Yên Bình phát triển cây quế hữu cơ hướng tới vùng nguyên liệu bền vững
Gắn bó mật thiết với cây quế nhiều năm, người dân huyện Yên Bình đã và đang nỗ lực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mở rộng diện tích góp phần xây dựng vùng nguyên liệu sạch, bền vững góp phần đưa sản phẩm quế của địa phương vươn xa.
Theo ông Lương Văn Tuyến - Trưởng thôn Tân Bình, xã Tân Hương, người dân trong thôn đã trồng quế từ năm 1993, phát triển từ những nhóm hộ tham gia trồng quế cộng đồng được Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ. Sau khi trồng được 12 đến 14 năm, cây quế cho giá trị kinh tế cao hơn so với các cây trồng khác nên bà con bắt đầu học hỏi, chuyển đổi cơ cấu, mở rộng diện tích. Đến nay, cây quế đã trở thành cây trồng chủ lực của thôn với diện tích 450 ha, lớn nhất xã Tân Hương. Thu nhập của người dân từ trồng quế đạt mức khá cao, từ 48 đến 50 triệu đồng/người/năm.
Ông Tuyến chia sẻ: "Trồng quế đã giúp người dân trong thôn vươn lên phát triển kinh tế bền vững. Người dân đã và đang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc cây quế theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Để phát triển diện tích quế hữu cơ, xã cũng thường xuyên cử cán bộ khuyến nông xuống hỗ trợ người dân về kỹ thuật, đồng thời người dân cũng tích cực tham gia các lớp tập huấn, tham quan các mô hình trồng quế hữu cơ tại huyện Văn Yên, huyện Trấn Yên để nâng cao kỹ thuật, về áp dụng tại diện tích của gia đình”.
Ông Tạ Minh Nhất - Chủ tịch UBND xã Tân Hương cho biết, hiện nay, toàn xã có 2.000 ha rừng, trong đó có 1.200 ha quế. Thu nhập của người trồng quế tại xã tương đối cao, trung bình từ 55 đến 60 triệu đồng/người/năm. "Sau 30 năm trồng quế, đời sống của người trồng quế được nâng lên rõ rệt. Nhà khang trang xuất hiện nhiều càng nhiều trên địa bàn. Người dân cũng chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang phát triển, mở rộng diện tích quế” - ông Nhất phấn khởi.
Để tiếp tục phát triển, nâng cao giá trị cây quế, năm 2023, UBND xã Tân Hương đã chủ động liên hệ với Công ty Quế hồi Việt Nam để quảng bá, giới thiệu sản phẩm quế tại địa phương, đồng thời phối hợp với Công ty xây dựng Đề án phát triển quế hữu cơ tại địa phương với tổng diện tích 1.000 ha. Sau 2 năm thực hiện Đề án, xã đã có trên 100 ha quế hữu cơ và hoàn thành 10/15 bước để triển khai Đề án, dự kiến đến năm 2025 sẽ hoàn thành.
Ông Nhất chia sẻ thêm: "Việc người dân tiếp cận, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất quế hữu cơ sẽ góp phần quan trọng để xây dựng chứng nhận quế hữu cơ, cùng địa phương sớm hoàn thành xây dựng Đề án. Xã cũng mong muốn và đề xuất huyện, tỉnh quy hoạch Tân Hương là một trong những vùng trọng tâm về trồng quế cũng như xây dựng nhà máy chế biến quế để phát triển các vùng quế dọc tuyến quốc lộ 70 đi qua địa phận huyện Yên Bình. Bởi lẽ, các xã từ Đại Đồng lên đến Tân Nguyên đều có khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp để cây quế sinh trưởng tốt, hàm lượng tinh dầu cao”.
Đên nay, người dân các xã Tân Nguyên, Bảo Ái, Tân Hương, Đại Đồng và Xuân Long của huyện Yên Bình đã tích cực phát triển cây quế với diện tích gần 3.500 ha, trong đó có hơn 1.000 ha quế phát triển theo hướng sản xuất hữu cơ. Huyện Yên Bình đặt mục tiêu, hình thành vùng trồng quế hữu cơ tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển bền vững tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, quảng bá thương hiệu các sản phẩm chế biến từ cây quế đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
"Huyện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển cây quế theo Nghị quyết số 20 của Tỉnh ủy Yên Bái về phát triển ngành nông nghiệp theo hướng chất lượng, hiệu quả, giá trị tăng gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, Yên Bình đã phối hợp với Công ty Quế hồi Việt Nam thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm tại 11 thôn của xã Tân Hương với diện tích hơn 1.000 ha; đồng thời khuyến khích, hỗ trợ phát triển liên kết chuỗi giá trị sản xuất quế hữu cơ và phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng, chế biến quế có uy tín tại địa phương" - Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Xuân Trường cho biết.
Thời gian tới, Yên Bình sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp để chỉ đạo các địa phương, khuyến khích người dân mở rộng diện tích, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trồng chăm sóc quế theo hướng hữu cơ, phấn đấu hình thành vùng nguyên liệu quế hữu cơ ổn định 5.000 ha và tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã cùng liên kết sản xuất quế theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm tại địa phương.