Yên Bình đưa khát vọng vươn xa

Ngày 6/2/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 157/QĐ-TTg công nhận huyện Yên Bình đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2023. Đây là kết quả sau những nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và người dân của huyện nằm ở cửa ngõ phía Nam của tỉnh Yên Bái khi biết khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Yên Bình hôm nay

Yên Bình hôm nay

Đến với Yên Bình trong những ngày tháng 6, cờ Tổ quốc tung bay trong gió, người dân tích cực ra quân dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm sạch đẹp; nơi công sở làm việc, cổng chào các thôn treo băng rôn, khẩu hiệu, cờ phướn, bảng điện tử, pano…

Tất cả thể hiện niềm vui mừng, tự hào của mình trước sự kiện đầy dấu ấn đồng lòng của "ý Đảng - lòng dân”. Bởi họ hiểu rằng trong xây dựng nông thôn mới (NTM), người dân là chủ thể nhưng cũng là người hưởng thụ những thành quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM mang lại.

Yên Bình - mảnh đất của ngõ phía Nam của tỉnh Yên Bái mang đầy đủ các đặc điểm của một địa phương miền núi, dân tộc nhưng lại có những nét đặc thù riêng. Với 24 xã, thị trấn, địa hình chủ yếu là đồi núi dốc và bị chia cắt bởi mặt nước hồ thủy điện Thác Bà, huyện không có nhiều lợi thế trong sản xuất lương thực và thường xuyên phải hứng chịu thiên tai. Là huyện có trên 10 dân tộc chung sống, trình độ dân trí còn hạn chế, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều yếu kém; điểm xuất phát thấp…

Trước khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, có thời điểm huyện có tới 1/3 số xã thuộc diện xã vùng III đặc biệt khó khăn và 1/4 số thôn của các xã vùng II là thôn đặc biệt khó khăn. Vì vậy, ngay từ khi bắt đầu, huyện Yên Bình luôn xác định xây dựng NTM đối với các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Bởi từ Chương trình sẽ loại bỏ dần những tập quán làm ăn lạc hậu, xóa đói giảm nghèo. Để thực hiện mục tiêu này, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc với phương châm "Tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau, mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống của người dân". Sau hơn 10 năm triển khai, đến nay Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả hết sức ấn tượng.

Lãnh đạo huyện Yên Bình thăm một mô hình bưởi đặc sản ở xã Đại Minh

Lãnh đạo huyện Yên Bình thăm một mô hình bưởi đặc sản ở xã Đại Minh

Còn nhớ, năm 2011, khi mới bắt tay vào thực hiện xây dựng NTM, tổng cộng số tiêu chí hoàn thành của tất cả các xã mới đạt chưa đầy 70 tiêu chí, bình quân chưa đạt 4 tiêu chí/xã. Suốt những năm đầu triển khai thực hiện, mặc dù đã tập trung cao sự lãnh đạo, chỉ đạo nhưng hết năm 2015 vẫn chưa có xã nào đạt đủ tiêu chí để được công nhận đạt chuẩn NTM. Gần 10 năm kiên trì vượt khó với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, nhiều cách làm sáng tạo, đến hết năm 2023, toàn huyện đã có 22/22 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 17 thôn NTM kiểu mẫu.

Huyện đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 53,2 triệu đồng (tăng 35,5 triệu đồng so với năm 2011); chỉ số hạnh phúc của người dân đạt gần 70%...Nhiều tiêu chí đạt chất lượng cao như: quy hoạch; xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, thủy lợi; thông tin và truyền thông, y tế, giáo dục, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, lao động có việc làm, thu nhập, tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế. Đặc biệt, thời gian qua, mỗi năm, huyện có hàng ngàn hộ thoát nghèo nhờ các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 4-5%/năm.

Có thể thấy, đến nay diện mạo nông thôn miền núi trên địa bàn huyện đã có thay đổi mạnh mẽ. Kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện; tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội được tăng cường và bảo đảm.

