụ cấp trực, bù trực, tiền ăn 106 triệu đồng; công tác phí 10 triệu đồng; điện nước 40 triệu đồng; văn phòng phẩm 10 triệu đồng.
Bên cạnh đó, trang thiết bị y tế được điều tiết về trung tâm y tế phục vụ tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.
Thực tế một số trạm y tế xã: Đồng Khê, Tân Thịnh, Nghĩa Lộ… từ khi triển khai thực hiện Đề án đến nay đã đi vào hoạt động nền nếp, khai thác, sử dụng tối đa hiệu quả về nhân lực và trang thiết bị, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh trong giai đoạn hiện nay.
Y sĩ Hà Hữu Tuyền - Trưởng Trạm Y tế xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn cho biết: "Trước đây, Trạm hoạt động lồng ghép với PKĐKKV có 9 cán bộ và thực hiện chuyên môn nhưng hiệu quả không cao. Theo Đề án, PK chuyển thành trạm y tế thì số nhân lực giảm còn 5 cán bộ theo quy định, công tác khám, chữa bệnh diễn ra bình thường, mỗi ngày tiếp đón 15 - 20 lượt bệnh nhân. Tôi cho rằng, chuyển thành trạm y tế là hợp lý với điều kiện hiện nay”.
Đồng quan điểm, y sĩ Quách Thắng Cảnh - Trưởng Trạm Y tế xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ chia sẻ: "Trước đây là phòng khám phục vụ nhân dân 4 xã; thời điểm này, Trạm đã đi vào hoạt động nền nếp, hiện trung bình mỗi tháng tiếp đón khoảng 100 lượt bệnh nhân và phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân”.
Sau khi thực hiện Đề án, đến nay, trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ không còn phòng khám. Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Khương - Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Trước hết phải khẳng định rằng, Đề án hoàn toàn hợp lý theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước. Hiệu quả sau khi điều chuyển, Trạm y tế xã Nghĩa Lộ biên chế giao 6 người, có mặt 5 người (1 bác sĩ; 2 y sĩ, 1 cao đẳng điều dưỡng, 1 hộ sinh trung học) hoạt động với chức năng trạm y tế tinh gọn, đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Ngoài ra, phát huy vai trò của trạm trong các hoạt động như: xây dựng nông thôn mới, xây dựng bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã được ngành và địa phương quan tâm.
Bên cạnh đó, chúng tôi đề xuất với cơ quan chức năng về cơ sở vật chất nhà trạm dư thừa không sử dụng hết, xuống cấp không có nguồn duy tu, bảo dưỡng, chi phí điện, nước, vệ sinh, bảo vệ, phòng, cháy chữa cháy tốn kém... giảm kinh phí ngân sách, phần nào ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân”.
Nhìn nhận thực tế, thời điểm hiện tại toàn tỉnh còn 13 PKĐKKV lồng ghép trạm y tế tại các huyện: Mù Cang Chải, Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn, Yên Bình và Lục Yên. Các PKĐKKV này vẫn đang duy trì và đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trong khu vực. Việc thực hiện Đề án theo đúng lộ trình, đúng Đề án được UBND tỉnh phê duyệt, bước đầu cho thấy, hầu hết các phòng khám chuyển thành trạm y tế đã đi vào hoạt động ổn định, thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế.
Thạc sĩ Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Sở Y tế khẳng định: "Việc sắp xếp, tổ chức lại các phòng khám thuộc trung tâm y tế huyện là một trong những nội dung thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TƯ ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, góp phần thực hiện chủ trương về cải cách tổ chức bộ máy, cải cách chế độ công vụ và công chức, viên chức; thực hiện tinh giản biên chế, giảm đầu mối trong các đơn vị sự nghiệp… Qua đó, giảm nhân lực tránh lãnh phí, tiết giảm ngân sách Nhà nước. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác sử dụng tối đa hiệu quả về nhân lực và trang thiết bị phù hợp với tình hình thực tế; tránh chồng chéo hoạt động và tăng cường nhân lực cho những đơn vị còn thiếu.
Tới đây, Sở Y tế sẽ tiếp tục tiến hành rà soát, đánh giá lại hiệu quả hoạt động của các phòng khám để tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh sắp xếp, tổ chức lại các phòng khám nếu cần thiết để đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu quả phù hợp với nhu cầu của người dân và tình hình thực tế hiện nay”.