Yên Bái triển khai quyết liệt, đồng bộ 3 đột phá chiến lược

Trong nửa nhiệm kỳ qua, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cụ thể hóa bằng việc ban hành đầy đủ, đồng bộ các nghị quyết, chỉ thị, đề án, chính sách bảo đảm toàn diện trên các lĩnh vực.

Lãnh đạo huyện Trấn Yên giới thiệu về sản phẩm của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Việt Thành với đoàn công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương trong dịp đoàn thăm và làm việc tại huyện tháng 6/2023.

Lãnh đạo huyện Trấn Yên giới thiệu về sản phẩm của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Việt Thành với đoàn công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương trong dịp đoàn thăm và làm việc tại huyện tháng 6/2023.

ĐỔI MỚI, HOÀN THIỆN, BAN HÀNH ĐỒNG BỘ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH

Để hoàn thành được mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ 2020 - 2025, quyết tâm đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vào năm 2030, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 3 đột phá chiến lược và 7 nhiệm vụ trọng tâm.

"Triển khai quyết liệt, đồng bộ 3 đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh” là một trong những nội dung đã được Tỉnh ủy nhấn mạnh trong đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh.

Đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển là một nội dung trong 3 đột phá chiến lược của tỉnh.

Trong nửa nhiệm kỳ qua, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cụ thể hóa bằng việc ban hành đầy đủ, đồng bộ các nghị quyết, chỉ thị, đề án, chính sách bảo đảm toàn diện trên các lĩnh vực, gồm: 11 nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy; 80 nghị quyết, chỉ thị, quy định, đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; 54 nghị quyết, 32 đề án, chính sách của HĐND, UBND tỉnh.

Điểm nổi bật là hàng năm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành chương trình hành động lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của năm với tư duy đổi mới, quyết tâm chính trị cao, rõ người, rõ việc, rõ sản phẩm, dễ kiểm tra, giám sát, dễ đánh giá.

>> Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy: Tập trung triển khai hiệu quả 3 đột phá chiến lược, 7 nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIX

Các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã định hướng về quan điểm chỉ đạo, đề ra mục tiêu, các nhiệm vụ giải pháp cụ thể, tập trung lãnh đạo các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội toàn diện trên các lĩnh vực: phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững; phát triển công nghiệp bền vững, hiệu quả, thân thiện với môi trường; phát triển du lịch, dịch vụ; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; thực hiện chuyển đổi số; nâng cao chất lượng, chăm sóc bảo vệ nhân dân; bảo đảm an ninh - quốc phòng.

Đồng chí Vũ Quỳnh Khánh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: HĐND tỉnh đã ban hành các chính sách, nghị quyết bám sát nghị quyết của Tỉnh ủy, nghị quyết, chỉ thị, quy định, đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các quy định khung của trung ương. Các cơ chế, chính sách có nhiều đổi mới, ngày càng được hoàn thiện và đồng bộ, trong đó tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế, khơi thông các nguồn lực, điểm nghẽn, tháo gỡ những nút thắt để thúc đẩy hiệu quả quá trình cơ cấu lại nền kinh tế.

Đồng thời, HĐND tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ về phát triển kinh tế tập thể, giao thông nông thôn, các chính sách đặc thù của tỉnh như: hỗ trợ khắc phục thiên tai, bão lũ; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ứng phó với dịch bệnh Covid-19; hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế đối với người dân tại các xã đặc biệt khó khăn khi được công nhận đạt chuẩn NTM; hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; một số chính sách thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh…

UBND tỉnh, các sở, ban, ngành đã ban hành các hướng dẫn để triển khai thực hiện bảo đảm thực hiện các nghị quyết, chính sách kịp thời. Các nghị quyết, chỉ thị, đề án, chính sách của Tỉnh ủy, HĐND, UBND là cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức thực hiện và sớm đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.

Đồng chí Nông Việt Yên - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mù Cang Chải cho biết: "Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện đã bám sát mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy để cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, chi tiết, rõ người, rõ việc theo đúng phương châm "giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”.

Theo đó, đã xây dựng và ban hành 4 chương trình hành động, 35 kế hoạch, 1 hướng dẫn để cụ thể hóa và triển khai thực hiện các nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, trong 23 chỉ tiêu chủ yếu được Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX xác định đã có 8 chỉ tiêu đạt và vượt, 7 chỉ tiêu đạt trên 90%, 4 chỉ tiêu đạt trên 70%.