Là người đã có nhiều năm gắn bó với mảnh đất Yên Bình, tôi hiểu hơn về những khó khăn khi mà địa phương thực hiện Chương trình xây dựngNTM. Rất nhiều chuyến công tác, tôi đến với xã Xuân Long, một xã từng được biết đến là xã vùng cao duy nhất, là nơi có địa bàn rộng, chủ yếu là núi cao, mặt nước hồ, đất canh tác nông nghiệp ít, 85% dân cư là người dân tộc thiểu số, cơ sở hạ tầng vừa thiếu và yếu, thu nhập của người dân còn thấp so với mặt bằng chung, tỷ lệ hộ nghèo có năm còn tới trên 60%… Vậy mà, vượt qua tất cả những điều kiện không thuận lợi đó, Xuân Long, xã xa nhất, khó khăn nhất nhì của huyện Yên Bình, bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự đồng lòng của bà con nhân dân, đã cán đích NTM vào năm 2020 và chỉ sau đó 3 năm, xã tiếp tục được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.

Nhớ lại những ngày đầu bắt tay vào thực hiện xây dựng miền quê đáng sống, đồng chí Nguyễn Ngọc Trường, một trong những Bí thư Đảng ủy xã trẻ nhất huyện kể lại: "Thời gian đầu, khi quán triệt các tiêu chí xã NTM, cả xã chẳng mấy ai tin Xuân Long có ngày đạt chuẩn NTM. Đảng ủy đã họp nhiều lần với các chi bộ thôn, với các tổ chức đoàn thể để xác định rõ những khó khăn, thách thức cũng như tiềm năng và thuận lợi, từ đó tập trung phát huy nội lực, kết hợp lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội để xây dựng NTM. Bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân nên việc xây dựng NTM ở đây đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Kết quả đó chính là nhờ vào sự chung sức, đồng lòng của nhân dân và chính quyền địa phương”.

Như để minh chứng cho lời nói của mình, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Long đã dẫn chúng tôi đi "mục sở thị” về sự thay da đổi thịt mà xây dựng NTM mang lại. Nếu như trước đây, xã vùng cao Xuân Long bộn bề khó khăn thì nay đã khoác lên mình "tấm áo mới”. Nhiều mô hình phát triển sản xuất mới đã làm thay đổi rõ nét trong phát triển nông lâm nghiệp; hệ thống đường giao thông được bê tông hóa, nhựa hóa đạt trên 95%. Các công trình như trường học được đầu tư xây dựng sửa chữa, nâng cấp đều đạt chuẩn quốc gia. Các công trình nhà văn hóa, sân thể thao, nhà bia ghi danh liệt sỹ, khu vui chơi… được xây dựng kiên cố, bảo đảm phục vụ nhân dân. Các chính sách xã hội và an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của người dân, đặc biệt là các hộ có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm và ngày càng được cải thiện.

Trên địa bàn xã gần như không còn nhà tạm, nhà dột nát... Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống chỉ còn hơn 6%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 51 triệu đồng năm 2023... An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Rời Xuân Long, chúng tôi xuôi theo tuyến đường Đông hồ- "công trường đỏ" huyền thoại những năm sau chuyển dân. Những năm 70 của thế kỷ trước, với khát vọng nối các xã với nhau để xóa bỏ thế cô lập, học tập mô hình mở "con đường hạnh phúc" ở Hà Giang, huyện đã ban hành chủ trương mỗi năm vào thời điểm giữa hai vụ sản xuất huy động lực lượng lao động của các xã tham gia các đội dân công tập trung trong 3 tháng để mở tuyến đường ven hồ Thác Bà, hình thành về cơ bản tuyến đường hiện nay. Sau nhiều năm, đặc biệt là trong 2 năm ( 2022-2023), con đường được nhân dân đồng tình ủng hộ, tự nguyện dịch rào, hiến đất để mở rộng đạt tiêu chuẩn đường cấp 4 miền núi, 2/3 chiều dài toàn tuyến đã được thảm nhựa.

"Thật đúng là con đường của ý Đảng - lòng dân, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi nhà", ông Trần Văn Hiếu, người đã tham gia dân công mở đường năm nào cũng là người vừa tự nguyện dỡ bỏ hàng chục mét vuông hàng quán, nhà ở để mở rộng mặt đường qua trung tâm xã Phúc An, bộc bạch.

Chúng tôi đến xã Đại Minh. Đây là xã vùng thấp, có nhiều thuận lợi hơn các địa phương khác trong huyện và là một trong hai xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn NTM. Sau khi về đích xã NTM nâng cao năm 2020, xã Đại Minh tiếp tục nâng cao các tiêu chí xây dựng thôn NTM kiểu mẫu. Nhờ huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, phong trào xây dựng thôn NTM kiểu mẫu ở địa phương đã có nhiều mô hình, cách làm hay được người dân đồng tình hưởng ứng.

