Yên Bái ngập sâu, thầy thuốc thắp đèn dầu khám cho dân

Chiều 9/9, TS Dương Huy Lương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế - Trưởng đoàn công tác cùng Phó Giám đốc Sở Y tế Yên Bái Nguyễn Thế Hào đã thăm, kiểm tra công tác phòng chống bão lũ của một số cơ sở y tế tại tỉnh Yên Bái.

Bác sĩ Trần Quang Mạnh – Giám đốc Trung tâm y tế TP Yên Bái cho biết, do chịu ảnh hưởng của bão số 3, Trung tâm y tế TP Yên Bái có 3 trạm y tế (TYT) bị ngập nước là TYT Nam cường, Hồng Hà và Nguyễn Thái Học. Đặc biệt, có 2 trạm bị cô lập hoàn toàn là TYT Tuy Lộc và Hợp Minh.

Hiện tại, đường vào TYT phường Nam Cường đang ngập, nước mênh mông dâng đến cổ, trạm mất điện hoàn toàn. Các nhân viên y tế phải đưa toàn bộ trang thiết bị y tế lên tầng hai để tránh hỏng hóc máy móc.

Đoàn công tác hướng dẫn nhân viên y tế TYT sử dụng thiết bị y tế.

Đoàn công tác hướng dẫn nhân viên y tế TYT sử dụng thiết bị y tế.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hường - Trưởng TYT Nam Cường cho biết, vì là vùng trũng nên ngay sau khi nhận được các văn bản chỉ đạo của cấp trên như Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Sở Y tế tỉnh…, TYT đã chủ động công tác phòng, chống bão và hoàn lưu bão.

TYT chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cấp cứu chấn thương trực tiếp, hoặc gián tiếp do sập, vùi lấp và ứng phó với tình huống thương vong hàng loạt. Đồng thời chuẩn bị các phương án, cơ số thuốc, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu và nhân lực cho công tác cấp cứu đối với tình huống khẩn cấp.

Đoàn công tác thăm hỏi và động viên các cán bộ y tế.

Đoàn công tác thăm hỏi và động viên các cán bộ y tế.

“Chúng tôi đã chủ động di chuyển các trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh, cấp cứu lên tầng 2 đề phòng tình huống ngập lụt gây hỏng hóc máy móc, gián đoạn công tác cứu chữa người bệnh. Các cán bộ y tế thường trực 24/24h, chuẩn bị thuốc cơ động, dự phòng cho người dân bị tiêu chảy, ngã, dị ứng...

Ngoài ra, trước tình trạng mất điện tại trạm, các cán bộ y tế của trạm đã sử dụng đèn pin, đèn dầu phục vụ công tác chuyên môn” - bác sĩ Hường cho biết.

TYT Nam Cường ngập nước mênh mông.

TYT Nam Cường ngập nước mênh mông.

Tại đây, TS Dương Huy Lương cùng đoàn công tác đã thăm hỏi và động viên các cán bộ y tế đã không quản ngại mưa bão nguy hiểm kiên trì bám trụ, khắc phục mọi khó khăn để phục vụ người dân.

Đánh giá cao những nỗ lực của các cán bộ y tế trạm, TS Dương Huy Lương đề nghị TYT kiểm tra các thiết bị pin, lập danh mục thuốc, hộp nhựa bảo quản thuốc; chuẩn bị cơ số thuốc đáp ứng cấp cứu ban đầu. Đặc biệt là các loại thuốc do người dân vùng ngập lụt như thuốc tiêu chảy, cảm lạnh, hen dị ứng,...

Chiến sĩ quân đội cõng một bệnh nhân từ xuồng về nhà.

Chiến sĩ quân đội cõng một bệnh nhân từ xuồng về nhà.

Theo báo cáo nhanh, thống kê ban đầu một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã bị thiệt hại ở các mức độ khác nhau do hậu quả của Bão số 3. Tuy vậy, công tác tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho người bệnh vẫn bảo đảm duy trì, đặc biệt một số ca chấn thương nặng đã được cấp cứu kịp thời.

Trong một diễn biến khác, liên quan đến việc cấp cứu 3 nạn nhân của vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ), trưa 9/9, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã hội chẩn cấp cứu trực tuyến 3 bệnh nhân gặp nạn trong vụ sập cầu này.

Các chuyên gia của Bệnh viện Hữu nghịViệt Đức ngay lập tức đã hội chẩn trực tuyến để hỗ trợ tuyến dưới cấp cứu, điều trị nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu.

Các chuyên gia của Bệnh viện Hữu nghịViệt Đức ngay lập tức đã hội chẩn trực tuyến để hỗ trợ tuyến dưới cấp cứu, điều trị nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu.

Tại Trung tâm Y tế huyện Tam Nông có 3 bệnh nhân vừa được chuyển đến cấp cứu, trong đó có 1 trường hợp chấn thương nặng. Nam bệnh nhân 40 tuổi đi xe máy trên cầu, ngã rơi xuống nước do cầu sập, trôi xuôi dòng về Hưng Hóa dạt vào bờ được người dân vớt lên.

Bệnh nhân vào viện trong tình trạng hoảng loạn, đau đầu, vết thương rộng cẳng chân trái 14-16cm, dị vật cát bẩn, dập nát, xẹp phổi nhỏ ở thùy dưới phổi phải.

Bệnh nhân đã được Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hội chẩn liên chuyên khoa, hướng dẫn đội ngũ bác sĩ tuyến dưới xử trí các tổn thương cho người bệnh, tiếp tục theo dõi và có các phương án điều trị về thần kinh, tim mạch lồng ngực, chấn thương, tiêu hóa,…

Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hội chẩn cấp cứu trực tuyến 3 nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu.

Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hội chẩn cấp cứu trực tuyến 3 nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu.

Ngoài ra có 2 bệnh nhân khác đến viện trong tình trạng xây xước nhẹ cũng đang tiếp tục được theo dõi và động viên tinh thần tại Trung tâm Y tế huyện Tam Nông.

Như Báo Kinh tế & Đô thị đã đưa tin, do mưa lũ diễn biến phức tạp, mực nước trên sông Hồng đoạn qua tỉnh Phú Thọ dâng cao khiến cầu Phong Châu nối liền hai huyện Lâm Thao và Tam Nông tỉnh Phú Thọ bị nước lũ cuốn sập.

Thời điểm sập cầu Phong Châu, có 5 xe ô tô (1 xe tải đầu kéo, 1 xe tải và 3 xe ô tô con) và 4 xe máy cùng ít nhất là 9 người đã rơi xuống lòng sông bị nước lũ cuốn trôi chưa được tìm thấy.

Vân Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/yen-bai-tram-y-te-ngap-sau-thay-thuoc-thap-den-dau-kham-cho-dan.html