Trong các chỉ tiêu được giao tại Chương trình hành động số 10-CTr/TU của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, đến nay đã có 20/29 chỉ tiêu đạt trên 90%; các chỉ tiêu còn lại đang thực hiện, đảm bảo tiến độ đề ra”.

Theo đồng chí Trần Nhật Tân - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Trấn Yên, huyện đã cụ thể hóa, ban hành đầy đủ các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo theo đúng định hướng, mục tiêu, quan điểm Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Đến nay, cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM bền vững trên địa bàn huyện được triển khai đồng bộ, quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện, tạo động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

>> Thông qua 19 chỉ tiêu, 3 đột phá chiến lược, 7 nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ 2020 - 2025

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Vũ Quỳnh Khánh cho rằng, các nghị quyết, chỉ thị, đề án, chính sách của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh được ban hành đồng bộ, huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Tổng đầu tư phát triển toàn xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến đạt 100.000 tỷ đồng.

Trong đó, thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài ngân sách để xây dựng phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng; hạ tầng đô thị, khu công nghiệp, xây dựng NTM; hạ tầng công nghệ thông tin, y tế, giáo dục; tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương trong tỉnh.

3 đột phá chiến lược của tỉnh Yên Bái

(1) Đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả gắn với kiểm tra, giám sát chặt chẽ quyền lực; tập trung cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh số hóa trong quản lý xã hội và phục vụ nhân dân, thiết thực nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

(2) Phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là nâng cao chất lượng nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phát huy giá trị, bản sắc văn hóa, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của con người Yên Bái, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển.

(3) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông, thông tin, viễn thông, thủy lợi, hạ tầng đô thị, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, liên kết nông thôn với đô thị, công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp và liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển.

ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC

Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, thành phố Yên Bái đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật, nhân lực quản trị doanh nghiệp, lao động lành nghề đáp ứng yêu cầu của công nghệ số.

Theo đó, thành phố đã ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động số 15-CTr/TU ngày 18/6/2021 của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU của Tỉnh ủy, ngày 20/1/2021 về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025; Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025; thực hiện tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp theo hình thức đặt hàng.

Dự kiến đến hết năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85,3%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng chứng chỉ ước đạt 66%. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị đảm bảo "Chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo, liêm chính”, thành phố xây dựng, triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trẻ thành phố Yên Bái 2021; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Yên Bái năm 2022 và giai đoạn 2022 - 2025 nhằm nâng cao chất lượng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố Yên Bái đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thành phố đã chú trọng tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ, kết hợp chấm điểm khảo sát đánh giá chất lượng cho cán bộ trên nhiều lĩnh vực, cho nhiều nhóm đối tượng. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thành phố, bảo đảm đủ phẩm chất chính trị, vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của thành phố trong giai đoạn mới.

Cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Yên Bình luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Yên Bình luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nửa đầu nhiệm kỳ, huyện Yên Bình cũng triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, đề án, chính sách của tỉnh về phát triển nguồn nhân lực, Chương trình hành động số 08-CTr/HU ngày 17/04/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn bám sát với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm, xây dựng nông thôn mới, các ngành nghề chủ lực của huyện và nhu cầu học nghề của người lao động để giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập. Từ năm 2021 - 2023, huyện đã tổ chức được 54 lớp đào đạo nghề cho lao động nông thôn.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có gần 9.500 lao động được tạo việc làm mới, tỷ lệ lao động qua đào tạo gần 73%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 38,5%; tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp giảm từ 66,2% xuống còn 52,9%.

Cùng đó, huyện chú trọng quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các phòng, ban chuyên môn của huyện, cán bộ chủ chốt các xã, thị trấn đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Đến nay, 100% cán bộ, công chức cấp huyện có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên; trên 91% viên chức sự nghiệp khác có trình độ từ đại học trở lên đạt; 85% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn đại học trở lên.

Huyện hiện có 8 cán bộ, công chức, viên chức tham gia Đề án 11- ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”.

Từ đầu nhiệm kỳ, huyện đã cử 18 cán bộ đi đào tạo và học hoàn thiện cao cấp lý luận chính trị, 38 cán bộ đi đào tạo tập trung trung cấp lý luận chính trị, 148 cán bộ tham gia bồi dưỡng kiến thức mới, 260 cấp ủy viên cơ sở, 178 bí thư chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng tại tỉnh.