Ghé thăm nhà hội viên cựu chiến binh Hoàng Thanh Nghị ở thôn Làng Cần, chúng tôi không khỏi trầm trồ, háo hức khám phá khi nhà ông nằm lọt giữa vườn bưởi xanh tốt trĩu quả và vườn lan đang kỳ trổ hoa thơm ngát.

Rót chén trà thơm mời khách, ông kể: Để thực hiện thành công xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu, xã đã chọn thôn Làng Cần làm điểm xây dựng thôn NTM kiểu mẫu, chi bộ thôn kiểu mẫu để đánh giá, rút kinh nghiệm nhân rộng ra các thôn trong toàn xã. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, UBND xã, chi bộ thôn đã xây dựng kế hoạch, tổ chức đăng ký thực hiện. Nhờ phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên nên ngay khi phát động 100% số hộ trong thôn đều đăng ký thực hiện các tiêu chí thôn NTM kiểu mẫu. Hết năm 2023, thôn đã được UBND huyện thẩm định đánh giá đạt thôn nông thôn mới kiểu mẫu, chi bộ Thôn Làng Cần được công nhận là Chi bộ kiểu mẫu.

Về Đại Minh hôm nay, vào mỗi thôn làng mọi người đều cảm nhận được sự đổi thay của một xã NTM kiểu mẫu. Đó là những con đường rộng thênh thang sạch đẹp, được thắp sáng hàng đêm, hai bên là hoa và những hàng cây xanh bóng mát, hàng tường rào ngay ngắn và những ngôi nhà nằm trong khu vườn bưởi hữu cơ khang trang, sạch đẹp, toát lên cuộc sống ấm no, thanh bình của làng quê đổi mới.

Dừng chân dưới chân núi Ngàng hùng vĩ, chúng tôi lại vào thăm xã Mỹ Gia, quê hương cách mạng. Trong Cách mạng tháng 8/1945, Mỹ Gia là địa phương có phong trào Việt Minh phát triển nhanh, mạnh. Đội tự vệ xã Mỹ Gia và Yên Phú là một trong những đơn vị lực lượng vũ trang địa phương đầu tiên của huyện Yên Bình được thành lập, góp phần quan trọng vào kết quả cuộc khởi nghĩa vũ trang, đánh đồn Chợ Ngọc, giải phóng phủ lỵ, lật đổ chính quyền tay sai Nhật - Pháp, lập nên chính quyền cách mạng huyện Yên Bình. Những năm 60, hàng trăm hộ dân của xã đã tình nguyện để lại ruộng vườn, nhà cửa, mồ mả tổ tiên để chuyển đến vùng đất mới.

Nơi quê mới dưới chân núi Ngàng, xã chỉ còn chưa đầy 20.000 ha đất tự nhiên, trong đó ruộng nước chỉ có vài héc ta cấy lúa một vụ. Mặc dù đã từng là vùng trọng điểm để phát triển trồng xả, cà phê...nhưng Mỹ Gia vẫn không thoát được cảnh nghèo... Giờ đây, sau hơn 10 năm nỗ lực phấn đấu, từ một xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, Mỹ Gia đã vươn mình khởi sắc. Xã đã tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm và ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất...

Đồng thời, Mỹ Gia đẩy mạnh phát triển các mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại nông lâm kết hợp, thực hiện tốt các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, "Dân vận khéo”, "Xây dựng gia đình 6 không, 6 sạch”, " vườn NTM"... góp phần tích cực trong việc vận động toàn dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường trên địa bàn. Với những cách làm sáng tạo, chỉ chưa đầy 5 năm, Mỹ Gia đã hoàn thành mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao. Và đó được coi là một kỳ tích ở một địa phương miền núi vốn rất nghèo, đi lên từ điểm xuất phát thấp.

Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm, những thành quả đạt được trên các lĩnh vực xây dựng NTM của huyện Yên Bình là rất quan trọng, tạo những bước đà chắc chắn để kinh tế - xã hội được đẩy mạnh hơn nữa trong giai đoạn tới. Ông Lý Trung Thuộc, một cán bộ lão thành của huyện trải lòng: Mừng lắm, vui lắm nhưng cũng còn nhiều trăn trở bởi kết quả có mặt vẫn chưa thật bền vững. Cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở vẫn đang mong mỏi ở những quyết sách mới. Cần lắm những nguồn lực mới... Cơ cấu kinh tế ưu tiên cho công nghiệp– xây dựng - du lịch là phù hợp, nhưng không vì thế mà không coi trọng vai trò trụ đỡ của nông nghiệp; không vì thế mà cứ mãi luẩn quẩn với vài sản phẩm OCOP đơn điệu theo mùa vụ trên những khoảnh rừng, mảnh ruộng manh mún.

