Yên Bái xác định 6 mục tiêu trong bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2025
Nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP); kiểm soát và bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, dịch, bệnh truyền qua thực phẩm… tỉnh Yên Bái xác định 6 mục tiêu trong bảo đảm ATTP năm 2025.
Theo đó, Yên Bái sẽ tập trung nâng cao kiến thức, thực hành về ATTP cho các nhóm đối tượng; tăng cường năng lực, hiệu quả của hệ thống quản lý ATTP; cải thiện rõ rệt tình trạng bảo đảm ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; cải thiện tình trạng bảo đảm ATTP của các cơ sở dịch vụ ăn uống; kiểm soát chặt chẽ hàng hóa lưu thông, phân phối; ngăn chặn việc kinh doanh hàng thực phẩm giả, thực phẩm nhập lậu, gian lận thương mại; kiểm soát các cơ sở kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật, các vật tư nông nghiệp; tăng cường phòng chống ngộ độc thực phẩm, hạn chế các bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể: Yên Bái phấn đấu có 100% cán bộ làm công tác ATTP từ cấp tỉnh đến cấp xã, có kiến thức và được cập nhật thường xuyên kiến thức về ATTP thông qua hình thức hội thảo, hội nghị, tập huấn. 90% người sản xuất, chế biến, người kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng và chủ cơ sở được cập nhật kiến thức về ATTP. 90% cơ sở sản xuất thực phẩm thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP được cấp giấy chứng nhận. 85% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP được cấp giấy chứng nhận.
80% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP được tổ chức ký cam kết và được kiểm tra sau khi ký cam kết. Riêng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật (trừ động vật thủy sản): 50% cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP được tổ chức ký cam kết và được kiểm tra sau khi ký cam kết. Tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 22000 hoặc tương đương tăng 10% so với năm 2024. 90% số chợ quản lý được kiểm soát về an toàn thực phẩm…
Cùng với đó, 100% bếp ăn tập thể theo phân cấp quản lý được thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm ít nhất 1 lần/năm. 100% vụ ngộ độc thực phẩm báo cáo được điều tra, xử lý kịp thời. Khống chế tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính được ghi nhận dưới 07 người/100.000 dân…