Ngoài việc cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng ở tỉnh, huyện chủ động mở 1 lớp trung cấp lý luận chính trị (vừa học vừa làm) cho 86 học viên; 1 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng cho 84 bí thư, phó bí thư đảng ủy cơ sở.

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Yên Bái đã triển khai đồng bộ các giải pháp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm theo nhu cầu của thị trường.

Với 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Yên Bái đã đào tạo nghề cho trên 49.900 người, đạt trên 92% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66%, trong đó tỷ lệ qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 34%; hỗ trợ giải quyết việc làm cho gần 54.600 lao động, đạt trên 93% kế hoạch; chuyển dịch được 19.520 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, đạt trên 96% kế hoạch.

Để xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tỉnh tập trung cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị gắn với tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm tiêu chuẩn và khung năng lực vị trí việc làm; ban hành và thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về một số chính sách phát triển nguồn nhân lực tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025.

Trong 2 năm 2021 - 2022, tỉnh đã thu hút được 25 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, bác sĩ nội trú và giáo viên tiếng Anh, Tin học về công tác tại tỉnh, dự kiến năm 2023 thu hút tuyển dụng 112 chỉ tiêu vào các đơn vị sự nghiệp y tế và giáo dục; đào tạo nâng cao trình độ sau đại học cho 208 cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo, bồi dưỡng về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tiêu chuẩn chức danh cho 30.314 lượt cán bộ, công chức, viên chức, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của tỉnh.

Cùng đó, tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả Đề án số 11-ĐA/TU ngày 8/8/2018 của Tỉnh ủy về "Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”; trên cơ sở kết quả sau 3 năm thực hiện Đề án, đã tuyển chọn bổ sung 60 cán bộ.

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã và đang thúc đẩy việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực có năng lực, trình độ, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, thể lực, phẩm chất đạo đức tốt, tác phong làm việc chuyên nghiệp, hiện đại…, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của tỉnh.

HUY ĐỘNG, SỬ DỤNG HIỆU QUẢ CÁC NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG

Trong nửa nhiệm kỳ qua, tỉnh đã huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng giáo dục, y tế…, góp phần tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Giao thông là một trong những lĩnh vực trọng tâm được xác định trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ. Nghị quyết số 56/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh cũng đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đó là "Ưu tiên các dự án kết nối các tuyến quốc lộ với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, dự án liên kết vùng và kết nối tỉnh Yên Bái với các địa phương trong vùng trung du và miền núi phía Bắc, tập trung vào một số công trình trọng điểm; một số tuyến đường kết nối vùng, liên vùng quan trọng”.

Để cụ thể hóa và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đó, trong giai đoạn 2021- 2025, trên địa bàn tỉnh có 26 dự án, công trình trọng điểm do UBND tỉnh quyết định đầu tư, tổng mức đầu tư đến nay khoảng 12.977 tỷ đồng; trong đó có 17 dự án, công trình phát triển hạ tầng giao thông, tổng mức đầu tư là 9.557 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 65,38% danh mục các dự án trọng điểm và chiếm 73,64% tỷ trọng vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm trong giai đoạn 2021 - 2025.

Hạ tầng đô thị khu vực trung tâm thành phố Yên Bái được đầu tư khang trang, hiện đại.

Hạ tầng đô thị khu vực trung tâm thành phố Yên Bái được đầu tư khang trang, hiện đại.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đỗ Việt Bách cho biết: "Đến nay, tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng các dự án, công trình giao thông trọng điểm, kết nối vùng, liên vùng, kết nối hạ tầng giao thông của tỉnh với tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Một số dự án kết nối vùng, liên vùng do Bộ Giao thông vận tải quyết định đầu tư trên địa bàn cũng đã được đầu tư xây dựng”.