Ước mong sản phẩm nông sản quê mình như trái bưởi, con cá, hạt gạo...sẽ phong phú hơn và được nâng tầm thành thương hiệu xanh, sạch có thể xuất khẩu, người nông dân không còn canh cánh lo cảnh được mùa, mất giá. Mong lắm những cánh đồng được dồn điền đổi thửa, tích tụ để giải phóng sức sản xuất, giải phóng tư duy làm nông nghiệp.

Xây dựng NTM ở Yên Bình có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.

Xây dựng NTM ở Yên Bình có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.

Nghe tôi nói về Quy hoạch xây dựng hồ Thác Bà thành Khu du lịch quốc gia, ông vui vẻ: Cảm ơn Đảng, Chính phủ đã quan tâm, đánh thức một tiềm năng du lịch lớn của Tỉnh. Thác Bà không chỉ có những di tích lịch sử, danh thắng và trang sử hào hùng về Chúa Bầu, về những cuộc chiến đấu trong chiến tranh, về cuộc đại chuyển dân… mà cần được cả nước biết đến với những sản phẩm du lịch đa dạng ngang tầm những thiên đường khác….

Và Yên Bình chúng ta đâu chỉ có hồ Thác Bà, sản phẩm tinh hoa hương đất, hương cây, hương rừng mà còn ấn tượng với tinh hoa văn hóa vùng sông Chảy và sự độc đáo trong đời sống văn hóa của các tộc người: Cao Lan, Tày, Nùng, Dao… với những điệu then, khắp, cọi, sình ca, ải dung... là những giá trị văn hóa đang và sẽ luôn được giữ gìn cho muôn đời sau.

Hành trình 13 năm xây dựng NTM của huyện Yên Bình dù đứng trước không ít khó khăn, thách thức, nhưng trên nền tảng phát huy nội lực, sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và vận dụng kịp thời các chính sách, sự đồng lòng, quyết tâm, sáng tạo của hệ thống chính trị và đặc biệt là khéo léo trong công tác dân vận để khơi dậy sức dân - Yên Bình đã thu về "trái ngọt” của "ý Đảng - lòng dân” khi trở thành huyện nông thôn mới thứ hai của tỉnh Yên Bái và huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025. Chặng đường đi tới còn dài và rất nhiều mùa xuân nữa ở phía trước.

Thành công đạt được hôm nay trong công cuộc xây dựng NTM của huyện đã tạo dựng nền móng mới, căn cứ thực tiễn để xây dựng quy hoạch, kế hoạch, dự án cho tương lai với khát vọng hội nhập và vươn xa. Trong niềm vui hân hoan hôm nay, nhân dân các dân tộc trong huyện lại càng mong mỏi và tin tưởng vào sự đổi mới trong tư duy và nhiệt huyết, quyết tâm trong mỗi tấm lòng cán bộ, đảng viên. Mong rằng mỗi tấm lòng ấy sẽ là những ngọn lửa, tuy nhỏ, nhưng mạnh mẽ, sẵn sàng góp lại thành mặt trời, thổi bùng sự thành công rực rỡ của bất cứ dự định, kế hoạch nào trong tương lai…

Sẽ là hành trình không ngừng, Yên Bình, đúng như tên gọi, sẽ từng ngày vươn mình trở thành vùng quê trù phú, yên bình, giàu bản sắc. Diện mạo mới, sức sống mới của huyện NTM đang hiện hữu thật rõ nét chính là động lực, là niềm tin, kỳ vọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Yên Bình không ngừng phấn đấu với ý chí, khát vọng vươn xa, quyết tâm xây dựng huyện phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”, con người Yên Bình "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, trở thành huyện chuyển đổi số, huyện nông thôn mới thực chất và là miền quê đáng sống, là niềm tự hào của mỗi người dân nơi đây.

Nguyễn Dũng Giang (Nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Bình)

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/11/324559/yen-binh-dua-khat-vong-vuon-xa.aspx