Trên địa bàn huyện Lục Yên, dấu ấn lớn nhất trong phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương trong những năm qua cũng là nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm được đầu tư, đưa vào sử dụng, như: tuyến đường Lục Yên - Bảo Yên; tuyến đường Tân Lĩnh - Tân Lập - Phan Thanh; tuyến đường Liễu Đô - Minh Tiến - An Phú; tuyến đường Liễu Đô - Mường Lai…

Từ năm 2020 đến nay, toàn huyện đã triển khai thực hiện 133 dự án mở mới, mở rộng, cải tạo, nâng cấp làm đường giao thông nông thôn với tổng số trên 4.500 hộ gia đình tự nguyện hiến trên 556.000 m2 đất, trên 25.800 công trình, vật kiến trúc trên đất, gần 161.000 cây cối, ước tổng giá trị quy đổi hơn 214 tỷ đồng. Nhờ đó, các tuyến đường giao thông của huyện trong thời gian qua được triển khai sớm hơn so với lộ trình, đẩy nhanh tiến độ thi công.

Đồng chí Hoàng Hữu Độ - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lục Yên cho biết: "Đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội của huyện có mặt chưa đáp ứng yêu cầu. Một trong những khó khăn là hệ thống giao thông trên địa bàn huyện với các tuyến đường liên xã được đầu tư từ những năm 2000 và đã xuống cấp; cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục còn thiếu…”.

Để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tạo động lực và phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi, cùng với đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, huyện Lục Yên đã tập trung các nguồn lực để đầu tư nhiều công trình hạ tầng xã hội: đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 135 phòng học, xây mới 13 nhà hành chính quản trị, nhà công vụ, 9 công trình bếp công, 2 công trình nước sạch, 2 nhà giáo dục nghệ thuật và nhà giáo dục thể chất, cùng các hạng mục phục vụ cho công tác dạy và học; củng cố và phát triển mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở; chỉnh trang nâng cấp khu trung tâm thị trấn Yên Thế theo hướng xanh - sạch - đẹp; tu bổ và xây mới 41 nhà văn hóa. Hạ tầng kỹ thuật viễn thông từ huyện đến cơ sở được đầu tư và phát triển rộng khắp, phục vụ công tác chuyển đổi…

Thành phố Yên Bái thì phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị, văn hóa, thông tin, viễn thông. Được sự quan tâm của tỉnh cùng với huy động, lồng ghép sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, hạ tầng kinh tế - xã hội của thành phố tiếp tục có bước phát triển đột phá với nhiều công trình, dự án trọng điểm quan trọng của tỉnh, thành phố được đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả.

Đến nay, cơ bản các tuyến đường giao thông chính trong nội thành đã được trải thảm bê tông nhựa, bảo đảm theo tiêu chuẩn cấp đường đô thị; hạ tầng đô thị, hạ tầng điện, thủy lợi, nước sạch, thông tin và truyền thông tiếp tục được quan tâm, đầu tư từng bước hoàn thiện, phục vụ nhu cầu sản xuất và nhu cầu sử dụng của người dân.

Hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng đạt chuẩn; 100% trường học công lập trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia; 15/15 xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Nhiều công trình văn hóa lớn được đầu tư đưa vào sử dụng.

Thành phố còn tận dụng tối đa các quỹ đất dôi dư để đầu tư xây dựng, phát triển các thiết chế văn hóa cơ sở. Từ sau Đại hội Đảng bộ khóa XX đến nay, thành phố đã triển khai xây dựng được 20 nhà văn hóa kiểu mẫu, 24 tiểu công viên, khuôn viên kết hợp khu vui chơi, thể dục, thể thao; 18 sân thể thao…

Trong nửa nhiệm kỳ qua, Yên Bái đã huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm. Cơ cấu nguồn vốn đầu tư chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng vốn đầu tư Nhà nước, tăng tỷ trọng vốn đầu tư ngoài Nhà nước; trong đó, nguồn lực Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, là đòn bẩy để thu hút các nguồn lực đầu tư từ ngoài Nhà nước.

Các nguồn vốn đầu tư luôn tập trung ưu tiên cho các công trình, dự án trọng điểm có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chủ yếu là lĩnh vực giao thông. Tổng số vốn đầu tư phát triển từ đầu nhiệm kỳ đến nay ước đạt 44.880 tỷ đồng, bằng 44,88% mục tiêu kế hoạch. Tiến độ giải ngân đầu tư công đạt khá, luôn nằm trong nhóm 20 tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước và được trung ương giao bổ sung vốn.

Phạm Thu Hạnh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/11/298706/yen-bai-trien-khai-quyet-liet-dong-bo-3-dot-pha-chien-luoc.aspx